"Nhẹ gánh" lau dọn nhà cửa chỉ nhờ vài chi tiết nhỏ trong thiết kế nội thất
Theo tâm lý thông thường, nhà càng nhiều đồ đạc thì việc vệ sinh, lau dọn nhà cửa sẽ càng mất nhiều thời gian. Vậy nhưng, nếu khéo léo chọn cách thiết kế nội thất hợp lý, công đoạn lau dọn này sẽ trở nên nhàn nhã và nhanh chóng hơn nhiều.
Khu vực phòng tắm
Khe hẹp phía sau chân bồn cầu là nơi thường xuyên tích tụ rác, tóc và cặn bẩn.
Tuy nhiên, đây lại là khu vực rất khó làm sạch triệt để. Để tiết kiệm công sức cũng như thời gian vệ sinh khe hẹp này, chị em có thể chuyển sang sử dụng bồn cầu một khối âm tường (như hình).
Ngoài khe hẹp sau chân bồn cầu thì phòng tắm còn 1 góc khác cũng rất nhanh bẩn và khó làm sạch – khay treo đựng sữa tắm, dầu gội hay xà phòng. Những loại khay này thường được vít chặt lên tường nên bạn không thể lau rửa toàn bộ các ngóc ngách trên khay.
Để giải quyết vấn đề này, chị em hãy thử chuyển sang sử dụng khay treo dạng dính tường. Khi cần vệ sinh, chị em chỉ việc tháo khay ra, cọ rửa sạch từ A-Z rồi sau đó dán lại vị trí ban đầu là được.
Khu vực phòng ngủ
100% chị em đều phải công nhận rằng nóc tủ quần áo là khu vực "siêu tích bụi", đồng thời rất khó để vệ sinh sạch sẽ do nằm ở vị trí quá cao. Dù có sử dụng giẻ lau hay máy hút bụi thì nhiều chị em vẫn cảm thấy nóc tủ chưa đủ sạch, chưa kể nếu dùng máy hút bụi sẽ dẫn đến việc bụi bẩn bay tứ tán khắp phòng.
Trong trường hợp này, một chiếc tủ kịch trần sẽ là giải pháp thay đổi tình thế ngoạn mục. Chị em sẽ không còn phải bắc thang, bắc ghế để lau sạch nóc tủ. Ngoài ra, phần đáy tủ có thể nâng lên để tiện cho việc vệ sinh hoặc cất giày dép.
Khu vực phòng bếp
Một số chung cư hiện đại sử dụng cửa kính trượt để ngăn cách giữa phòng bếp và phòng khách, vừa phân tách được không gian theo từng chức năng mà không hề tạo cảm giác chật chội. Tuy nhiên, cửa kính trượt lại khiến chị em mất nhiều thời gian lau dọn hơn, đặc biệt là phần ray trượt. Đây là khu vực dễ tích bụi, xác côn trùng, cặn bẩn… nhưng không dễ làm sạch.
Nếu không muốn mất công lau dọn ray trượt hàng ngày, chị em hãy đảo ngược vị trí ray trượt, chuyển từ trên sàn thành trên tường. Như vậy, khu vực sàn nhà sẽ có thể làm sạch chỉ trong 1 nốt nhạc. Robot hút bụi – lau nhà cũng có thể di chuyển từ phòng khách vào phòng bếp mà không bị ray trượt cản trở như trước.