Nhật Bản mở cửa lễ hội “Đàn ông khỏa thân” cho phụ nữ

Nguyên Nguyễn,
Chia sẻ

Sau 1.250 năm, lễ hội “Đàn ông khỏa thân” tổ chức ở TP Inazawa, tỉnh Aichi - Nhật Bản đã cho phép phụ nữ tham gia.

Theo tờ South China Morning Post ngày 23-1, đền Konomiya tại TP Inazawa có truyền thống tổ chức lễ hội Hadaka Matsuri, hay "Đàn ông khỏa thân", trong suốt 1.250 năm. Năm 2024, lần đầu tiên trong lịch sử tổ chức, lễ hội vốn chỉ dành cho nam giới này cho phép phụ nữ tham gia.

Song, phụ nữ vẫn không được tham gia vào tiết mục đỉnh cao nổi tiếng nhất lễ hội: Cuộc đua chạm đến người đàn ông khỏa thân đại diện cho một shin-otoko, vị thần nam, để có được may mắn trong năm tiếp theo. Trong tiết mục này, những người đàn ông tham gia chỉ mặc một chiếc khố duy nhất.

https://lh7-us.googleusercontent.com/D6WVz0bhj4kLO1eiXGNUihbtV9_3NHPysnnxquYZRN4Cd7iD8j24U2hdZkLjQNjyCJzIi4kzwUeyYFlGh7jwGHqsXnC0V72g--lYltl9pvO6ynNj0BiLv0Zt1yyEqyPyLfPeIaVfcl7mgNOL1sCHgFk

Lễ hội "Đàn ông khỏa thân" tại đền thờ Konomiya. Ảnh: Travel Japan

Dù vậy, các chuyên gia về giới cũng như phụ nữ địa phương đều ca ngợi quyết định của các bô lão tại đền thờ là một bước tiến trong cuộc đấu tranh bình đẳng giới.

Năm 2016, lễ hội có hơn 10.000 người đã tham gia. Năm nay, lễ hội dự kiến được tổ chức ngày 22-2. Theo ông Mitsugu Katayama, một thành viên của ban tổ chức, ước tính có khoảng 10.000 người dân địa phương tham gia, số lượng khán giả cũng có thể đạt con số tương tự.

"Chúng tôi không thể tổ chức lễ hội trong suốt 3 năm vì đại dịch COVID-19. Trong khoảng thời gian này, chúng tôi nhận được rất nhiều yêu cầu cho phụ nữ tham gia từ người dân thành phố" - ông Katayama nói.

Ông cũng cho hay không phải tất cả hoạt động của lễ hội đều cấm nữ giới. Khoảng 40 phụ nữ đã tập hợp để dự nghi lễ dâng tre, một phần của lễ hội, tại đền thờ.

Cô Ayaka Suzuki, một trong số những phụ nữ sẽ tham gia lễ hội lần đầu tiên, phát biểu tại một cuộc họp báo ngày 20-1 rằng mình luôn muốn tham gia nghi lễ quan trọng nhất của thành phố từ ngày còn nhỏ.

Bà Sumie Kawakami, giảng viên tại ĐH Yamanashi Gakuin (Nhật Bản), nhà nghiên cứu các vấn đề về giới và phụ nữ, cho biết bà "ngạc nhiên nhưng cũng vui mừng" trước quyết định này của đền Konomiya.

"Có những lĩnh vực khác trong đời sống Nhật Bản mà phụ nữ không được phép tham gia, ví dụ sới vật sumo" - bà Kawakami nói. Bà nói thêm tùy vào tôn giáo mà sự cởi mở với phụ nữ sẽ khác nhau.

Chia sẻ