Nhiều phụ huynh lo 'con không học thêm ở nhà cô khó lòng đạt điểm cao'
Dù đã cấm giáo viên tổ chức dạy thêm tại nhà nhưng nhiều phụ huynh vẫn có tâm lý nếu không cho con học thêm thì sẽ khó đạt được kết quả học tập cao trong các kỳ thi.
Ngày từ khi con vào lớp 6, vợ chồng anh Bùi Kiều Hưng (37 tuổi, Gia Lâm, Hà Nội) đã đăng ký cho học thêm đủ 3 môn chính Toán, Văn, Anh. Tuần 3 buổi học, đều đặn suốt 4 năm qua, anh Hưng không quản nắng mưa, thúc giục và đưa đón con mỗi buổi. Từ ngày đi học thêm, anh thấy kết quả của con được cải thiện hơn nhiều.
"Bằng chứng, trong kỳ thi thử tuyển sinh vào lớp 10 vừa qua, con tôi đạt kết quả tốt, dư điểm vào trường top, thậm chí còn nằm trong top đầu của lớp” , anh Hưng nói và cho biết nếu không đi học thêm, con trai anh khó đạt được thành tích này.
Theo nam phụ huynh, chương trình trong sách giáo khoa mới khá nặng và giáo viên thường không đủ thời gian để dạy hết trên lớp. Chỉ những học sinh khá giỏi trở lên mới có thể theo kịp, còn những em tiếp thu chậm buộc phải đi học thêm.
Mặt khác, tâm lý chung của phụ huynh đều yên tâm hơn khi gửi con đến nhà cô giáo học, bởi cô dạy ở trên lớp hằng ngày hiểu rõ năng lực của học sinh nhất, dễ bề kèm cặp để tiến bộ.
"Con học thêm nhiều dù có chút tốn tiền, nhưng đổi lại đạt kết quả cao, nếu không học sẽ ảnh hưởng cả tương lai. Tôi vẫn thường nói con thích học thêm môn gì, học thêm ở đâu cũng được, tôi không ngại đưa đón, miễn là lực học tiến bộ" , anh Hưng nói.
Chị Vũ Thuý Hiền (41 tuổi, Long Biên, Hà Nội) đều đặn đưa đón cậu con trai lớp 5 đi học thêm 3 buổi/tuần. Dù con trai lực học khá giỏi, nhưng thực tế để cạnh tranh được với các bạn trong lớp vẫn cần phải nỗ lực rất nhiều.
Hai vợ chồng chị Hiền làm nghề kinh doanh, bận rộn buôn bán, không đủ kiến thức để kèm con học, nên việc cho con đi học thêm được gia đình đánh giá phù hợp và hiệu quả nhất.
"Bài trên lớp của con khá nhiều và khó, nếu chỉ học ở trường thôi chưa đủ. Tôi muốn con đi học thêm để nắm chắc kiến thức hơn, học thêm những bài nâng cao. Đặc biệt đi học thêm ở nhà cô giáo chủ nhiệm, gia đình càng yên tâm hơn về chất lượng" - chị nói và cho biết, năm nay con cũng sẽ thi đầu vào các trường THCS chất lượng cao nên việc học thêm là rất cần thiết.
Đồng tình với anh Hưng, chị Hiền, chị Ngô Thị Mến (44 tuổi, Nam Định) cho rằng, ai cũng muốn con đạt kết quả cao trong các kỳ thi, muốn làm được điều đó chỉ có cách duy nhất là phải học thêm để nâng cao trình độ, bố mẹ không thể dạy con học ở nhà vì kiến thức mỗi thời một khác.
"Nếu không cho con đi học thêm, tôi sợ rằng con mình rất khó có điểm cao, rồi khó cạnh tranh được vào các trường điểm" , chị Mến nói và nhấn mạnh, không phải học sinh nào cũng thực sự có tính tự giác học, nên rất cần thầy cô giáo kèm cặp học thêm.
Trước tin Bộ GD&ĐT siết quy định dạy thêm, các phụ huynh này đều bày tỏ lo lắng nếu không học thêm, con sẽ không thể đạt kết quả cao trong học tập, thi cử, không theo kịp chương trình học trên lớp.
Ở góc độ giáo viên, cô Lê Thu Hà (giáo viên dạy Toán tại Hà Nội) cho hay, tâm lý chung của phụ huynh luôn mong muốn những điều tốt cho con và đạt được kết quả tốt nhất. Phụ huynh mạnh tay đầu tư, không tiếc công sức đưa đón các con đi học là điều rất dễ hiểu.
Thế nhưng, học thêm quá nhiều chưa chắc đã tốt. Đôi khi những điều phụ huynh nghĩ là tốt sẽ tạo ra những áp lực vô hình khiến các em sợ học.
Nhìn nhận chương trình giáo dục mới hiện nay, cô Hà cũng hy vọng ngoài việc học thêm, phụ huynh nên hướng các con tới việc trau dồi các lĩnh vực khác về kĩ năng sống theo đam mê, sở thích như hoạt động thể thao, văn nghệ,... nhằm phát huy năng khiếu của học sinh.
"Việc học thêm diễn ra rất nhiều ở các cấp với nhiều mục đích, lý do khác nhau, đầu tư học tập cho học sinh là điều quan trọng, nhưng học sinh chỉ nên học thêm nếu có mục tiêu rõ ràng. Ví dụ mục tiêu học thêm một ngôn ngữ mới mà các em hứng thú, hay các khoá học về kĩ năng sống... Cần quan sát, thấu hiểu và lắng nghe những tâm tư, nguyện vọng của các con", nữ giáo viên nói.
Thông tư 29/2024 của Bộ GD&ĐTquy định các trường hợp không được dạy thêm, tổ chức dạy thêm gồm:
- Không tổ chức dạy thêm với học sinh tiểu học, trừ các trường hợp: bồi dưỡng về nghệ thuật, thể dục thể thao, rèn luyện kĩ năng sống.
- Giáo viên đang dạy học tại các nhà trường không được dạy thêm ngoài nhà trường có thu tiền của học sinh đối với học sinh mà giáo viên đó đang được nhà trường phân công dạy học theo kế hoạch giáo dục của nhà trường.
- Giáo viên thuộc các trường công lập không được tham gia quản lí, điều hành việc dạy thêm ngoài nhà trường nhưng có thể tham gia dạy thêm ngoài nhà trường.