Nhiều tỉnh miền Tây lo ngại tình trạng nhập cảnh trái phép qua biên giới Tây Nam

Hoàng Lê,
Chia sẻ

Lãnh đạo nhiều tỉnh như Sóc Trăng, Bạc Liêu cho biết rất lo ngại về tình trạng nhập cảnh trái phép, đặc biệt là tình trạng xâm nhập qua biên giới Tây Nam vào các tỉnh miền Tây.

Trong các ngày 22-23/4, Đoàn công tác của Bộ Y tế do Thứ trưởng Trần Văn Thuấn dẫn đầu đã đến kiểm tra công tác quản lý nhập cảnh, cách ly, giám sát y tế, triển khai tiêm vắc xin phòng COVID-19 cùng công tác y tế phục vụ bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 tại các tỉnh Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau.

Nhiều tỉnh miền Tây lo ngại tình trạng nhập cảnh trái phép qua biên giới Tây Nam - Ảnh 1.

Khu vực theo dõi phản ứng sau tiêm vắc xinđược Bệnh viện đa khoa Cà Mau chuẩn bị.

Lo lắng tình hình nhập cảnh trái phép

Quá trình làm việc với Thứ trưởng Bộ Y tế, lãnh đạo các tỉnh đã báo cáo về tình hình thực tế phòng chống dịch tại địa phương. Trong đó có vấn đề khó khăn trong việc kiểm soát người nhập cảnh trái phép.

Cụ thể tại tỉnh Sóc Trăng, dù là 1 trong 2 tỉnh miền Nam chưa có trường hợp mắc COVID-19 nhưng theo nhận định của cơ quan chức năng, nguy cơ bùng phát dịch rất cao ở cộng đồng dân cư Sóc Trăng nếu không thực hiện quyết liệt các biện pháp phòng chống dịch.

Nhiều tỉnh miền Tây lo ngại tình trạng nhập cảnh trái phép qua biên giới Tây Nam - Ảnh 2.

Sóc Trăng là 1 trong 2 tỉnh miền Nam chưa có ca nhiễm COVID-19 cộng đồng.

Tỉnh hiện có 2.603 trường hợp cách ly y tế tập trung, 1.352 trường hợp cách ly tại nhà, nơi lưu trú.

Tình hình dịch trên thế giới vẫn gia tăng, đặc biệt là sự bùng phát dịch trở lại của các nước ASEAN là một trong những nguy cơ tiềm tàng xâm nhập vào Việt Nam qua đường bộ, nhập cảnh trái phép.

Theo lãnh đạo ngành y tế Sóc Trăng, trong thời gian tới việc nhập cảnh trái phép qua đường biên giới Tây Nam vào miền Tây là đáng lo ngại nhất.

Nhiều tỉnh miền Tây lo ngại tình trạng nhập cảnh trái phép qua biên giới Tây Nam - Ảnh 3.

Xe cấp cứu lưu động được BV tỉnh Sóc Trăng chuẩn bị cho công tác tiêm vắc xin COVID-19 sắp tới.

Ngoài ra, vắc xin phòng COVID-19 dù đã có nhưng chưa đủ đáp ứng yêu cầu. Tỉnh được phân bổ 6.700 liều vắc xin và sẽ bắt đầu tiêm chủng cho lực lượng nhân viên y tế, bộ đội biên phòng, công an vào ngày 26/4.

"Sóc Trăng là tỉnh có đông đồng bào người Khmer, có nhiều người thân sống tại Campuchia và có nhiều lễ hội, Tết cổ truyền người dân tộc nên cần Trung ương hỗ trợ thêm về nguồn lực, kinh phí để tăng cường hoạt động tuần tra, giám sát và phương án cách ly dự phòng chủ động" – Bác sĩ Trần Văn Dũng, Giám đốc CDC Sóc Trăng thông tin.

Không để "dịch chồng dịch"

TS.BS Hoàng Quốc Cường, Viện Phó Viện Pasteur TP.HCM đề nghị tỉnh Sóc Trăng lưu ý kiểm soát người từ biên giới về tỉnh.

Ngoài ra ở khu cách ly, cần cố gắng cách ly độc lập từng phòng với phòng hoặc ít nhất là độc lập từng tầng để hạn chế xảy ra lây lan khi có dịch bệnh. Về vấn đề tiêm chủng, cần có đường dây nóng tư vấn cho người tiêm sau kiểm dịch để tránh những tình huống ảnh hưởng tâm lý xảy ra.

Nhiều tỉnh miền Tây lo ngại tình trạng nhập cảnh trái phép qua biên giới Tây Nam - Ảnh 4.

Khu cách ly tập trung tại ký túc xá sinh viên Đại học Bạc Liêu.

Ngoài dịch COVID-19 thì tỉnh cũng đang có dịch sốt xuất huyết (1 trường hợp tử vong) và số ca tay chân miệng tăng cao. Trong thời gian tới, tỉnh cần tăng cường trang bị về phương tiện xét nghiệm PCR để tự chủ chẩn đoán các bệnh này, tránh tình trạng dịch chồng dịch.

Còn tại Bạc Liêu, nơi đây có đường bờ biển dài 56km. Dọc theo ven biển thường xuyên có tàu đánh cá của ngư dân đánh bắt tiếp giáp với các vùng biển của nước ngoài nên việc giao lưu xảy ra rất khó kiểm soát.

