Nhiều hàng hóa, bánh kẹo không rõ nguồn gốc trà trộn thị trường Tết

Quý Thông,
Chia sẻ

Lợi dụng nhu cầu sắm Tết, mua bán hàng hóa, bánh kẹo tăng cao, nhiều đối tượng trà trộn, nhập lậu các sản phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ đưa ra thị trường bán kiếm lời.

Đội Quản lý thị trường số 6, Cục Quản lý thị trường Hà Nội vừa thu giữ 100 kg nho khô tại một cửa hàng kinh doanh trên địa bàn quận Nam Từ Liêm.

Lô hàng không có nguồn gốc xuất xứ, tem nhãn hàng hóa, hạn sử dụng, tuy nhiên về hình thức lại vô cùng bắt mắt và giá chỉ bằng 1/4, so với nho khô được bày bán trên thị trường nên rất dễ tiêu thụ thời điểm này.

100 kg kẹo không rõ nguồn gốc xuất xứ được chia nhỏ, đóng gói trong các hộp nhựa, sau đó dán mác giả và bán cho người tiêu dùng. Ngoài ra, gần 1 tấn ô mai không rõ nguồn gốc xuất xứ, không rõ chất lượng cùng gần 15 mặt hàng thực phẩm đắt hàng dịp cuối năm như: khô gà, khô bò, khô mực cùng các loại bánh, kẹo.

Nhiều hàng hóa, bánh kẹo không rõ nguồn gốc trà trộn thị trường Tết - Ảnh 1.

Đội Quản lý thị trường số 6, Cục Quản lý thị trường Hà Nội vừa thu giữ 100 kg nho khô không rõ nguồn gốc xuất xứ tại một cửa hàng kinh doanh trên địa bàn quận Nam Từ Liêm.

"Chúng tôi đã mất rất nhiều đêm để theo dõi các cơ sở này. Các kho hàng được đặt sâu bên trong ngõ, ít người qua lại, nhằm trốn tránh sự kiểm soát của cơ quan chức năng", Trung tá Ngô Văn Nam, Phó Đội trưởng Đội Cảnh sát Kinh tế và Môi trường, Công an huyện Đông Anh, Hà Nội, cho biết.

Nhu cầu tiêu thụ các loại bánh kẹo trong dịp giáp Tết Nguyên đán tăng cao, vi phạm cũng nhiều hơn. Chỉ 2 tháng qua, lực lượng quản lý thị trường đã thu giữ gần 3 tấn sản phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ và không có hóa đơn chứng từ.

Khó kiểm soát thực phẩm đông lạnh dịp Tết

Không chỉ bánh kẹo, những ngày này, người dân còn mua nhiều các loại thực phẩm, đặc biệt là thịt và các sản phẩm từ thịt. Trong khi đó, giá thịt lợn đang tăng cao. Do đó, nhiều đối tượng tranh thủ bằng nhiều chiêu trò, thủ đoạn để đưa thịt lợn bẩn ra thị trường để bán kiếm lời. Đặc biệt khi kiểm tra, các sản phẩm này còn mang virus dịch tả lợn châu Phi và bệnh tai xanh.

Hai kho lạnh chứa thịt không rõ nguồn gốc được người đàn ông thu mua từ các cơ sở giết mổ nhỏ lẻ trên địa bàn xã Hữu Văn, huyện Chương Mỹ, Hà Nội.

Là thủ phủ của lò mổ chui nên không khó để đối tượng thu mua số lượng lớn thịt lợn. 5 kg một túi trong 2 kho lạnh chứa khoảng 8.000 túi với khoảng 40 tấn thịt lợn đang chờ để xuất ra thị trường.

Nhiều hàng hóa, bánh kẹo không rõ nguồn gốc trà trộn thị trường Tết - Ảnh 2.

Nhiều mặt hàng nội tạng vừa bị cơ quan chức năng phát hiện tại một kho lạnh ở huyện Thường Tín, Hà Nội.

Sau khi lấy 2 mẫu thịt tại 2 kho đông lạnh để phân tích, giám định kết quả xét nghiệm của Trung tâm chẩn đoán Thú y Trung ương, Cục Thú y cho thấy các mẫu dương tính virus dịch tả lợn châu Phi và bệnh tai xanh.

Hai loại virus trên là virus gây dịch bệnh nguy hiểm, gây lây lan dịch bệnh, thuộc diện phải công bố dịch.

Ngoài thịt lợn, các mặt hàng nội tạng cũng vừa bị cơ quan chức năng phát hiện tại một kho lạnh ở huyện Thường Tín, Hà Nội.

Qua kiểm tra, kho thực phẩm bẩn đang chứa ít nhất 5,5 tấn mỡ, 720 kg óc và nội tạng. Tất cả những sản phẩm đều không rõ nguồn gốc xuất xứ, sẽ được chủ cơ sở bán cho các nhà hàng, quán ăn trên địa bàn thành phố Hà Nội, cùng với đó là các cơ sở chế biến xúc xích, lạp sườn.

Các cơ quan chức năng cho biết, hiện nay đối với các hành vi buôn bán thực phẩm không rõ nguồn gốc, kém chất lượng như hiện nay, khung hình phạt đang chưa đủ mức răn đe, chủ yếu chỉ dừng ở mức xử phạt hành chính, rất khó để xử lý hình sự. Đây cũng là lý do khiến tình trạng này ngày một gia tăng.

Đẩy mạnh kiểm soát thực phẩm dịp Tết

Xử phạt nhe, lợi nhuận cao nên việc buôn bán thực phẩm bẩn rất nhiều. Việc các lực lượng như quản lý thị trường, công an bám sát địa bàn là vô cùng cần thiết vào giai đoạn này. Việc phối hợp các đoàn kiểm tra chuyên ngành và liên ngành cũng sẽ kiểm soát thị trường chặt chẽ hơn, đảm bảo cho thị trường tiêu dùng ngày tết được ổn định, ngăn chặn tình trạng thực phẩm bẩn ảnh hưởng sức khỏe người dân.

"Chúng tôi sẽ chỉ đạo các đội quản lý thị trường chủ động nắm bắt diễn biến của thị trường hàng hóa, tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát tốt thị trường ở khẩu lưu thông và thị trường nội địa; chú trọng kiểm tra những cái mặt hàng thiết yếu; có nhu cầu tiêu thụ lớn trong dịp Tết Nguyên đán; đồng thời phối hợp với các ngành chức năng tăng cường kiểm tra các cơ sở sản xuất, kinh doanh và vận chuyển các sản phẩm từ thịt gia súc, gia cầm, thủy hải sản tươi sống, thực phẩm đông lạnh, các cửa hàng kinh doanh trái cây.

Bên cạnh đó Cục Quản lý thị trường TP Hà Nội sẽ tăng cường công tác tuyên truyền về an toàn thực phẩm đến các cơ sở sản xuất kinh doanh và người dân trên báo đài trung ương và địa phương", ông Dương Mạnh Hùng, Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường TP Hà Nội, cho biết.

Chia sẻ