Nhiều người thích tắm kiểu này trong mùa đông để thư giãn mà không biết rất có hại cho da, tóc và cả huyết áp
Tắm bằng nước quá nóng có thể tác động đến da, tóc, huyết áp và hệ thống miễn dịch của bạn theo những cách tiêu cực.
Tắm nước nóng có thể là một trải nghiệm thư giãn, loại bỏ mệt mỏi. Thế nhưng, có một điều quan trọng không kém là cần nhận thức được các tác dụng phụ tiềm ẩn mà nó có thể mang lại.
Trong những tháng mùa đông, tắm nước nóng là một trong những cách làm ấm cơ thể được nhiều người lựa chọn. Nhưng theo bác sĩ Mahyar Maddahali - người có tài khoản mạng xã hội TikTok là "Dr Max", dù là ở mùa đông, tắm với nước quá nóng cũng có thể có hại cho sức khỏe của bạn.
Trong một video đăng trên TikTok, BS Mahyar Maddahali đã chỉ ra 4 tác hại khi tắm nước quá nóng.
Đầu tiên, tắm nước nóng có thể làm khô và kích ứng da.
Nước nóng gây tổn thương cho các tế bào keratin nằm ở lớp ngoài cùng của da - lớp biểu bì. Các tế bào này bị phá vỡ khiến da không còn độ ẩm và trở nên khô hơn. Không những thế, nhiệt độ cao của nước làm cho các tình trạng bệnh về da, chẳng hạn như bệnh chàm, càng thêm trầm trọng.
"Tắm quá nóng cũng có thể dẫn đến da bị đỏ và kích ứng do các mạch máu dưới da bị giãn nở", BS Mahyar Maddahali nói thêm.
Để ngăn ngừa da khô, nên tránh tắm nước quá nóng và chuyển sang nước ấm. Điều này rất quan trọng trong việc giữ ẩm cho làn da.
Thứ hai, tắm nước quá nóng có thể ảnh hưởng đến tóc của bạn.
Tắm nước nóng không tốt cho tóc cũng như da đầu bởi vì sức nóng khiến tóc khô và trở nên giòn, gãy, chẻ ngọn. Nó cũng có thể khiến da đầu trở nên khô và ngứa. Kết quả là xuất hiện gàu cùng các vấn đề khác trên da đầu.
Để bảo vệ tóc và da đầu, nên sử dụng nước ấm thay vì nước nóng.
Thứ ba, tắm nước quá nóng có thể dẫn đến giảm huyết áp.
Một tác dụng phụ khác của việc tắm nước nóng là nó có thể khiến các mạch máu giãn ra, dẫn đến giảm huyết áp đột ngột. Một số người cũng có thể bị choáng váng, chóng mặt, thậm chí ngất xỉu trong trường hợp như vậy.
Do đó, những người bị huyết áp thấp hoặc dễ bị ngất xỉu nên đặc biệt cẩn thận khi tắm nước nóng. Hãy thực hiện tất cả các biện pháp phòng ngừa cần thiết khi tắm nước nóng.
Thứ tư, tắm nước quá nóng có thể làm tổn hại hệ thống miễn dịch.
Da là tuyến phòng thủ đầu tiên của cơ thể. Tắm nước nóng có thể làm tổn hại tuyến phòng thủ này nên khả năng chống lại nhiễm trùng và ô nhiễm bị giảm đi. Kết quả, hệ miễn dịch cũng bị ảnh hưởng.
Ngoài 4 tác hại của việc tắm nước quá nóng được BS Mahyar Maddahali chỉ ra như trên, mọi người khi tắm nước quá nóng cần cảnh giác với một số nguy cơ khác như:
- Mất nước cơ thể
Một tác dụng phụ tiềm ẩn khác của việc tắm nước nóng là mất nước cơ thể. Tình trạng "khô" do tắm nước nóng không chỉ ở bên ngoài da mà xảy ra cả ở bên trong. Nước nóng có thể khiến cơ thể đổ mồ hôi. Điều này dẫn đến mất chất lỏng và chất điện giải. Một số người có thể cảm thấy mệt mỏi, yếu đuối và thậm chí kiệt sức vì nóng.
Để tránh bị mất nước, nên uống nhiều nước trước và sau khi tắm nước nóng. Bên cạnh đó, bạn cũng không nên để nhiệt độ nước quá nóng, chỉ nên tắm nước ấm cho dễ chịu.
- Các vấn đề sức khỏe hô hấp
Sức khỏe hô hấp và tắm nước nóng cũng có mối liên hệ quan trọng. Hơi nước nóng từ vòi sen có thể khiến đường thở bị co thắt, dẫn đến khó thở, ho, thậm chí lên cơn hen suyễn ở một số người. Những người bị các vấn đề về hô hấp cần phải nhận thức được điều này để thực hiện các biện pháp phòng ngừa. Tắm nước ấm hoặc để cửa phòng tắm mở cho thoát hơi nước, tránh khói và sương mù... cũng phần nào có tác dụng giảm nguy cơ khó thở do tắm nước nóng.
Tóm lại, khi tắm nước nóng có thể cực kỳ thư giãn, nhưng điều quan trọng là phải nhận thức được tác hại có thể xảy ra. Để tránh những tác hại này, bạn nên chuyển sang tắm nước ấm, đồng thời dùng kem dưỡng ẩm sau khi tắm để bảo vệ da, uống nước trước và sau khi tắm để tránh mất nước cơ thể.
Khi nói đến nhiệt độ tốt nhất cho vòi hoa sen của bạn, bác sĩ da liễu New York, Robert Anolik, cho biết, chỉ nên tắm nước nên "ấm" với nhiệt độ khoảng từ 36-40 độ C.
Theo Express Daily, Mirchi, Healthline