Nhiều cơ hội xét tuyển ĐH sau khi biết điểm thi THPT
Vào lúc 0 giờ ngày 24-7, Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố điểm thi THPT 2022; sau đó thí sinh sẽ đăng ký nguyện vọng xét tuyển vào các trường ĐH phù hợp.
Tất cả các nguyện vọng đăng ký, điều chỉnh, bổ sung nguyện vọng xét tuyển vào các trường ĐH, CĐ đều thực hiện trong cùng một giai đoạn từ ngày 22-7 đến 20-8.
Tăng cơ hội cho thí sinh
Sự điều chỉnh này trong quy chế tuyển sinh năm nay mang lại nhiều quyền lợi cho thí sinh khi cơ hội trúng tuyển vào các trường yêu thích nhất của các em tăng lên.
Nhiều năm nay, các cơ sở đào tạo (gọi chung là trường ĐH) ngày càng mở rộng thêm nhiều phương thức xét tuyển. Ngoài phương thức xét tuyển truyền thống là xét kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT được hầu hết các trường sử dụng, nhiều trường ĐH còn xét kết quả kỳ thi đánh giá năng lực; xét tuyển kết hợp kết quả học bạ với chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế; xét học bạ…
Việc sử dụng nhiều phương thức xét tuyển và thực hiện ở nhiều giai đoạn buộc thí sinh phải có sự lựa chọn, đôi khi là sự lựa chọn khó khăn.
Thí sinh dự kỳ thi tốt nghiệp THPT tại TP HCM xem số phòng thi. Ảnh: TẤN THẠNH
PGS-TS Bùi Hoài Thắng, Trưởng Phòng Đào tạo Trường ĐH Bách khoa (thành viên ĐHQG TP HCM), nói rằng những năm trước đây, khi thí sinh trúng tuyển bằng các phương thức không sử dụng điểm thi tốt nghiệp THPT đều được yêu cầu xác nhận nhập học, nếu không sẽ bị hủy kết quả. Tình huống này đặt các em vào thế buộc phải quyết định xác nhận nhập học hoặc không. Nếu xác nhận nhập học, các em không còn quyền tham gia xét tuyển bằng kết quả thi tốt nghiệp THPT; nếu không xác nhận nhập học, các em bị hủy kết quả. Năm nay, quy chế tuyển sinh đã điều chỉnh để tăng cơ hội cho thí sinh muốn xét tuyển vào trường, ngành mà các em yêu thích nhất.
TS Nguyễn Đức Nghĩa, nguyên Phó Giám đốc ĐHQG TP HCM, cũng đánh giá rằng những điều chỉnh trong quy chế tuyển sinh năm nay mang lại nhiều cơ hội cho thí sinh. Những thí sinh đã trúng tuyển vẫn còn cơ hội tham gia xét tuyển vào những ngành, trường yêu thích hơn mà vẫn không mất đi quyền đã trúng tuyển ở các phương thức khác, vấn đề còn lại phụ thuộc vào việc sắp xếp các nguyện vọng của thí sinh sao cho hợp lý.
Thí sinh sẽ điều chỉnh nguyện vọng nhiều hơn
Kỳ tuyển sinh năm 2022 chỉ mới bắt đầu nhưng một số trường đã thông báo sẽ xét tuyển bổ sung do lo ngại kết quả tuyển sinh đợt 1 không đạt kết quả như mong muốn.
TS Nguyễn Quốc Anh, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Công nghệ TP HCM, cho rằng việc tuyển bổ sung chỉ là dự kiến vì theo kinh nghiệm các năm thì trường tư sẽ còn chỉ tiêu sau một đợt xét tuyển. Năm nay, Bộ GD-ĐT lọc ảo chung cho tất cả các phương thức thì trên lý thuyết là sẽ giảm ảo hơn mọi năm nhưng không có nghĩa là không có. Năm nay Trường ĐH Công nghệ TP HCM có hơn 9.000 chỉ tiêu, dù có gọi dự phòng với tỉ lệ cao hơn nhưng nhiều khả năng sẽ còn lại một số chỉ tiêu ảo.
