Nhau thai bổ dưỡng tới đâu?

,
Chia sẻ

Sử dụng nhau thai làm món ăn ở Việt Nam hiện gần như không còn. Làm thuốc cũng rất hạn chế bởi các quy định y tế quản lý nghiêm ngặt và cũng có nhiều vị thuốc khác thay thế.

Tuy nhiên ở một số quốc gia, nhu cầu sử dụng nhau thai như một món ăn, vị thuốc đông y lại khá phổ biến. Ngoài ra, tại một số địa phương thuộc vùng sâu, vùng xa của nước ta, do còn thói quen sinh con ở nhà, nên cũng còn chuyện sử dụng nhau thai làm thuốc.

Nhau thai có nhiều dược chất

Việc sử dụng nhau thai hiện nay ở Việt Nam chỉ còn dùng trong các phòng thí nghiệm tế bào gốc. Ảnh: Gaudenta

Nhau thai, còn gọi là nhau sản phụ, thai bàn, thai y, thai bào, nhân bào, tử hà xa..., tên khoa học là Placenta Hominis, là bộ phận ở trong tử cung của người mẹ cùng với cái thai, có nhiệm vụ che chở bảo vệ và nuôi dưỡng thai nhi khi còn trong bụng mẹ, đồng thời có vai trò là một hạch nội tiết tiết ra nội tiết tố hydrat folliculin và oertradiol. Trong nhau thai có một chất protit đặc biệt cấu tạo bởi tám phân tử N-axetyl d-glucozamin, sáu phân tử d-galactoza và sáu phân tử manoza. Ngoài ra còn có pepton, anbumoza polypeptit và cholin. Trong nhau thai tươi, có các nội tiết tố chorionic gonadotropin, kích noãn tố F.S.H và kích tố sinh hoàng thể L.H.

Theo dược học cổ truyền, nhau thai vị ngọt mặn, tính ấm, có công dụng bổ khí, dưỡng huyết, ích tinh, thường dùng để chữa các chứng bệnh suy nhược, gầy yếu, đau nhức trong xương, hen suyễn, ho ra máu, ra mồ hôi trộm, di tinh, liệt dương, phụ nữ thiếu máu, muộn con, thiếu sữa sau khi sinh nở... Nghiên cứu hiện đại cho thấy, nhau thai có tác dụng nâng cao sức đề kháng cơ thể, cải thiện công năng miễn dịch, chống cảm nhiễm, tăng cường chức năng tế bào thận, thúc đẩy quá trình phát dục và tạo huyết cơ thể, làm hưng phấn tử cung, tăng huyết áp.

Một số đơn thuốc dùng nhau thai

Theo kinh nghiệm dân gian, nhau thai tốt là loại còn nguyên bọc, không sây sát và hồng tươi. Cách chế biến hay thấy nhất là đem nhau thai băm nhỏ rồi tráng với trứng cùng các gia vị hoặc nướng chả ăn. Hình thức này tuy đơn giản nhưng có bất tiện là phải ăn một lúc với số lượng quá lớn. Cách khác, lấy nhau thai một cái thái nhỏ, đem ngâm với từ 1 – 1,5 lít rượu trắng loại 40 – 50o trong 10 – 15 ngày, uống mỗi ngày hai lần, mỗi lần chừng 20ml. Có thể cho thêm một số dược liệu có tinh dầu như vỏ cam, vỏ quýt. Khi uống, cũng có thể pha thêm một chút mật ong hoặc đường phèn. Ngoài ra, có thể đem nhau thai rửa lại một lần nữa với rượu cao độ rồi thái nhỏ, ngâm với mật ong theo tỷ lệ một cái nhau thai ngâm với hai lít mật ong, sau chừng nửa tháng là có thể dùng được, khi đó nhau thai sẽ tiêu đi, uống mỗi ngày hai lần, mỗi lần một thìa càphê. Cách dùng đơn giản hơn nữa, là đem nhau thai đã rửa rượu, sấy khô, tán thành bột mịn, đựng trong lọ kín để dùng dần, mỗi ngày uống hai lần, mỗi lần một thìa nhỏ.

Suy nhược cơ thể, đau nhức trong xương: nhau thai một cái, bạch linh 15g, hoài sơn 60g, ba vị sấy khô tán bột, trộn với nước cơm rồi làm thành những viên hoàn to bằng hạt ngô đồng, mỗi ngày uống 30 viên khi đói với nước ấm.

Hư lao, gầy yếu, thổ huyết: nhau thai một cái, thái vụn, đem nấu nhừ với rượu trắng rồi trộn với bột bạch phục thần làm thành những viên hoàn to bằng hạt ngô đồng, uống mỗi ngày 100 viên với nước cơm hoặc nước cháo.

Sản phụ thiếu sữa: nhau thai một cái, làm sạch, thái miếng rồi đem sao bằng lửa nhỏ cho đến khi có màu hơi đen, tán thành bột, mỗi ngày uống hai lần, mỗi lần 3g.

Theo ThS.BS Hoàng Khánh Toàn
SGTT

Nhau thai là bệnh phẩm

Bác sĩ Lưu Thế Duyên, phó giám đốc bệnh viện Từ Dũ TP.HCM cho biết cách đây vài chục năm, khi các công ty dược còn sản xuất thuốc Filatov (một loại thuốc chữa suy dinh dưỡng hay còi xương cho trẻ) bệnh viện Từ Dũ có bán lại nhau thai cho các công ty này. Nhưng khoảng hơn mười năm trở lại đây, thuốc Filatov không còn sản xuất nữa nên bệnh viện đăng ký với công ty Môi trường đô thị TP.HCM phân loại rác thải y tế, trong đó có nhau thai, để đưa đi tiêu huỷ.

Một bác sĩ của bệnh viện phụ sản Hùng Vương TP.HCM cho biết thêm, theo quy định của bộ Y tế, nhau thai được coi là một loại bệnh phẩm, nên việc xử lý phải tuân theo quy chế quản lý chất thải y tế. Gần đây, nhau thai có được các phòng thí nghiệm tận dụng để lấy tế bào gốc từ máu cuống rốn. Trước đây, có giả thuyết cho rằng nhau thai có thể sinh ra một chất kích tố có tác dụng bồi bổ, tăng cường sức khoẻ. Tuy nhiên, sau này thế giới không công nhận những phương pháp gọi là tạng phủ trị liệu (chất trích xuất từ gan, nhau thai...) do không hiệu quả.

H. Nhung – D.M

 
Chia sẻ