Nhân viên háo hức đi làm vì mâm cơm toàn đặc sản do vị sếp người Nhật tự bỏ tiền túi cải thiện bữa trưa trong công ty
Công ty phục vụ cơm trưa đã là đãi ngộ không phải nơi nào cũng có, và gặp vị sếp tự bỏ tiền túi để "nâng cấp" chất lượng bữa cơm lại là điều càng khó bắt gặp hơn.
Bất cứ ai đi làm, hẳn cũng nhiều lần suy nghĩ về hình ảnh công ty trong mơ của mình sẽ như thế nào. Có phải lý tưởng nhất là nơi mà nhân viên được trả lương cao, các chế độ được đảm bảo xứng đáng? Hay môi trường làm việc thân thiện, đồng nghiệp hòa đồng, ít áp lực, ít thị phi?
Bên cạnh đó, cũng có một vài người quyết định gắn bó lâu dài với một nơi chỉ bởi vì họ đã quá mê những bữa trưa ngon lành, “chuẩn cơm mẹ nấu”. Như câu chuyện của nhân viên một công ty trong khu công nghiệp ở Hải Phòng là một điển hình.
Những mâm cơm trưa toàn “đặc sản”, cả tháng không trùng nhau
“Theo đúng lịch làm việc thì 11h30 mới được ăn cơm nhưng cứ 7h15 là phải tụ tập trong bếp để ngó nghiêng, chờ đợi xem trưa nay sẽ ăn món gì”. Đó là lời giới thiệu đầy hào hứng của chị Mai Phương khi được hỏi về bữa trưa ở công ty.
Được biết, chị Mai Phương đang là nhân viên của một công ty sản xuất bàn chải, thuộc khu công nghiệp Tứ Liên, Vĩnh Bảo (Hải Phòng). Thay vì phải di chuyển sang nhà ăn và gọi cơm theo suất như hình ảnh thường thấy trong các khu làm việc lớn thì cứ giờ trưa là chị và các đồng nghiệp lại quây quần cùng nhau. Bữa cơm của 14 con người sẽ là những đĩa đồ ăn đầy ắp, món canh nóng hổi. Cũng nhờ công ty có nhiều nhân viên mà đôi khi, mâm còn thịnh soạn hơn so với các gia đình nấu ăn ở nhà.
Chụp lên hình là mâm cơm dành cho 6 người ăn. 14 nhân viên ăn thành 2 mâm, gấp đôi chỗ này.
Không dừng ở đó, lúc tập hợp lại những ảnh chụp bữa trưa công ty trong 30 ngày liên tiếp, chị Mai Phương tiếp tục khiến nhiều người ngỡ ngàng. Dường như thực đơn của một tháng qua không trùng món ăn nào. “Một ngoại lệ là đậu rồng, vì công ty ai cũng thích ăn nên mới yêu cầu chị đầu bếp cứ đi chợ gặp là mua về chế biến”, chị kể.
Đậu rồng là món ăn khoái khẩu của nhân viên công ty nên được "đặc cách" xuất hiện thường xuyên trong các bữa trưa.
Ngoài nguyên liệu do chị đầu bếp đi chợ mua về, nhân viên công ty cũng thường xuyên đóng góp. “Cậu em đồng nghiệp mang lá giang từ Thanh Hóa quê vợ đến, chúng mình lại có món lá giang nấu thịt gà. Khi chồng của một bạn câu được con cá 4,5kg, cả văn phòng lại ăn cá ngập răng”. Nhờ đó mà trong bữa cơm của công ty chị Phương luôn có những món ăn đặc sản từ nhiều vùng miền.
Theo chị Phương, ngay cả vị sếp người Nhật cũng phải trầm trồ khen ngợi khi thưởng thức các món ăn trong bữa cơm Việt Nam.
“Mình làm ở Hải Phòng, rươi vào vụ, mâm cơm làm sao thiếu được chả rươi rán và canh rươi đây. Sếp mình còn kể con này ở bên Nhật papa sếp hay dùng làm mồi câu cá và hoang mang khi biết 2 món ngon này được chế biến từ con lắm chân ấy. Nhưng bù lại, sếp vừa ăn vừa gật gù, còn vội vàng chụp hình để khoe với cả thế giới rằng trưa nay được ăn con này và cảm thấy rất ngạc nhiên. Còn nhân viên tụi mình thì không dám ngạc nhiên, ngạc nhiên xong làm gì còn mà ăn chứ”, chị Phương vui vẻ nói.