Nhiều tỉnh miền Tây lo ngại tình trạng nhập cảnh trái phép qua biên giới Tây Nam - Ảnh 5.

Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn kiểm tra khu vực nhà ăn tại khu cách ly ở Bạc Liêu.

Cũng như Sóc Trăng, Bạc Liêu là tỉnh có nhiều đồng bào dân tộc Khmer, thường xuyên giao lưu qua lại ở nước ngoài nên khả năng nhập cảnh trái phép luôn thường trực.

Đặc biệt dịch đang diễn biến phức tạp tại nước ngoài dễ xâm nhập qua biên giới Tây Nam vào miền Tây, trong đó có Bạc Liêu. Do đó nguy cơ lây nhiễm COVID-19 luôn hiện hữu.

Bạc Liêu đã có 14 đợt tiếp nhận công dân từ nước ngoài về cách ly tập trung, trong đó phát hiện 52 ca dương tính và đều được điều trị khỏi bệnh.

Nhiều tỉnh miền Tây lo ngại tình trạng nhập cảnh trái phép qua biên giới Tây Nam - Ảnh 6.

Giờ ăn trưa trong khu cách ly.

Qua triển khai cao điểm trấn áp tội phạm, ngặn việc nhập cảnh trái phép trên địa bàn tỉnh, lực lượng chức năng đã khởi tố 1 vụ môi giới cho người khác xuất nhập cảnh trái phép.

Từ đầu năm 2021, tỉnh đã kịp thời phát hiện 6 trường hợp nhập cảnh trái phép về địa phương.

Nhiều tỉnh miền Tây lo ngại tình trạng nhập cảnh trái phép qua biên giới Tây Nam - Ảnh 7.

Phía Bạc Liêu cho biết tình hình nhập cảnh trái phép từ biên giới Tây Nam vẫn diễn ra phức tạp.

"Tỉnh Bạc Liêu đã chi 22 tỷ đồng để chống dịch bệnh COVID-19 và hiện tại ngân sách đã cạn.

Người về tỉnh cách ly quá nhiều nên cơ sở y tế không đủ. Tỉnh đã tận dụng các cơ sở quân đội, ký túc xá sinh viên làm khu cách ly" – bác sĩ Bùi Quốc Nam, Giám đốc Sở Y tế Bạc Liêu dẫn chứng về một số khó khăn của tỉnh trong công tác phòng chống dịch bệnh.

Tây Nam Bộ cần nâng mức cảnh báo COVID-19

Tại Cà Mau, lãnh đạo địa phương cũng cho biết tỉnh có đường biển tiếp giáp với nhiều nước trong khu vực nên có số người vượt biên, nhập cảnh trái phép về tương đối lớn và diễn biến phức tạp.

Thậm chí có một số đối tượng cách ly không hợp tác, đôi lúc kích động, chống đối.

Nhiều tỉnh miền Tây lo ngại tình trạng nhập cảnh trái phép qua biên giới Tây Nam - Ảnh 8.

Từ đầu năm 2021, Khu cách ly Trung đoàn 896 tiếp nhận 305 người.

Trong năm 2021, TAND Cà Mau đã 2 lần tuyên án 8 năm và 9 năm tù giam cho các đối tượng tiếp tay đưa người nhập cảnh trái phép vào địa phận tỉnh.

Ông Nguyễn Văn Dũng, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Cà Mau nhận định thêm, công tác chuẩn bị tiêm vắc xin đợt đầu quá gấp, phân bổ vắc xin về địa phương còn chậm.

Do đó, tỉnh kiến nghị Bộ Y tế xem xét ưu tiên hỗ trợ vắc xin, vật tư phòng chống dịch cho Cà Mau.

Nhiều tỉnh miền Tây lo ngại tình trạng nhập cảnh trái phép qua biên giới Tây Nam - Ảnh 9.

Cà Mau hiện còn điều trị cho 5 trường hợp nhiễm COVID-19.

Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn đánh giá cao công tác phòng chống dịch COVID-19 và chuẩn bị công tác bầu cử của các tỉnh.

Bộ chia sẻ khó khăn của các địa phương trong việc xây dựng kinh phí dùng cho hoạt động cách ly.

Nhiều tỉnh miền Tây lo ngại tình trạng nhập cảnh trái phép qua biên giới Tây Nam - Ảnh 10.

Khu vực 3 đối tượng nhập cảnh trái phép về Cà Mau đang cách ly tại Trung đoàn Bộ binh 896.

Thứ trưởng cho rằng các tỉnh miền Tây Nam Bộ cần nâng mức cảnh báo COVID-19 lên cao hơn 1 bậc, vì ở các nước trên thế giới tình hình dịch đang rất phức tạp. Đặc biệt là các nước gần Việt Nam những ngày qua số ca mắc COVID-19 liên tục tăng.

Lãnh đạo Bộ Y tế đề nghị các tỉnh cần lắp thêm camera ở các khu cách ly để lỡ có xảy ra lây nhiễm thì sẽ dễ dàng hơn trong việc truy vết.

Ngoài ra cần tăng cường năng lực xét nghiệm, ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác phòng chống dịch.

Về tiêm vắc xin, Thứ trưởng mong các tỉnh chuẩn bị kỹ càng để tiêm đến đâu thì vững đến đó.

Chia sẻ