Nhân viên gác chắn kể lại chuyện người dân dỡ rào để băng qua đường sắt khi tàu đang lao tới
Trước sự việc tàu hỏa phải phanh nhường đường cho xe máy xảy ra tại tuyến đường sắt Bắc – Nam, đoạn qua địa phận đường Ba La (Hà Đông, Hà Nội), nhân viên gác tàu cho biết, đã kéo gác chắn xuống nhưng nhiều người dân vẫn cố tình băng qua.
Hơn 1 ngày nay, nhiều người vẫn truyền tai nhau sự việc được cho là hy hữu xảy ra ngay ở tuyến đường sắt Bắc - Nam đoạn qua địa phận Ba La (phường Phú Lương, quận Hà Đông, Hà Nội) khi tàu hỏa phải phanh nhường đường cho xe máy. Nếu sự việc này không được thực hiện kịp thời, chắc chắn rất khó tránh khỏi thương vong xảy ra với nhiều người.
Tàu hỏa dừng ngay sát vị trí người dân vượt rào chắn, băng đường ray. Ảnh: Lê Anh Tú.
Theo đó, sự việc xảy ra vào sáng 13/4 khi hai nhân viên gác đường tàu kéo barie chắn ngang quốc lộ 21B, đoạn giao với đường sắt Bắc - Nam cảnh báo sắp có đoàn tàu tới. Khi rào chắn đã kéo gần kín đường, hàng chục xe máy vẫn ùn ùn lách qua. Tuy nhiên, lối thông quá hẹp khiến hàng chục người cùng xe máy mắc kẹt trên đường ray trong khi đoàn tàu hàng đang băng tới.
Bất lực trước tình trạng hỗn loạn và nguy cấp song lại không thể kéo ngược rào chắn vì sợ dòng xe cộ bên ngoài tiếp tục tràn qua, nhân viên gác tàu buộc phải gửi tín hiệu khẩn cấp. Nhận thông báo, tàu hàng phanh và kịp dừng trước nút giao với quốc lộ vài mét.
Đoạn đường sắt nơi xảy ra sự việc.
Dù đã kéo rào chắn, nhiều người vẫn dỡ rào để băng qua
Liên quan đến sự việc hy hữu trên, sáng nay (14/4), chúng tôi đã đến khu vực trên để tìm hiểu vụ việc. Qua quan sát, đoạn giao này có đầy đủ chuông, đèn cảnh báo, rào chắn 2 bên đường. Tuy nhiên, khu vực phía trong 2 bên rào khá rộng khi có ô tô và xe máy vẫn ra vào được, đặc biệt có cả hàng quán nằm phía trong.
Kể lại sự việc xảy ra trước đó 1 ngày, chị Phạm Thị Nga, nhân viên rào chắn, thuộc kíp trực lúc vụ việc diễn ra cho hay, sáng 13/4, chị cùng 1 số nhân viên trong ca trực nhận được tín hiệu tàu hỏa chạy qua liền thực hiện các hiệu lệnh, báo chuông, kéo rào để dừng các phương tiện cho tàu qua theo đúng quy trình.
Chị Nga kể lại giây phút người dân cố tình băng qua đường sắt.
"Thế nhưng, trái lại dòng phương tiện tham gia giao thông vẫn không chấp hành hiệu lệnh mà còn dỡ cả rào chắn để băng qua đường. Chúng tôi đã thực hiện cảnh báo, kéo rào chắn theo đúng quy trình để ngăn các phương tiện nhưng họ vẫn bất chấp", chị Nga kể lại.
Khi tàu hỏa còn cách khoảng 150m, bất lực trong việc ngăn cản phương tiện giao thông, chị Nga cùng các nhân viên ngay lập tức ra hiệu cảnh báo cho tàu hỏa dừng lại nhường đường cho các phương tiện xe máy cho đến khi an toàn.
Về việc nhiều người cố tình vượt rào dù đã có đèn cảnh báo, chị Nga cho rằng đó là hành động không nên và rất nguy hiểm. "Lúc xảy ra sự việc, có rất nhiều người đèo con cái đi học trên xe máy nhưng họ vẫn bất chấp coi thường tính mạng, coi thường cảnh báo, thậm chí có người còn cố tình kéo rào chắn ra để đi. Tàu hỏa chạy từ từ và có cảnh báo trước không thì khó tránh khỏi sự việc đáng tiếc", vị nhân viên này cho hay.
Theo chị Lan việc người dân "vượt rào" vẫn diễn ra thường ngày và rất nguy hiểm.
Cùng quan điểm với chị Nga, chị Phạm Thị Lan, một nhân viên gác chắn cũng cho biết, việc người dân "vượt rào" vẫn diễn ra thường ngày và rất nguy hiểm.
"Nhiều khi chúng tôi thực hiện công việc là kéo rào đảm bảo an toàn cho người dân còn bị một số người tham gia giao thông buông lời đe dọa. Chúng tôi cũng vì để đảm bảo an toàn tính mạng cho người dân và hoàn thành công việc tốt tránh trường hợp đáng tiếc xảy ra", chị Lan chia sẻ.
Trong khi đó, nhiều người dân khu vực khi được hỏi về sự việc hy hữu trên cũng tỏ ra bình thường, họ cho biết việc người dân vượt rào chắn, bấp chấp cảnh báo tại đây đã quá quen thuộc, không có gì lạ lẫm.
Mong người dân có ý thức thực hiện nghiêm túc cảnh báo
Liên quan đến vụ việc trên, ông Phạm Nguyễn Chiến, Phó Giám đốc Công ty Cổ phần Đường sắt Hà Thái cho hay, ngay sau khi sự việc xảy ra, đơn vị đang lập báo cáo sự việc trên với Tổng công ty Đường sắt Việt Nam.
Ông Phạm Nguyễn Chiến, Phó Giám đốc Công ty Cổ phần Đường sắt Hà Thái.
Cũng theo vị lãnh đạo cùng các nhân viên gác trực, hiện nay có nhiều điểm ở khu vực Hà Nội, người dân vẫn cố tình vượt rào chắn khi tàu hỏa sắp lao tới. Như vậy, nguy cơ tai nạn giao thông rất dễ xảy ra.
"Chúng tôi mong muốn người dân có ý thức thực hiện nghiêm túc cảnh báo cũng như quan sát kỹ khi lưu thông qua đường tàu, đảm bảo an toàn cho bản thân và các phương tiện khác", ông Chiến cho hay.