Nhiều trẻ bệnh sởi bị biến chứng nặng
Các bệnh viện nhi tại TP.HCM đang điều trị hàng chục trẻ mắc bệnh sởi biến chứng nặng sang viêm phổi, nhiễm trùng, ho, phải hỗ trợ thở oxy. Ngành y tế thành phố dự báo, thời gian tới số ca sởi vẫn còn tăng, gây ra gánh nặng cho cộng đồng và áp lực quá tải hệ thống y tế.
Nhiều trẻ biến chứng viêm phổi
Khoa Nhiễm - Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1 TP.HCM đang điều trị cho 39 bệnh nhi mắc sởi, trong đó có 8 trường hợp nặng, biến chứng. Những trẻ mắc sởi nặng chủ yếu có sẵn bệnh nền như suyễn, tim bẩm sinh, bệnh lý về máu, thận hư...
Những ca này phải nằm viện điều trị kéo dài, gặp biến chứng bội nhiễm ở phổi, tiêm kháng sinh ít nhất 7-10 ngày. Phần lớn trẻ từ các tỉnh thành khác chuyển tới, đều chưa chủng ngừa vaccine hoặc chưa tiêm đủ hai mũi.
BS.CK2 Dư Tuấn Quy, Trưởng khoa Nhiễm - Thần kinh cho biết, hơn một tháng nay, số ca sởi nhập viện tăng dần. Cao điểm có ngày lên tới 50 ca sởi, trong đó 8 bệnh nhi nặng, phải hỗ trợ hô hấp, thở oxy. “Thời gian nằm viện một trẻ từ một tuần trở lên, có trẻ kéo dài 2-3 tuần, bởi vì có biến chứng viêm phổi thì phải điều trị chăm sóc lâu, có khi người nhà phải thay đổi người chăm sóc. Thực sự là rất vất vả, kèm theo các vật dụng đồ đạc nữa, mình phải biết cách xử lý chống nhiễm khuẩn. Đối với sởi thì việc chăm sóc trẻ, nhất là dưới 9 tháng tuổi rất vất vả, một người không thể chăm sóc được mà phải ít nhất là 2 người”. BS. Tuấn Quy nói.
Bệnh viện Nhi đồng 2 TP.HCM cũng đang điều trị 14 ca sởi, đa phần là trẻ dưới 12 tháng tuổi. Hầu hết trẻ nhập viện đều ở các tỉnh, nhiều nhất là Bình Dương, Đồng Nai và chỉ có 1 ca ở TP.HCM.
Chị Trần Thị Như Yến (ngụ Bình Thuận) chăm sóc con nhiều ngày tại đây cho biết, bé xuất hiện các triệu chứng như sốt, nổi mẩn đỏ trên da, khó ăn uống và được bác sĩ xác nhận là mắc bệnh sởi. Trong quá trình điều trị, bé có lúc sốt cao, co giật, mất sức, sụt cân. “Các bác cũng dặn là mình canh cho bé đừng có để sốt cao quá. Nếu mà sốt cao quá thì dẫn đến tình trạng co giật rất là nguy hiểm, có thể ảnh hưởng tới não. Còn nếu mà bé cứ lừ đừ, lơ mơ nhiều quá thì nó cũng ảnh hưởng tới sức khỏe. Mình phải giữ gìn vệ sinh nữa, nếu mà không giữ gìn vệ sinh với đi ra gió nhiều bé cũng dễ phát ban nặng hơn”, chị Yến kể.
Tính từ đầu năm 2024 đến nay, TP.HCM đã ghi nhận tổng số ca sốt phát ban nghi sởi tại cộng đồng và các cơ sở y tế trên địa bàn là hơn 590 ca. Trong đó, có hơn 340 ca có kết quả xét nghiệm dương tính với sởi (bao gồm cả trẻ cư ngụ tại TP.HCM và trẻ ở các nơi khác đến) với 3 trường hợp đã tử vong.
Bệnh sởi lây rất nhanh
Thạc sỹ BS Nguyễn Đình Qui, Trưởng khoa Nhiễm, Bệnh viện Nhi đồng 2 cho biết, khi trẻ bị sởi, cần lưu ý các dấu hiệu như sốt kéo dài 3-4 ngày. Phát ban bắt đầu từ sau gáy lan ra toàn thân, có thể đi kèm các triệu chứng như ho, sổ mũi, viêm kết mạc. Nếu trẻ có dấu hiệu thở nhanh, rút lồng ngực nhiều, cần đưa đi khám và điều trị kịp thời, vì đây là dấu hiệu của biến chứng viêm phổi.
Bác sĩ Nguyễn Đình Qui nhấn mạnh, nếu không tiêm vaccine, mức độ lây lan của sởi rất nhanh “Hệ số lây nhiễm của sởi là từ 12-18, nghĩa là một người bị bệnh sởi thì nó có thể lây cho từ 12 cho đến 18 người. Những năm trước, đối với COVID lây nhanh cũng hệ số 2-5, tối đa 5 người ở giai đoạn sau, nhưng sởi thì lây rất ghê. Do vậy mà nguy cơ mình khi mà mình tiếp xúc với bệnh sởi mà bản thân chưa được chích ngừa thì gần như là 90 % mình sẽ bị mắc sởi”.
Theo thống kê của Viện Pasteur TP.HCM, toàn miền Nam có hơn 1.100 trường hợp sốt phát ban nghi sởi, với hơn 480 ca có xét nghiệm dương tính.
Bác sĩ Trương Hữu Khanh, Phó Chủ tịch Liên chi hội Truyền nhiễm TP.HCM cho rằng, nếu không kiểm soát được, dịch bệnh lan tràn khiến hệ thống y tế có nguy cơ bị quá tải. Nhiều trẻ mắc sẽ khiến tỷ lệ trẻ bị biến chứng nặng tăng cao và dễ dẫn đến tử vong. “Có những tình huống là bệnh sởi sẽ không điển hình. Ví dụ có trường hợp sốt 3-4 rồi mới phát ban ra, nếu mình không chú ý những đứa trẻ này thì sẽ bị lây. Cho nên phụ huynh đã nghe thấy có dịch sởi rồi, ngay cả người lớn, khi thấy sốt kèm phát ban, hoặc kèm theo ho, sổ mũi thì phải nghĩ ngay là con mình bị sởi. Thì phụ huynh phải tách đứa trẻ đó ra”, BS Trương Hữu Khanh cho biết.
Đáng lưu ý, chuyên gia nhận định, những trẻ không được tiêm chủng hoặc chưa tiêm chủng đầy đủ chính là nhân tố đầu tiên “hứng chịu” sự tấn công của bệnh sởi. Không những thế, những trẻ này có khả năng trở thành “cầu nối” lây nhiễm cho người lớn chưa được chủng ngừa sởi trước đây, thậm chí lây cho cả trẻ nhỏ chưa đến tuổi chỉ định tiêm ngừa sởi.
Chỉ khi tỷ lệ miễn dịch trong cộng đồng đạt trên 95% với 2 liều vaccine, bệnh sởi mới có thể được loại trừ hoàn toàn.