Nhiều người mắc cúm A có diễn biến nặng, nếu vô tình tiếp xúc với người nhiễm cúm A thì phải làm sao?
Cúm A là một loại cúm mùa có biểu hiện giống với các loại cúm thông thường nhưng có biến chứng nguy hiểm hơn nếu không được chữa trị kịp thời và đúng cách.
Thời điểm hiện tại, dịch cúm mùa đang diễn biến phức tạp tại nhiều quốc gia ở châu Á, châu Âu và Mỹ. Số ca nhiễm cúm tăng nhanh chóng, nguy cơ biến chứng cao đe dọa sức khỏe người dân.
Tình hình dịch cúm mùa ở Việt Nam hiện tại đang có những diễn biến đáng chú ý. Theo thông tin từ Bộ Y tế, số ca mắc cúm trong năm 2024 đã giảm so với năm 2023, tuy nhiên số ca tử vong lại tăng. Đặc biệt, trong những tháng đầu năm 2025, số ca mắc cúm có xu hướng gia tăng tại một số bệnh viện lớn, nhất là sau dịp Tết Nguyên Đán.
![Nhiều người mắc cúm A có diễn biến nặng, nếu vô tình tiếp xúc với người nhiễm cúm A thì phải làm sao? - Ảnh 1. Nhiều người mắc cúm A có diễn biến nặng, nếu vô tình tiếp xúc với người nhiễm cúm A thì phải làm sao? - Ảnh 1.](https://afamilycdn.com/thumb_w/650/150157425591193600/2025/2/16/benh-nhan-mac-cum-bv-108-14994857454129803200727-78623080410468228410423-1739711448710417814272.jpg)
Bệnh nhân mắc cúm điều trị tại bệnh viện.
Thời gian gần đây, tại Khoa Bệnh lây đường hô hấp, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 xuất hiện nhiều người mắc cúm bị diễn biến nặng, thậm chí nguy kịch, đa số là người có bệnh nền, không kiểm soát tốt bệnh nền. Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương đang điều trị cho 8 bệnh nhân mắc cúm A, một trong số đó đang phải đặt ECMO. Nhiều trường hợp có bệnh nền nên bệnh tiến triển nhanh, biến chứng nặng. Mới đây nhất là một ổ dịch cúm A được phát hiện tại Trường Phổ thông Dân tộc Nội trú (PTDTNT) tỉnh Bắc Kạn, với hàng chục học sinh bị mắc.
Theo chia sẻ của Tiến sĩ, bác sĩ Lê Quốc Hùng, Trưởng Khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Chợ Rẫy thì dịch cúm mùa năm nay đang diễn biến hết sức phức tạp và nghiêm trọng trên toàn cầu, được đánh giá là đợt dịch nguy hiểm nhất trong nhiều năm trở lại đây. Virus cúm được chia làm 3 nhóm chính là cúm A, cúm B và cúm C. Cúm A là loại nguy hiểm nhất, có thể lây lan rộng và gây đại dịch toàn cầu. Cúm B chỉ lây giữa người với người, thường ít đột biến hơn cúm A nhưng vẫn có thể gây bệnh nặng, còn cúm C thì hiếm gặp, triệu chứng nhẹ, hầu như không gây thành dịch lớn.
![Nhiều người mắc cúm A có diễn biến nặng, nếu vô tình tiếp xúc với người nhiễm cúm A thì phải làm sao? - Ảnh 2. Nhiều người mắc cúm A có diễn biến nặng, nếu vô tình tiếp xúc với người nhiễm cúm A thì phải làm sao? - Ảnh 2.](https://afamilycdn.com/thumb_w/650/150157425591193600/2025/2/16/medium20190510094533535023cumah1n1deokhaumax1800x1800jpg30340eff36-1739711475803795444119.jpg)
Ảnh minh họa
Bác sĩ Hùng cho rằng một trong nguyên nhân gây cúm nặng hiện nay là tỷ lệ nhiễm cúm A/H3N2 có xu hướng tăng lên, góp phần làm bệnh nặng hơn ở các nhóm nguy cơ. Đây là chủng cúm A độc lực cao, thường liên quan đến bệnh cảnh nặng hơn, đặc biệt ở người cao tuổi. Điều này khiến nhiều người không khỏi lo lắng vì không biết mình tiếp xúc với bệnh nhân cúm A lúc nào.
Phải làm gì khi vô tình tiếp xúc với bệnh nhân cúm A và nghi ngờ mắc cúm A?
Nếu vô tình tiếp xúc với bệnh nhân cúm A và nghi ngờ có thể lây bệnh, cần làm xét nghiệm để xác định có phải cúm A hay không, nhất là đang trong đợt dịch.
Không tự ý dùng thuốc kháng virus (ví dụ như Tamiflu) hoặc thuốc kháng sinh. Cần đi khám bệnh, tham vấn và uống thuốc theo chỉ dẫn của bác sĩ.
Theo dõi sát triệu chứng của bệnh. Nếu sốt cao không hạ, khó thở, cần đến ngay cơ sở y tế để khám bệnh và theo dõi điều trị.
