Nhiều núi lửa ở Indonesia gia tăng hoạt động, hàng nghìn người phải sơ tán
Giới chức Indonesia đang theo dõi chặt chẽ một số ngọn núi lửa gia tăng hoạt động trong những tuần gần đây, khiến hàng nghìn người phải sơ tán.
Ông Raditya Jati, phát ngôn viên Cơ quan Giảm nhẹ thiên tai quốc gia Indonesia, cho biết, tro nóng rơi từ độ cao 3.000m xuống sườn núi lửa Semeru vào sáng sớm 1/12, khiến người dân sống ở khu vực xung quanh núi hoảng loạn. Nham thạch và lưu huỳnh bao phủ một số ngôi làng xung quanh sườn núi Semeru. Theo ông Jati, nhà chức trách địa phương đã cố gắng sơ tán khoảng 550 người sống trên sườn núi. Hiện không có báo cáo về thương tích hoặc thiệt hại nghiêm trọng được ghi nhận.
Ngọn núi cao 3.676m ở huyện Lumajang này là núi lửa cao nhất trên đảo Java đông dân nhất Indonesia. Trung tâm giảm nhẹ rủi ro núi lửa và địa chất của Indonesia không nâng cao tình trạng cảnh báo của Semeru vì hiện núi lửa này đã ở mức cảnh báo cao thứ 3 kể từ khi bắt đầu phun trào vào tháng 5. Cơ quan trên cho biết, cư dân và khách du lịch nên ở cách miệng núi lửa 4km.
Vụ phun trào nói trên xảy ra 2 ngày sau khi núi lửa Ili Lewotolok phun cột tro bụi cao tới 4.000m lên bầu trời. Hơn 4.600 người đã phải sơ tán khỏi sườn núi Ili Lewotolok ở trên đảo Lembata, tỉnh Đông Nusa Tenggara.
Cơ quan chức năng Indonesia đã nâng cảnh báo về núi lửa Ili Lewotolok lên mức cao thứ 2 vào ngày 29/11 sau khi các thiết bị cảm biến ghi nhận núi lửa gia tăng hoạt động. Ngọn núi cao 1.423m này đã phun trào lần gần đây nhất vào tháng 10/2017.
Bộ Giao thông Vận tải Indonesia cho biết đã ban bố cảnh báo bay sau vụ núi lửa phun trào này và một sân bay địa phương đã phải đóng cửa do tro bụi đổ xuống nhiều khu vực trên đảo.
Hàng nghìn người đã phải sơ tán sau khi các núi lửa tại Indonesia gia tăng hoạt động và phun trào. (Ảnh: AP)
Tại một khu vực khác trên đảo Java, nhà chức trách địa phương đã sơ tán hơn 1.800 người sống trên các sườn núi màu mỡ của núi lửa Merapi kể từ đầu tháng 11 sau khi núi lửa này gia tăng hoạt động. Chính quyền tỉnh Trung Java và thành phố Yogyakarta đang theo dõi chặt chẽ hoạt động của Merapi sau khi cơ quan địa chất nâng mức cảnh báo của núi lửa này lên mức cao thứ 2 và người dân được khuyến cáo ở cách miệng núi lửa 5km.
Được biết, núi lửa Merapi cao 2.968m, cách trung tâm thành phố Yogyakarta khoảng 30km. Khoảng 250.000 người đang sống trong bán kính 10km quanh núi lửa. Merapi đã phun tro bụi và khí nóng cao tới 6km lên bầu trời vào tháng 6, nhưng không có thương vong nào được báo cáo. Vụ phun trào nghiêm trọng gần đây nhất của núi lửa này diễn ra vào năm 2010, khiến 347 người thiệt mạng và 20.000 cư dân phải sơ tán.
Các nhà chức trách ở tỉnh Bắc Sumatra cũng đang theo dõi chặt chẽ núi lửa Sinabung sau khi các thiết bị cảm biến ghi nhận hoạt động gia tăng kể từ tháng 8. Cư dân được khuyến cáo nên ở cách miệng núi lửa 5km và lưu ý sự nguy hiểm của dòng dung nham.
Những ngọn núi này nằm trong số hơn 120 núi lửa đang hoạt động ở Indonesia, nơi dễ xảy ra các cơn địa chấn do vị trí của chúng nằm trên "Vành đai lửa" Thái Bình Dương, một vòng cung của núi lửa và các đường đứt gãy xung quanh Thái Bình Dương.