Nhiều vụ đột tử trong làng thể thao Việt dù đang rất khỏe mạnh: Bác sĩ tiết lộ nguyên nhân bất ngờ
Nhiều nạn nhân chết ngay trên đường đua, chết trên sân tập hay chết trên sân đấu dù sức khỏe trước đó rất bình thường. Các bác sĩ đã chỉ ra nguyên nhân cụ thể gây ra tai biến khi vận động.
Nỗi ám ảnh đột tử trong thể thao
Năm 2013, vận động viên xe đạp Đỗ Xuân Tâm chết ngay trên đường đua ở giải xe đạp tiền SEA Games 22 tổ chức tại Hòa Bình. Sau đó, các bác sĩ nhận định anh đã đột tử do kiệt sức, say nắng và không được sơ cứu kịp thời nên não thiếu oxy, rồi trụy tim.
Tháng 5/2015, thủ môn Trần Nam Trung (SN 1974) của Câu lạc bộ bóng đá Quân khu 4 đã bất ngờ ngất lịm khi đang tập luyện ngay trên sân bóng. Mọi nỗ lực cứu chữa sau đó đều vô vọng. Trước đó dù có triệu chứng bệnh tim nhưng nạn nhân chủ quan không đi khám kỹ.
Gần đây nhất, vào tháng 1/2019 chàng trai Võ Văn Thơm (quê Bình Thuận) đã ra đi khi chưa kịp hoàn thành đường chạy tại một giải đấu Marathon mà anh vẫn tham gia hàng năm. Đáng chú ý, mới trước đó 1 năm, anh từng nằm trong top 90 người hoàn thành Marathon cự ly 42km trong thời gian sớm nhất.
Người cấp cứu bệnh nhân cho biết, Thơm không có tiền sử tim mạch. Ekip điều trị đã tiến hành hồi sức cấp cứu tại hiện trường, ép tim, sốc điện và dẫn thuốc vào mạch hồi sức cho tim rồi chuyển bệnh nhân về bệnh viện cấp cứu nhưng đành bất lực.
Theo bác sĩ, nguyên nhân tử vong có khả năng do vận động viên trên hoạt động quá sức chịu đựng của tim, dẫn đến trụy tim.
Nguyên nhân từ đâu?
Chia sẻ về những trường hợp trên, PGS.TS Lê Thị Tuyết Lan, Phòng khám Bệnh viện Đại học Y Dược 1 chia sẻ, 30-60% các ca tai biến khi vận động do sai lầm trong phương pháp giảng dạy và huấn luyện.
Một vấn đề khác là không đáp ứng đầy đủ yêu cầu vật chất kỹ thuật của buổi tập (chiếm 25%). Điều này bao gồm chất lượng trang thiết bị, dụng cụ sân bãi thi đấu và trang phục kém; phương tiện bảo vệ, bảo hiểm không có hoặc không đầy đủ; tâm lý coi thường, tùy tiện trong việc chọn địa điểm và các phương tiện, dụng cụ luyện tập.
Có 5-15% người đột tử khi đang tập luyện, thi đấu thể thao liên quan đến hành vi không đúng đắn như vội vàng, thiếu ý thức, thiếu tập trung chú ý.
Nguy hiểm còn được gây ra ở những thiếu sót trong tổ chức tập luyện và thi đấu như: Bố trí người tập bất hợp lý, mật độ người tập quá đông, phối hợp tập luyện giữa các nhóm vận động viên không phù hợp trình độ, hạng cân, không có huấn luyện viên hoặc giáo viên lúc tập luyện và thi đấu.
2-6% các trường hợp do điều kiện khí hậu và vệ sinh không phù hợp. Có thể ví dụ như nhiệt độ phòng tập hoặc bể bơi quá cao hoặc quá thấp, độ ẩm môi trường tập quá cao, ánh sáng nơi tập quá tối hoặc quá sáng...
Cuối cùng là do các vận động viên, người tập thể thao vi phạm các nguyên tắc kiểm tra y học, tập luyện không qua kiểm tra y tế, không theo chỉ dẫn của bác sĩ.
Đây là một trong những khâu rất yếu của y học thể thao Việt Nam.
Thực tế cho thấy có nhiều người tập luyện và thi đấu thể thao trong tình trạng thể lực chưa tốt, chưa đáp ứng, rối loạn về khả năng định hình động lực trong không gian, giảm sút các phản ứng bảo vệ và độ tập trung chú ý. Hoặc có thể do quá căng thẳng hay tập luyện quá sức.
Phát hiện sớm các bệnh lý trước khi tập luyện, thi đấu để điều trị, xử lý là rất quan trọng
Theo bác sĩ, việc phát hiện sớm các bệnh lý trước khi tập luyện, thi đấu để điều trị, xử lý là rất quan trọng. Nhất là các bệnh lý như tim mạch, hô hấp, thần kinh, cơ.
Nghiệm pháp gắng sức tim mạch - hô hấp là một kỹ thuật mới được triển khai tại Phòng khám Bệnh viện Đại học Y Dược 1 (trực thuộc Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM). Đây cũng là nghiệm pháp lần đầu triển khai tại Việt Nam.
Người đo sẽ được đánh giá đồng thời hệ tim mạch, hô hấp, thần kinh cơ và chuyển hóa từ lúc nghỉ ngơi, bắt đầu vận động nhẹ đến cường độ cao.
Lúc này, nhiều bệnh lý chỉ xuất hiện lúc gắng sức như tăng giảm huyết áp, rối loạn nhịp, thiếu máu cơ tim, hen suyễn, co thắt phế quản, rối loạn chức năng dây thanh... được bộc lộ.
Các bệnh lý trên nếu không nhận biết được sẽ dễ gặp tai biến khi thi đấu hay gắng sức tập nặng.
Bác sĩ khuyên người dân nói chung và vận động viên nói riêng nên hiểu rõ các giới hạn của bản thân trước khi tập luyện để xây dựng chương trình tập luyện an toàn, tối ưu, phù hợp cho mỗi người.