Nếu bị bệnh, hãy cách ly ở nhà ít nhất là 24 giờ sau khi hết sốt (không sử dụng thuốc giảm sốt). Đeo khẩu trang, tránh đám đông, tránh trường học, cách ly với người thân và bạn bè để tránh lây lan virus cúm cho người khác.
![Nhiều người mắc cúm A có diễn biến nặng, nếu vô tình tiếp xúc với người nhiễm cúm A thì phải làm sao? - Ảnh 4. Nhiều người mắc cúm A có diễn biến nặng, nếu vô tình tiếp xúc với người nhiễm cúm A thì phải làm sao? - Ảnh 4.](https://afamilycdn.com/thumb_w/650/150157425591193600/2025/2/16/20200302phong-cum-cho-tre-so-sinh-1-1739711514873375060798.png)
Ảnh minh họa
Cúm A/H1N1 lây truyền như thế nào?
Virus cúm A/H1N1 có thể lây truyền từ người sang người theo những con đường sau:
Lây theo đường hô hấp: Qua đường dịch tiết, giọt bắn khi bệnh nhân ho, hắt hơi văng bắn ra ngoài môi trường...
Lây theo đường tiếp xúc: Khi vô tình chạm tay vào bề mặt các đồ vật thường ngày có chứa virus, sau đó lại chạm vào mắt, mũi, miệng, là nơi vi khuẩn có thể xâm nhập cơ thể.
Dấu hiệu cảnh báo bệnh và những biến chứng nguy hiểm của cúm A
Thường thì cúm A sẽ có biểu hiện lâm sàng là sốt, nhức đầu, đau mình mẩy, hắt hơi, chảy nước mũi. Tuy nhiên nếu có sốt cao hoặc không được xử trí kịp thời có thể dẫn đến mất nước trong cơ thể, li bì, rối loạn điện giải, thậm chí co giật.
Sốt do cúm A sẽ đi kèm các triệu chứng như viêm họng nhẹ, đôi khi sẽ hắt hơi, ho. Cảm giác nghẹt mũi kéo dài vài ngày... Trường hợp sốt do cúm A đã kéo dài nhiều ngày, chuyển sang giai đoạn nghiêm trọng thì có thể gây tức ngực, khó chịu và hay xuất hiện ho khan.
Hầu hết người bệnh mắc cúm A có thể hồi phục trong vòng một tuần mà không cần phải chăm sóc y tế. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, bệnh cúm A có thể gây ra các biến chứng nặng và tử vong do bệnh chuyển thành ác tính.
![Nhiều người mắc cúm A có diễn biến nặng, nếu vô tình tiếp xúc với người nhiễm cúm A thì phải làm sao? - Ảnh 5. Nhiều người mắc cúm A có diễn biến nặng, nếu vô tình tiếp xúc với người nhiễm cúm A thì phải làm sao? - Ảnh 5.](https://afamilycdn.com/thumb_w/650/150157425591193600/2025/2/16/21675982167371d79585ce1e811acf59ec5918be33feb818515704-1739711674272891338442.jpg)
Ảnh minh họa
Để phòng ngừa cúm mùa, ngành y tế khuyến cáo mọi người nên tiêm vaccine cúm hàng năm, đặc biệt là các nhóm người dễ biến chứng như trẻ nhỏ, người già, người có bệnh nền. Bên cạnh đó, các biện pháp như đeo khẩu trang khi tới nơi đông người, rửa tay thường xuyên, che miệng và mũi khi hắt hơi, cũng rất cần thiết để hạn chế lây lan virus.
Theo khuyến cáo của Cục Y tế dự phòng, triệu chứng của bệnh cúm mùa rất khó phân biệt với các bệnh đường hô hấp khác, việc chẩn đoán và điều trị phải tuân thủ theo hướng dẫn của cơ quan y tế.
Để chủ động phòng chống bệnh cúm mùa, Bộ Y tế khuyến cáo:
1. Người dân khi có triệu chứng ho, sốt, sổ mũi, đau đầu, mệt mỏi, không tự ý làm xét nghiệm, mua thuốc điều trị tại nhà mà cần liên hệ với cơ sở y tế để được tư vấn, khám và xử trí kịp thời.
2. Che miệng và mũi khi ho hoặc hắt hơi, để làm giảm phát tán các dịch tiết đường hô hấp.
3. Đeo khẩu trang, rửa tay bằng xà phòng và nước sạch hoặc dung dịch sát khuẩn tay (nhất là sau khi ho, hắt hơi). Không khạc nhổ bừa bãi nơi công cộng.
4. Hạn chế tiếp xúc với người mắc cúm hoặc các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh.
5. Thực hiện lối sống lành mạnh, tăng cường vận động thể lực, nâng cao sức khỏe.
6. Tiêm vắc-xin cúm mùa định kỳ hàng năm - biện pháp phòng ngừa cúm hiệu quả nhất.
7. Chủ động theo dõi sức khỏe, nếu có biểu hiện ho, sốt, đau họng, mệt mỏi, nhức đầu,... cần đến ngay cơ sở y tế để thăm khám và điều trị kịp thời. Nếu được xác định mắc cúm cần được cách ly, đeo khẩu trang phòng lây nhiễm cho người khác.