Nhiều F2 trở thành F0 khiến dịch Covid-19 đang lan nhanh tại Hà Nội: Liệu có trường hợp "siêu lây nhiễm"?
Hầu hết những ca dương tính tại Hà Nội đều liên quan đến ổ dịch ở Hải Dương. Điều đáng nói là các ca dương tính xuất hiện rất nhanh. Từ khi tiếp xúc đến khi phát bệnh diễn ra nhanh hơn...
Từ F1 trở thành F0, F2 cũng trở thành F0, chuyên gia nhận định tình hình dịch Covid-19 tại Hà Nội đang diễn ra nhanh hơn
Ông Hoàng Đức Hạnh (Phó giám đốc Sở Y tế Hà Nội) cho biết, từ ngày 27/1, sau khi xuất hiện 2 ổ dịch, Hà Nội hiện có 20 ca dương tính Covid-19.
"Hầu hết những ca dương tính tại Hà Nội đều liên quan đến ổ dịch ở Hải Dương. Điều đáng nói là các ca dương tính xuất hiện rất nhanh. Từ khi tiếp xúc đến khi phát bệnh diễn ra nhanh hơn. Tình hình lây nhiễm thứ phát trong cộng đồng cũng nhanh hơn. Đặc biệt ghi nhận nhiều trường hợp từ F1 thành F0, F2 cũng trở thành F0", phó giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho biết.
Cụ thể, trong số các trường hợp nhiễm Covid-19 tại địa bàn thành phố, BN1694 (nam, 40 tuổi, là công nhân của nhà máy Z153, Cục Kỹ thuật Bộ Quốc phòng, ở thị trấn Đông Anh) có tiền sử dịch tễ phức tạp và đã lây nhiễm cho nhiều người (8 trường hợp). 4 người khác là F1 của các trường hợp này cũng vừa được xác định dương tính với SARS-CoV-2.
Thông tin này hiện nay khiến nhiều người vô cùng lo lắng khi tốc độ lây nhiễm của virus đang diễn ra rất nhanh. Nhiều người lo ngại đây là trường hợp "siêu lây nhiễm" khi có thể khiến nhiều F1, F2 bị nhiễm bệnh chỉ sau thời gian ngắn tiếp xúc.
Trường hợp nhiễm Covid-19 lây cho 8 F1 và 4 F2 - Đây có phải là trường hợp "siêu lây nhiễm"?
PGS.TS Nguyễn Huy Nga, Nguyên cục Trưởng Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế) nhận định, virus SARS-CoV-2 có đặc tính lây qua tiếp xúc gần. Do đó, không có gì khó hiểu khi một người tiếp xúc gần với 5-10 người và lây bệnh. Trường hợp lây nhiễm bệnh của BN 1694 mặc dù đã lây cho 8 F1 và 4 F2 nhưng chưa thể nói là ca "siêu lây nhiễm".
Chia sẻ về nguyên nhân của hiện tượng lây nhiễm cao, chuyên gia cho rằng: "Bệnh nhân này nhiễm chủng virus tại Anh vốn là chủng biến thể nên có tốc độ lây lan nhanh hơn".
Biến thể mới làm tăng khả năng lây lan tới 70%. Những nghiên cứu ban đầu cho thấy thời gian ủ bệnh của người nhiễm biến thể mới của virus SARS-CoV-2 ngắn hơn, khởi phát sớm hơn, khả năng bám dính bề mặt lớn hơn... nhưng chưa có dấu hiệu về biến thể mới tồn tại lâu hơn, gây triệu chứng bệnh nặng hơn.
"Bên cạnh đó, những trường hợp lây nhiễm chéo đều là những người sống cùng nhà, môi trường gia đình có những tiếp xúc gần, không đeo khẩu trang khi giáp mặt nhau... nên chuyện lây nhiễm cũng không có gì khó hiểu", chuyên gia cho biết thêm.
Chưa kể, thời điểm hiện tại, không khí miền Bắc chuyển sang xuân, có xu hướng ẩm ướt, ấm áp hơn. Đây là điều kiện vô cùng thuận lợi cho virus, vi khuẩn phát triển. Virus SARS-CoV-2 cũng không loại trừ. Nhất là khi dịch bệnh Covid-19 sau một thời gian dài không có ca mắc mới trong cộng đồng, tâm lý người dân chủ quan dẫn đến nguy cơ lây lan dịch cũng lớn hơn là điều khó tránh.
"Nếu ở trong môi trường kín, người nhiễm Covid-19 có tiếp xúc gần thì còn có khả năng lây nhiễm cho cả trăm người chứ không chỉ dừng lại ở một vài người", chuyên gia nhấn mạnh.
Bàn thêm về trường hợp nhiễm virus SARS-CoV-2 biến chủng, PGS.TS Trần Đắc Phu (nguyên Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng, cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp) cho biết, virus biến chủng có độ bám dính vào niêm mạc miệng, mũi tốt hơn. Chỉ với một tải lượng virus nhỏ bám dính vào niêm mạc mũi, miệng, sau 2-3 ngày sẽ phát bệnh và có thể bắt đầu lây nhiễm cho người khác.
Khả năng bám dính tốt hơn nên việc lây nhiễm do đó cũng nhanh hơn. Đây cũng chính là một trong những nguyên nhân lý giải vì sao một người mắc mà rất nhiều trường hợp tiếp xúc gần sau đó như F1, F2 đều có thể mắc bệnh.
"Nếu không phát hiện sớm, cách ly kịp thời để lây ra cộng đồng thì sẽ rất nguy hiểm, vì chúng lây lan nhanh. Dù tỷ lệ tử vong trên mắc không cao nhưng càng nhiều người mắc thì sẽ càng có nhiều người tử vong. Đặc biệt nếu để lây cho những đối tượng nguy cơ cao như người cao tuổi, người có bệnh lý nền…, lây trong bệnh viện thì tỷ lệ tử vong cao", PGS. TS Trần Đắc Phu nhấn mạnh.
Để ngăn chặn dịch Covid-19, Hà Nội hiện vẫn đẩy mạnh các biện pháp phòng chống dịch Covid-19. Trong đó 3 yếu tố quan trọng nhất cần được triển khai là truy vết, cách ly và xét nghiệm.
Truy vết được coi là vấn đề quan trọng hàng đầu. Việc truy vết không hề đơn giản vì có những F0 có lịch trình di chuyển rất phức tạp. Mặc dù vậy, các đơn vị đã phối hợp và thông tin nhanh, kết hợp truy vết thủ công đến tận nhà, gọi điện từ tổ đáp ứng nhanh, quay lại tiếp tục truy vết...
Hiện tại, Hà Nội đang cố gắng truy vết thật nhanh. Tất cả F1 đều được đưa vào khu cách ly của quân đội. Trong khi đó, F2 sẽ được hướng dẫn cách ly tại nhà.
Giới chuyên gia khuyên, người dân không nên quá lo lắng. Đây là vấn đề đáng quan ngại nhưng điều quan trọng nhất là chúng ta cần hết sức bình tĩnh để đối phó với dịch bệnh Covid-19 ở thời điểm mới. Mọi người dân lúc này cần tuân thủ quy tắc 5K "Khẩu trang - Khử khuẩn - Khoảng cách - Không tập trung - Khai báo y tế". Khoảng cách càng xa nhau giữa người với người thì virus càng không có cơ hội lây lan và phát triển. Nếu không có việc gì thực sự cần thiết, người dân tốt nhất không nên ra khỏi nhà vì sức khỏe bản thân, gia đình và cộng đồng.