Nhật Bản thắt chặt quy định tước tư cách vĩnh trú với người nước ngoài
Chính phủ Nhật Bản xem xét sửa đổi Luật Kiểm soát nhập cư và công nhận người tị nạn.
Theo quy định mới, chính quyền Nhật Bản có thể thu hồi tư cách thường trú, hay còn gọi là tư cách vĩnh trú, đối với người nước ngoài trong trường hợp họ không nộp thuế và phí an sinh xã hội.
Theo quy định hiện tại của Luật Kiểm soát nhập cư và công nhận người tị nạn, người nước ngoài sinh sống ở Nhật Bản ít nhất 10 năm có thể được cấp tư cách vĩnh trú. Với tư cách vĩnh trú, người nước ngoài sẽ không bị giới hạn về thời gian lưu trú và lĩnh vực làm việc. Điều kiện để đạt được tư cách này là họ phải có "hạnh kiểm tốt" và có "đủ tài sản hoặc khả năng kiếm sống độc lập", chưa vi phạm pháp luật Nhật Bản, cũng như hoàn thành các nghĩa vụ nộp thuế và đóng góp an sinh xã hội.
Theo quy định hiện tại, người đã có tư cách vĩnh trú sẽ bị thu hồi tư cách này nếu xin phép bằng nội dung, địa chỉ sai lệch. Chính phủ Nhật Bản hiện đang xem xét bổ sung các quy định tước tư cách vĩnh trú của người nước ngoài trong trường hợp khác như chậm nộp thuế hoặc thực hiện các nghĩa vụ cư trú cần thiết khác.
Tính đến tháng 6/2023, số người nước ngoài có tư cách vĩnh trú tại Nhật Bản là khoảng 880.000 người, chiếm khoảng 27% tổng số cư dân nước ngoài tại Nhật Bản. Con số này có thể tăng lên khi Nhật Bản sửa lại quy định về chế độ thực tập sinh kỹ thuật và mở rộng lĩnh vực tiếp nhận lao động đặc định.
Người nước ngoài tại Nhật Bản đang có xu hướng tăng lên nhanh chóng. Việc thay đổi luật kiểm soát nhập cư và không nhận người tị nạn để thu hồi tình trạng cư trú là nhằm mục tiêu tối đa hóa các quy định, ứng phó với các trường hợp không thực hiện nghĩa vụ pháp lý.