Nhiều mặt hàng thực phẩm tăng giá dịp cuối năm
Tại Hà Nội và một số địa phương miền Bắc dịp cuối năm, nhiều mặt hàng thực phẩm bắt đầu tăng giá.
Theo một số tiểu thương ở Hà Nội, nguyên nhân tăng giá thực phẩm trong những ngày gần đây là do thời điểm giáp tết, thời tiết chuyển rét nên khan hiếm hàng thực phẩm.
Tại Chợ Hôm (Hà Nội), hiện giá các loại rau đã tăng thêm từ 1.000 đến 3.000 đồng. Cụ thể: giá rau muống từ 12.000 tăng lên 15.000 đồng/mớ, rau cải cúc từ 5.000 tăng lên 7.000 đồng/mớ, rau cần 10.000 đồng/mớ, rau bắp cải 10.000 đồng/kg, su hào 5.000 đến 7.000 đồng/củ, cải thảo tăng từ 13.000 đồng/ kg lên 16.000 đồng/kg. Đặc biệt, giá thịt lợn thăn tăng từ 100.000 lên 110.000/kg. Thịt bò thăn từ 250.000/kg tăng lên 260.000/kg…
Ảnh minh hoạ
Bà Trương Thị Sang, chủ một quầy rau củ ở chợ Hôm cho biết: Nguyên nhân giá rau tăng là do rau không mọc được do rét này, với lại do vừa rồi mưa bão hỏng nhiều nên chết với lại đợt này rét vào nữa nên mới không có rau. Rau đợt này đắt hơn đầu mùa.
Tại tỉnh Hà Tĩnh, giá thịt bò tăng 170.000–180.000 đồng/kg. Các loại thịt lợn, rau muống, rau cần, su hào, cải bắp... cũng tăng giá nhẹ. Bà Nguyễn Thị Cẩm Thạnh- Trưởng phòng quản lý thương mại (Sở Công thương Hà Tĩnh) cho biết: Thông thường thời điểm gần Tết, những mặt hàng tươi sống, hoa quả, cây cảnh … năm nào cũng có đột biến giá. Chính vì vậy, tỉnh đang triển khai chỉ đạo các ngành cân đối nguồn hàng cung ứng cho thị trường; tăng cường công tác quản lý thị trường để bình ổn giá cả, bảo đảm quyền lợi người tiêu dùng:
Theo ông Trần Văn Tâm- Phó Giám đốc Sở Công thương tỉnh Thanh Hóa, việc tăng giá các mặt hàng tiêu dùng, thực phẩm thời điểm này là dấu hiệu đáng mừng, vì sẽ cân đối được nhu cầu tiêu dùng với lượng hàng hóa sản xuất ra. Tại Thanh Hoá thời điểm này, giá lợn tăng bình quân từ 3-5% so với tháng 11, giá gạo tám thơm cũng tăng từ 2-3%. Một số thực phẩm khác như cá, rau củ quả tăng giá nhẹ.
Để bình ổn thị trường thực phẩm từ nay đến cuối năm, ông Trần Văn Tâm- Phó Giám đốc Sở Công thương tỉnh Thanh Hóa cho biết: Trước hết, yêu cầu các ban chỉ đạo chống buôn lậu hàng giả, gian lận thương mại các địa phương nắm sát tình hình diễn biến thị trường ở từng mặt hàng thiết yếu về giá cả, lượng hàng hóa cung ứng vào. Yêu cầu xác định thực hiện nghị định 84 về thực hiện kê khai giá, niêm yết giá và bán theo giá niêm yết. Những mặt hàng đưa ra là những mặt hàng nào trong thời điểm này tăng thì có hướng điều tiết.