Nhiều chị em Sài Gòn chen chúc từ sáng sớm, hùn tiền mua thịt heo giảm giá “sốc”
Do phải lấy cả tảng thịt heo lớn mới được mua với giá “giải cứu”, rất nhiều bà nội trợ đã nghĩ ra cách “góp vốn” với nhau để vừa mua được thịt rẻ, vừa đủ dùng.
Ngày 13-6, hàng trăm người dân Sài Gòn tiếp tục tập trung tại hai điểm bán thịt heo giảm giá "sốc" 290 và 420 Nơ Trang Long (quận Bình Thạnh).
Người Sài Gòn chen chúc mua thịt heo giá "sốc". (Clip: Thiên Kim)
Đây là chương trình bán thịt heo giá "giải cứu", hỗ trợ người chăn nuôi do công ty thực phẩm Vissan áp dụng, diễn ra từ ngày 12-15/6.
Đáng chú ý, dù chiến dịch "giải cứu lợn" đã được nhiều doanh nghiệp kinh doanh thực phẩm phát động từ trước đó, song chiến dịch này vẫn thu hút được sự quan tâm của nhiều người bởi giá thịt giảm mạnh, lên đến 49%. Thậm chí, loại rẻ nhất chỉ có giá 25.500 đồng/kg.
Cụ thể, thịt được chia làm 4 loại, với giá dao động từ 25.500 đồng-45.000 đồng/kg. Trong lần giải cứu kéo dài 4 ngày này, có khoảng 150 con heo được giết mổ để phục vụ nhu cầu của người dân. Dù giá rẻ nhưng tất cả heo được bán ra đều được nuôi theo chuẩn VietGAP.
Đến ngày thứ hai của chiến dịch, số lượng người mua thậm chí còn đông đảo hơn ngày đầu mở bán. Ngay từ hơn 6 giờ sáng, nhiều bà nội trợ đã có mặt tại điểm bán để lựa thịt. Dọc đường Nơ Trang Long ngoài hai điểm bán chính, rất nhiều tấm biển quảng cáo kèm tờ rơi đã được đơn vị tổ chức tung ra nhằm thu hút người dân.
Tuy nhiên theo tìm hiểu của phóng viên, dù giá thịt bán ra rất rẻ nhưng có đi kèm điều kiện. Cụ thể, người mua muốn hưởng chính sách đồng giá phải mua với số lượng lớn, bởi thịt chủ yếu bán theo tảng, miếng to chứ không cắt nhỏ ra.
Tại điểm bán thịt số 290 Nơ Trang Long, để mua thịt loại đặc biệt với giá rẻ (từ 36.000-45.000 đồng/kg), khách hàng phải mua tảng lớn khoảng 1/4 con heo, còn với loại 25.500 đồng/kg, anh Khang (25 tuổi, nhân viên bán hàng) cho biết khách phải mua tương đương ½ con heo thì mới được hưởng giá này.
"Mua lẻ cũng có nhưng phải vào trong cửa hàng và giá sẽ cao hơn, vì thịt sẽ được phân loại ra chứ không bán đồng nhất" – nhân viên bán thịt cho biết.
Chính vì điều này khiến nhiều người dân đến mua thịt, mà đa phần là các chị em gặp bất lợi, bởi mua nhiều sẽ không dùng hết cũng như khó khăn trong việc bảo quản. Để khắc phục cảnh trớ trêu này, các bà nội trợ đã tìm cách liên kết với nhau hùn vốn mua thịt, dù trước đó không ai quen biết ai.
Chị Phương (ngụ quận Thủ Đức) cho biết dù đường xa nhưng vẫn tìm đến mua vì nghe nói giá chỉ hơn 25.000 đồng/kg. "Mình cũng nghĩ sẽ bán sỉ nhưng không ngờ phải mua đến khối lượng lớn như vậy mới đồng giá. Nên chỉ còn cách rủ thêm hai chị khác mua cùng rồi chia ra cho rẻ thôi" – chị nói.
Cách làm này cũng được chị Trà, chị Mai (cùng ngụ quận Bình Thạnh) và chị Hồng Minh (quận Thủ Đức) áp dụng khi mua cả tảng thịt to. "Thịt loại 25.500 đồng/kg đã hết rồi, giờ chỉ còn loại đặc biệt thôi. Mình thấy hùn vốn mua sỉ vầy vừa tiết kiệm cho người dân mà bản thân cửa hàng bán cũng mau hết hơn" – chị Mai nói trong lúc đang cân ký chia tiền với hai người bạn mới quen.
Biết được tâm lý này của khách hàng, đơn vị bán thịt cũng chủ động chuẩn bị sẵn những chiếc cân để khi khách mua và nhờ nhân viên cắt thịt xong có thể dễ dàng trong việc phân phát thịt cho nhau.
Theo các nhân viên, trong những ngày có chiến dịch giải cứu heo, lượng thịt bán ra thị trường tăng xấp xỉ 10 lần, có ngày bán hơn 100 miếng thịt.
Đến 11 giờ trưa, lượng người vào mua thịt vẫn còn đông, khu vực trước cửa siêu thị Bình Hoà (điểm bán 290 Nơ Trang Long) xe máy đâu chật cứng.
Nhân viên bán hàng phải liên tục bổ sung thịt từ xe tải chở đến từ nơi sản xuất gần đó nhưng vẫn không kịp cung ứng.
Được biết để phát huy hiệu quả tối đa hoạt động "giải cứu" cho người chăn nuôi, đơn vị tổ chức chiến dịch đã ngưng nhập hàng từ nước ngoài cũng như tăng số lượng bán ra thêm 500-600 con mỗi ngày.