Nhiều bệnh nhi biến chứng nặng do cúm

Kim Xuân, Phan Hằng, Chí Trung,
Chia sẻ

Trẻ mắc cúm đợt này chủ yếu vẫn là hai chủng cúm A và B. Biến chứng nặng thường gặp ở trẻ dưới 5 tuổi, trẻ có bệnh nền, hoặc trẻ chuyển nặng gia đình mới đưa đến viện.

Nhiều bệnh nhi biến chứng nặng do cúm - Ảnh 1.

Từ đầu năm đến nay, cả nước ghi nhận gần 1.000 trường hợp mắc cúm mùa các loại. Qua hệ thống giám sát tại các cơ sở y tế trên toàn quốc cho thấy, chủ yếu là chủng cúm A và B.

Với những người có hệ miễn dịch suy giảm và trẻ em hệ miễn dịch chưa hoàn chỉnh, cúm có thể gây ra các biến chứng nghiêm trọng, làm tổn thương cơ thể ở mức độ cao.

Một bệnh nhi 6 tuổi được gia đình đưa vào bệnh viện Nhi Trung ương khi thấy có biểu hiện sốt cao nhiều ngày không hạ. Bác sĩ chẩn đoán em bị cúm A và bội nhiễm amidan. Sau 4 ngày điều trị, bệnh nhi đã hết sốt, sức khỏe cải thiện nhiều.

Nhiều bệnh nhi biến chứng nặng do cúm  - Ảnh 1.

Chị Nguyễn Thị Hoa, huyện Mỹ Hào, Hưng Yên, mẹ cháu bé kể lại, khi thấy con bị phù lên, phù môi phù mắt và phù chân sau đó sốt đến 38.6 độ, gia đình cho uống thuốc hạ sốt và đưa lên Bệnh viện Nhi Trung ương để khám.

Theo các bác sĩ, trẻ mắc cúm đợt này chủ yếu vẫn là hai chủng cúm A và B. Trong đó biến chứng nặng thường gặp ở trẻ dưới 5 tuổi, trẻ có bệnh nền, hoặc trẻ chuyển nặng gia đình mới đưa đến viện.

TS.BS Đỗ Thiện Hải - Phó Giám đốc Trung tâm Bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện Nhi Trung ương - cho biết, nhìn chung tỷ lệ mắc cúm A nhiều hơn, tuy nhiên biến chứng nặng lại gặp nhiều ở cúm B. Các bác sĩ cũng khuyến cáo, để hạn chế việc trẻ mắc bệnh truyền nhiễm ở thời điểm này, các phụ huynh cần đặc biệt quan tâm đến việc chăm sóc, theo dõi sức khỏe của trẻ.

Đầu tiên để giảm nguy cơ mắc các bệnh nhiễm trùng như sởi, ho gà và cúm, các cha mẹ cần chú ý đưa trẻ đi tiêm chủng vaccine đầy đủ, đúng lịch, tiếp theo đó là đảm bảo môi trường sống của trẻ luôn phải được thông thoáng, tăng cường chất dinh dưỡng để trẻ có sức đề kháng tốt.

Để tránh việc trẻ gặp các biến chứng nặng, khi thấy có các biểu hiện sức khỏe bất thường như sốt cao liên tục không đáp ứng với thuốc hạ sốt, hoặc trẻ chậm chạp ăn kém, không chơi như ngày thường, gia đình cần đưa trẻ đến các cơ sở y tế để thăm khám, điều trị.

Đại diện Bộ Y tế khẳng định, chưa có sự biến đổi đối với các chủng virus cúm lưu hành tại Việt Nam và so với cùng kỳ năm 2024, số ca mắc giảm 20%. Các chủng cúm đang lưu hành tại Việt Nam là cúm AH2N2 và cúm AH1N1 - đây là những chủng thường gặp và đã có vaccine phòng bệnh. Tuy nhiên, người già và trẻ em cần chủ động phòng ngừa cúm.

Nhiều bệnh nhi biến chứng nặng do cúm - Ảnh 3.

Chia sẻ