Nhiễm đồng thời cả cúm mùa và COVID-19 sẽ như thế nào?
Cả COVID-19 và bệnh cúm đều có thể lây lan từ người sang người do tiếp xúc gần với nhau. Khi mắc, các triệu chứng của cả hai bệnh sẽ xuất hiện nên không thể chẩn đoán chỉ dựa trên các triệu chứng lâm sàng mà cần phải làm thêm các xét nghiệm để chẩn đoán xác định.
Mới đây, một phụ nữ tại Israel mắc cùng lúc cả COVID-19 và cúm mùa (còn gọi là Flurona). Sự việc này gây chú ý vì đây là người đầu tiên nhiễm Flurona và dấy lên câu hỏi việc nhiễm đồng thời hai loại virus ảnh hưởng như thế nào đến sức khỏe.
Thông tin từ Bệnh viện Beilinson (Isarel) nơi bệnh nhân mắc Flurona điều trị cho biết, đây là một phụ nữ đang mang thai ngoài 30 tuổi và chưa tiêm vaccine. Hôm 30/12/2021, người này đã xuất viện trong tình trạng sức khỏe tốt.
"Đây là sản phụ đầu tiên được chẩn đoán nhiễm đồng thời virus cúm mùa và virus SARS-CoV-2 tại Bệnh viện Beilinson. Chúng tôi đã điều trị cho bệnh nhân bằng cách kết hợp thuốc nhắm vào cả hai loại virus. Ngày càng có nhiều sản phụ mắc cúm mùa, bên cạnh đó là các trường hợp nhiễm virus corona, chủ yếu xảy ra ở những phụ nữ chưa tiêm vaccine phòng COVID-19 và cúm", Zing dẫn lời ông Arnon Wiznitzer - Giám đốc bộ phận chăm sóc sức khỏe phụ nữ tại Bệnh viện Beilinson.
"Flurona" là thuật ngữ dùng để mô tả tình trạng đồng thời mắc bệnh COVID-19 và cúm mùa. Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), cúm mùa và COVID-19 đều là bệnh về đường hô hấp và có thể gây ra các triệu chứng tương tự nhau, chẳng hạn ho, sổ mũi, đau họng, sốt, nhức đầu và mệt mỏi. Do đó, không thể chẩn đoán chỉ dựa trên các triệu chứng lâm sàng mà cần phải làm thêm các xét nghiệm để chẩn đoán xác định.
COVID-19 là do nhiễm một loại Coronavirus (cùng thuộc chi Beta Coronavirus với SARS-CoV, MERS-CoV) gây ra. Trong khi, bệnh cúm là do nhiễm virus cúm. Cả hai loại virus đều có cấu trúc phân tử là ARN sợi đơn.
Cả COVID-19 và bệnh cúm đều có thể lây lan từ người sang người giữa những người tiếp xúc gần với nhau (trong khoảng gần 2m). Cả hai bệnh đều lây lan chủ yếu bởi các phần tử lớn và nhỏ có chứa virus được thải ra ngoài khi những người mắc bệnh (COVID-19 hoặc cúm) ho, hắt hơi hoặc nói chuyện.
Những hạt này có thể phát tán vào miệng hoặc mũi của những người ở gần đó và có thể được hít vào phổi. Trong một số trường hợp như môi trường trong nhà với hệ thống điều hòa, thông khí kém, các hạt nhỏ có thể lây lan xa hơn 2m và gây nhiễm virus.
Virus thường lây lan chủ yếu là qua đường hô hấp, tuy nhiên một người có thể bị nhiễm bệnh qua đường tiếp xúc bề mặt (bắt tay với người có virus trên tay của họ) hoặc chạm vào các bề mặt hoặc vật dụng có virus trên đó, và sau đó vô tình chạm vào miệng, mũi hoặc mắt của chính mình.
Các triệu chứng phổ biến mà COVID-19 và bệnh cúm bao gồm: sốt hoặc cảm thấy sốt/ớn lạnh; ho; thở nhanh hoặc khó thở; mệt mỏi; viêm họng; chảy nước mũi hoặc ngạt mũi; đau mỏi cơ; đau đầu; nôn và tiêu chảy; thay đổi hoặc mất vị giác hoặc khứu giác (hay gặp ở COVID-19); nhiễm khuẩn huyết hội chứng viêm đa hệ ở trẻ em 80% khi nhiễm COVID-19 không có triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ, thường hồi phục sau khoảng 1 tuần; 15% tiến triển thành viêm phổi, viêm phổi nặng cần phải nhập viện; 5%: cần nhập khoa hồi sức tích cực vì diễn biến nặng và nguy kịch. Thời gian từ khi có triệu chứng tới khi diễn biến nặng thường sau khoảng 7-8 ngày.
Khi mắc COVID-19 và bệnh cúm, virus đều gây biến chứng nặng ở những người có nguy cơ cao như: người cao tuổi, có bệnh lý nền, phụ nữ mang thai. Tuy nhiên mức độ nghiêm trọng của COVID-19 cao hơn cúm.
COVID-19 và bệnh cúm đều có thể gây ra các biến chứng bao gồm: viêm phổi; suy hô hấp; hội chứng suy hô hấp cấp tính (ARDS); tổn thương tim; suy đa cơ quan; tình trạng bệnh mạn tính trở nên tồi tệ hơn; viêm não hoặc các mô cơ; nhiễm trùng thứ phát (nhiễm trùng do vi khuẩn hoặc nấm có thể xảy ra ở những người đã bị nhiễm cúm hoặc COVID-19). COVID-19 có thêm biến chứng: rối loạn đông máu, hình thành các cục máu đông trong tĩnh mạch và động mạch.
Để hạn chế sự lây lan của bệnh cúm và COVID-19, đồng thời ngăn chặn tình trạng quá tải của hệ thống chăm sóc sức khỏe trên toàn cầu, chuyên gia y tế khuyến cáo người dân cần tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19 đầy đủ, đúng thời hạn. Bên cạnh đó, cần tuân thủ các biện pháp phòng bệnh khác nhằm bảo vệ những người có nguy cơ cao, người già và những người mắc bệnh mạn tính.
14 món ăn giúp trị cảm lạnh có thể bạn chưa biết?