Những món ăn "đặc sản" mà vô cùng dân dã của người Việt "hợp gu" vị sếp người Nhật.
“Hôm nào ăn cơm xong, tụi mình cũng phải dành thời gian để ngồi thở...... nghĩ đến cái cân, nó lại sương sương buồn, nhưng thôi, kệ”, lời chia sẻ đầy hóm hỉnh, xen lẫn sự tự hào của nhân viên công ty.
Người đứng sau bữa cơm thịnh soạn hơn cả nhà hàng 5 sao
Sau khi ngắm nghía 30 mâm cơm trong tháng mà chị Mai Phương chia sẻ, không ít người tò mò, thậm chí còn hỏi xin công ty thông tin của người đầu bếp chuyên nghiệp để công ty của mình học hỏi. Song, sự thật lại đơn giản hơn rất nhiều.
Những bữa cơm thịnh soạn ngay tại văn phòng.
Chủ nhân của những bữa cơm công ty này chỉ là một người phụ nữ nông thôn bình thường, đã ngoài 50 tuổi. “Trước khi chuyển sang làm tạp vụ ở công ty, chị ấy từng có 10 năm làm công nhân may. Đều là món dân dã thôi nhưng chị luôn quan tâm, để ý đến khẩu vị của mỗi người, để làm sao cả tập thể đều cảm thấy ngon miệng. Chúng tôi yêu quý nên thường gọi bữa cơm hàng ngày là: Mâm cơm của chị Nhiệm”, chị Phương kể.
Sếp Nhật tự chi tiền túi cho nhân viên
Để có được những mâm cơm thịnh soạn, đủ chất như thế, nhân viên công ty không quên dành lời cảm ơn cho vị sếp người Nhật tên là Masaki. Theo tiết lộ của chị Mai Phương, nhân viên công ty sẽ đóng 25.000đ cho 1 bữa ăn. Còn mỗi tháng, sếp sẽ tự trích 1.500.000đ tiền túi ra để góp vào quỹ ăn trưa của mọi người.
“Tháng nào sếp cũng cho tiền, dù có thiếu hay không. Anh sếp còn hay nói đùa với nhân viên là có ăn nhiều hay ít thì vẫn phải đóng 25.000đ, cho nên sếp cứ ăn nhiệt tình để không bị thiệt”.
Sếp Nhật góp thêm tiền để bữa cơm công ty thêm đủ đầy.
Không riêng chuyện nói trên, trong lòng các nhân viên như chị Phương luôn dành sự yêu mến đặc biệt cho người sếp Masaki. Chị kể: “Sếp không có giáo viên Tiếng Việt nhưng đã tự học được khoảng 50%, có thể tự nói và viết được. Chính vì đó, công cuộc giao tiếp giữa sếp và nhân viên không hề gặp khó khăn gì”.
“Sếp chưa từng mắng ai mà luôn ân cần chỉ bảo từng li từng tí. Lúc nào sếp cũng là người khởi động các cuộc vui, ăn uống, để mọi người có thêm sức làm việc. Sếp mua vòng mới cũng mua đồ về khao nhân viên”, chị Phương nói thêm.
Sếp Nhật luôn động viên và tạo điều kiện tốt nhất cho nhân viên công ty.
Ngoài ra, công ty còn ghi điểm bởi tuy không có lượng nhân viên lớn nhưng vẫn có chế độ xe đưa đón đi làm, tạo điều kiện làm việc tốt nhất cho mọi người.
Đương nhiên, để xứng đáng với những đãi ngộ chu đáo như vậy, chị Mai Phương và các đồng nghiệp đều có ý thức làm việc nghiêm túc. Họ quan điểm làm ra làm, chơi ra chơi, đảm bảo trong giờ quy định phải tập trung hoàn thành công việc cho thật hiệu quả.
Cảm ơn những hình ảnh và chia sẻ của chị Mai Phương!