Cũng theo TS Nguyễn Quốc Anh, những năm qua, trước khi vào giai đoạn xét tuyển bằng kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT thì các trường cũng đã có một lượng nhất định thí sinh trúng tuyển nhập học nhưng năm nay dù thí sinh nộp hồ sơ xét tuyển vào trường đã có kết quả đạt yêu cầu điểm số mà cũng chưa có gì chắc chắn. ThS Trương Thị Ngọc Bích, Giám đốc Trung tâm Thông tin truyền thông Trường ĐH Kinh tế - Tài chính TP HCM, thông tin theo quy chế sau ngày 30-9, các trường thiếu chỉ tiêu sẽ tiến hành xét bổ sung. Căn cứ vào tỉ lệ nhập học hằng năm của trường, thông thường ở đợt đầu tiên, tỉ lệ nhập học không cao, nên việc thông tin dự kiến nhận hồ sơ bổ sung đến 5-10 để có thể bảo đảm được chỉ tiêu chung. Đồng thời cũng để thí sinh có thêm thông tin và lựa chọn trường nếu chưa có cơ hội trúng tuyển ở đợt 1.
TS Nguyễn Đức Nghĩa cũng cho rằng các năm trước Bộ GD-ĐT chỉ lọc ảo đối với phương thức xét kết quả điểm thi tốt nghiệp THPT, các phương thức xét tuyển khác các trường được tự chủ. Năm nay, các trường không được tự chủ trong xét tuyển. Thêm vào đó, tuyển sinh ĐH, CĐ sư phạm năm 2022 thay đổi cả ở khâu đăng ký và xét tuyển, trong khi các quy định lại công bố quá muộn nên các thí sinh, thậm chí cả trường ĐH chưa hiểu hết nên lo lắng là điều dễ hiểu.
TS Nghĩa cho biết các năm trước, có khoảng 45% thí sinh điều chỉnh nguyện vọng. Năm 2022, thời gian đăng ký, điều chỉnh, bổ sung nguyện vọng kéo dài gần 1 tháng là khá dài nên có thể khiến thí sinh điều chỉnh nguyện vọng nhiều hơn vì bất kỳ thông tin nào về tuyển sinh cũng có thể tác động đến việc điều chỉnh nguyện vọng.
Cần chủ động đăng ký xét tuyển sớm
TS Trần Đình Lý, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Nông Lâm TP HCM, lưu ý năm 2022 là năm đầu tiên thí sinh đăng ký xét tuyển tất cả các nguyện vọng theo các phương thức xét tuyển khác nhau lên hệ thống xét tuyển của Bộ GD-ĐT và cũng là năm đầu tiên thí sinh đăng ký xét tuyển không cùng thời gian với đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT. Vì vậy, để hệ thống không bị quá tải do thí sinh tập trung đăng ký xét tuyển vào những ngày cuối và có thời gian kiểm tra, rà soát dữ liệu, các em thí sinh cần chủ động đăng ký xét tuyển ngay từ những ngày đầu (sau đó có thể điều chỉnh, bổ sung nguyện vọng bất cứ thời gian nào trong thời gian quy định).
Thí sinh cần nghiên cứu kỹ tài liệu hướng dẫn đăng ký xét tuyển, đề án tuyển sinh của các trường để có thông tin đăng ký xét tuyển. Khi đăng ký, điều chỉnh nguyện vọng đăng ký xét tuyển trên hệ thống, các em cần thực hiện đúng, đủ, hết quy trình theo hướng dẫn và nộp lệ phí theo quy định. Sau khi đăng ký xong, thí sinh cần thoát khỏi hệ thống và đăng nhập lại để kiểm tra các nguyện vọng đã đăng ký.
Các em thí sinh lưu ý để tránh nhầm lẫn thông tin đăng ký xét tuyển: mã trường, mã ngành, mã phương thức xét tuyển, mã tổ hợp xét tuyển..., đặc biệt là thí sinh trúng tuyển có điều kiện phải đăng ký nguyện vọng chính xác trên hệ thống để không làm mất cơ hội trúng tuyển.
Trong quá trình đăng ký xét tuyển nếu gặp vướng mắc, thí sinh cần liên hệ với đường dây nóng 1800 8000 về tuyển sinh để được hỗ trợ kịp thời.