Nhiều cơ sở giáo dục đại học tăng chỉ tiêu tuyển sinh năm 2023
Tuyển sinh năm 2023, nhiều cơ sở giáo dục đại học tăng chỉ tiêu so với năm ngoái.
Năm nay, Học viện Nông nghiệp Việt Nam tuyển hơn 5.800 sinh viên cho 43 ngành học, tăng 30 chỉ tiêu so với năm ngoái. Học viện áp dụng 4 phương thức xét tuyển: Tuyển thẳng; xét tuyển dựa vào kết quả thi tốt nghiệp THPT; xét học bạ; xét kết hợp.
Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông dự kiến mở thêm bốn ngành, chỉ tiêu tăng từ 3.820 lên 4.280. Bốn ngành mới gồm: ngành Kinh tế số, Truyền thông và quan hệ công chúng, Công nghệ thông tin theo hướng ứng dụng (chương trình chuẩn) và Marketing số (chương trình chất lượng cao).
Bốn phương thức tuyển sinh được giữ ổn định nhưng thay đổi tỷ lệ chỉ tiêu. Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông dự kiến dành 55% chỉ tiêu xét tuyển từ điểm thi tốt nghiệp, 15% chỉ tiêu từ điểm thi đánh giá năng lực, tư duy. Còn lại, trường dành 30% chỉ tiêu xét tuyển theo đề án riêng và theo quy định của Bộ GD&ĐT. So với năm 2022, chỉ tiêu dành cho điểm thi tốt nghiệp giảm 10%.
Với phương thức xét tuyển theo đề án riêng, thí sinh nộp hồ sơ phải thuộc một trong bốn nhóm điều kiện. Nhóm một là những thí sinh đạt điểm SAT từ 1130/1600, điểm ACT từ 25/36 ACT trở lên.
Nhóm thứ hai là thí sinh có chứng chỉ IELTS 5.5, TOEFL iBT 65, TOEFL 513 trở lên. Nhóm thứ ba là học sinh giành giải khuyến khích trong kỳ thi học sinh giỏi quốc gia hoặc giải nhất, nhì, ba cấp tỉnh môn Toán, Lý, Hóa, Tin. Cả ba nhóm này đều phải có điểm trung bình ba năm bậc THPT hoặc kỳ I lớp 12 tối thiểu 7,5, hạnh kiểm từ khá trở lên.
Nhóm bốn là những học sinh chuyên Toán, Lý, Hóa, Tin của các trường chuyên, có điểm trung bình ba năm hoặc kỳ I lớp 12 từ 8 trở lên, hạnh kiểm tối thiểu khá.
Với phương thức sử dụng điểm thi đánh giá năng lực, tư duy, thí sinh được tham gia xét tuyển nếu đạt ít nhất 80 điểm bài thi của Đại học Quốc gia Hà Nội, 700 điểm bài thi của Đại học Quốc gia TP HCM hoặc 60 điểm bài thi của Đại học Bách khoa Hà Nội. Điểm xét tuyển sẽ được quy đổi về thang 30 cộng với điểm ưu tiên.
Học viện Hàng không Việt Nam dự kiến tuyển sinh 11 ngành với tổng chỉ tiêu hơn 2.700 sinh viên, tăng gần 600 so với năm 2022. Trong đó, chỉ tiêu ngành Ngôn ngữ Anh tăng gần gấp đôi, từ 180 lên 345. Tiếp đến là Quản trị Kinh doanh, từ 440 lên 540. Các ngành còn lại tăng phổ biến 20-30 chỉ tiêu so với mức tuyển năm 2022, duy nhất ngành Công nghệ Kỹ thuật Điều khiển và Tự động hóa giảm chỉ tiêu từ 180 xuống 140.
Học viện Hàng không Việt Nam sẽ mở chuyên ngành Khai thác Hàng không, dạy và học bằng tiếng Anh hoàn toàn.
Theo thông báo của Trường ĐH Khoa học và Công nghệ Hà Nội (USTH), năm nay, nhà trường dự kiến tuyển sinh 19 chương trình đào tạo đại học lĩnh vực khoa học công nghệ, với 950 chỉ tiêu, tăng 12,5% so với năm 2022.
Nhà trường sẽ tuyển sinh theo 3 phương thức: Xét tuyển dựa trên kết quả thi đánh giá năng lực do USTH tổ chức; Xét tuyển thẳng theo đề án của Trường; Xét tuyển trên kết quả thi tốt nghiệp THPT cho các ngành đào tạo về khoa học – công nghệ.
Ứng viên có điểm bài kiểm tra đạt yêu cầu sẽ được tham dự vòng phỏng vấn với Hội đồng tuyển sinh của USTH. Thí sinh có thể lựa chọn phỏng vấn bằng tiếng Việt hoặc tiếng Anh.
Thí sinh ứng tuyển các chương trình song bằng sẽ phải tham gia thêm một vòng phỏng vấn riêng bằng tiếng Anh. Nhà trường lưu ý, không tuyển sinh chương trình Kỹ thuật Hàng không và các chương trình song bằng thông qua cổng thông tin tuyển sinh của Bộ GD&ĐT. Về đối tượng tuyển thẳng, USTH áp dụng chính sách tuyển thẳng theo quy định.