Nhiều bạn trẻ thành thị điếc vì mốt đeo tai phone

,
Chia sẻ

“Học ngoại ngữ, nghe nhạc, đàm thoại bằng tai phone đang là mốt được giới trẻ thịnh hành...

... Nghe bằng tai nghe liên tục trong nhiều giờ với cường độ âm thanh lớn là nguyên nhân gây điếc ở giới trẻ thành thị”, BS Lê Thị Lan, viện Tai-Mũi-Họng TƯ nhận định.


Bác sĩ Lan cho biết: “Nếu như trước đây bệnh điếc chỉ biết đến ở người già thì nay bệnh đang có nguy cơ trẻ hóa ở độ tuổi 18, 20. Trong dịp hè này, trung bình mỗi ngày khoa Thính học & Phục hồi chức năng tiếp nhận 2-3 bệnh nhân ở độ tuổi này tổn thương âm thanh cấp tính (điếc do tiếng ồn, không có khả năng hồi phục)”.

Nghe bác sĩ thông báo mình bị tổn thương âm thanh cấp tính, cô sinh viên năm thứ 2 trường ĐH Hà Nội - N.K.L hoảng hốt giật mình. Có nằm mơ L cũng không ngờ, chính thói quen nghe nhạc bằng tai phone mà cô yêu thích lại là nguyên nhân dẫn đến bệnh.

Khi được hỏi, L. buồn bã tâm sự: “Lúc đầu, em chỉ nghe headphone khi luyện tiếng Anh, thời gian nghe cũng không quá 3 tiếng mỗi ngày. Về sau, em nghe nhạc và các chương trình khác nữa, dần dần thành quen nên nghe nhiều. Những lúc khó ngủ em nghe nhạc cho thư giãn rồi ngủ quên không tháo tai nghe. Gần đây tai em hay bị ù, cứ như có tiếng ve, tiếng dế kêu… Em thực sự không ngờ mình lại điếc vì nguyên nhân này”.

Ngồi cạnh L là T.P.T (trường THPT Ngô Quyền, TP Hải Phòng), T. có sở thích nghe nhạc khi đi xe máy và chỉ đến bác sĩ khi tai có tiếng ù lớn, kèm theo chóng mặt: “Em hay nghe nhạc khi đi xe máy, những lúc ấy em thường nghe to vì chạy ngoài đường nhiều tiếng ồn lắm, không bật to không nghe rõ. Em cũng thường nghe nhạc giải trí trước khi ngủ, có hôm cũng bị quên không tháo tai nghe”.

Chiều 21/7, trao đổi với Dân Trí BS Lê Thị Lan, Trưởng khoa Thính học & Phục hồi chức năng viện Tai Mũi Họng TƯ cho biết: “Nghe bằng tai nghe nhiều giờ, trong thời gian dài với cường độ âm thanh lớn khiến tế bào thần kinh trong ốc tai làm việc quá sức, gây mệt mỏi dẫn đến giảm thính lực, khả năng tiếp nhận thông tin kém”.

Cũng theo phân tích của bác sĩ Lan, sức nghe của tai sẽ giảm nếu phải tiếp xúc với âm thanh có cường độ 90db trở lên, trên 3 tiếng mỗi ngày, trong thời gian 1-2 năm. Đa phần các máy nghe nhạc bán trên thị trường đều có công suất cực đại đến 120db. Đáng lưu ý là bệnh nhân không cảm thấy giảm thính lực ngay lúc đó, vì quá trình này diễn tiến âm thầm phải vài năm sau mới thấy biểu hiện.

Qua đây, bác sĩ cảnh báo: “Các bạn trẻ có thói quen nghe nhạc, học ngoại ngữ bằng tai phone nên nghe với cường độ âm thanh nhỏ hoặc vừa phải. Thời gian nghe chỉ 2 đến 3 tiếng/ngày, đặc biệt lưu ý không nghe nhạc bằng tai nghe khi ngủ (vì khi ngủ não bộ cần được nghỉ ngơi). Khi thấy có biểu hiện ù tai, chóng mặt, nhức đầu, hoa mắt… nên đi thăm khám ngay vì đó có thể là những biểu hiện chấn thương âm thanh cấp tính, đe doạ chức năng thính giác”.
 
Theo Dân trí
Chia sẻ