Nhận thức đúng giá trị bản thân để chọn nghề phù hợp
Bên cạnh công tác giảng dạy, nhiệm vụ tư vấn, hướng nghiệp cho học sinh THPT luôn được các trường học miền núi quan tâm.
Thông qua đó, giúp các em xây dựng kỹ năng nhận biết năng lực, sở trường bản thân, kết hợp nắm bắt nhu cầu thị trường lao động để lựa chọn đúng ngành, nghề phù hợp.
Thông qua hoạt động ngoại khóa
Trường THPT huyện Tuần Giáo là nơi theo học của trên 1.000 học sinh là con em các dân tộc trên địa bàn. Theo thầy Nguyễn Anh Quân, Phó Hiệu trưởng nhà trường chia sẻ, thì đa phần phụ huynh ở đây chưa thực sự quan tâm hoặc thiếu kiến thức để định hướng nghề nghiệp cho con cái. Do vậy, công tác hướng nghiệp cho học sinh và cả phụ huynh càng trở nên quan trọng đối với nhà trường.
“Ngoài nỗ lực nâng cao chất lượng dạy và học các môn chính, chúng tôi đã xây dựng kế hoạch phân luồng, hướng nghiệp và dạy nghề cho học sinh ngay từ khi bước chân vào nhà trường. Nội dung hướng nghiệp, dạy nghề luôn được khảo sát rất kỹ, làm sao để sát với thực tế, có tính khả thi, bài bản và khoa học”, thầy Quân cho hay.
Theo thầy Quân cho biết, trước khi thực hiện cho học sinh khối 10 đăng ký học theo tổ hợp môn thì các năm trước nhà trường đã chủ động việc phân luồng học sinh từ sớm. Vào đầu mỗi năm học, học sinh đăng ký nguyện vọng theo các khối thi tốt nghiệp THPT, để chia lớp theo nguyện vọng.
Thông thường, các lớp 10A1, 11B1, 12C1 theo khối tự nhiên nâng cao; lớp 10A2, 11B2, 12C2 theo khối xã hội nâng cao, các lớp còn lại theo khối xã hội cơ bản. Còn từ năm học này trở đi việc phân luồng đã thuận tiện hơn rất nhiều.
Cũng theo thầy Quân, mỗi tháng nhà trường đều duy trì tổ chức 1 buổi ngoại khóa tập trung để định hướng nghề nghiệp, rèn luyện kỹ năng cơ bản; 1 tiết/lớp/tháng dạy học hướng nghiệp; 2 tiết/lớp/tháng dạy hoạt động ngoài giờ lên lớp có lồng ghép định hướng nghề nghiệp cho học sinh...
Em Quàng Thị Nguyệt, Lớp 12C2, Trường THPT huyện Tuần Giáo chia sẻ: “Qua các buổi ngoại khóa, hướng nghiệp, em nắm bắt thêm được nhiều kiến thức quan trọng giúp mình có thêm định hướng cho bản thân. Đặc biệt là em biết về tỉ lệ tìm được việc làm của từng ngành nghề sau khi tốt nghiệp chuyên nghiệp để cân bằng với năng lực, sở trường bản thân. Đây là thông tin rất bổ ích để em quyết định chọn ngành, nghề theo học”.
Giúp học sinh tiếp cận trường chuyên nghiệp từ sớm
Không chỉ ở Tuần Giáo mà các địa phương khác tại Điện Biên cũng đều chú trọng đến công tác định hướng nghề nghiệp cho học sinh THPT. Tại Trường THPT Mường Luân (xã Mường Luân, huyện Điện Biên Đông) hiện có 500 học sinh theo học. Đa phần đều là con em đồng bào dân tộc thiểu số.
Thầy Trần Đình Quang, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Công tác định hướng, tư vấn nghề nghiệp cho học sinh không mấy thuận lợi do nhiều em có hoàn cảnh khó khăn. Việc học tập ra sao, chọn ngành nghề gì, như thế nào gần như đều “giao khoán” cho thầy cô, nhà trường.
“Bởi vậy, ngoài việc tổ chức tốt các tiết học giáo dục hướng nghiệp trong chương trình chính khóa, nhà trường đã tổ chức cho sinh gặp mặt các trường đại học, cao đẳng, trung cấp nghề để định hướng nghề nghiệp và thông tin tuyển sinh hàng năm. Đồng thời cung cấp trang website của các trường này để học sinh tìm hiểu thêm”, thầy Quang chia sẻ.
Ngoài ra, theo thầy Quang, trường còn đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong việc trao đổi kinh nghiệm về giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh, tìm kiếm thông tin về thị trường lao động. Giáo viên có nhiệm vụ tư vấn, giới thiệu, phân tích đặc điểm của một số ngành nghề, yêu cầu cần thiết để đáp ứng với từng lĩnh vực. Tổ chức các buổi sinh hoạt hướng nghiệp theo từng khối lớp, giúp các em nhận thức sâu sắc hơn về các ngành nghề để có sự lựa chọn cho tương lai...
Tỉnh Điện Biên hiện có 33 trường THPT, với gần 20.000 học sinh. Theo đánh giá của ngành Giáo dục địa phương, để tạo điều kiện cho các em lựa chọn nghề nghiệp cho tương lai phù hợp với khả năng, điều kiện kinh tế, hoàn cảnh gia đình, các nhà trường luôn duy trì thực hiện tốt công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức. Không chỉ tập trung với đối tượng học sinh, mà với cả cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên, phụ huynh và trong cộng đồng.
Công tác tư vấn hướng nghiệp được thực hiện bằng nhiều hình thức, như: lồng ghép vào các buổi sinh hoạt lớp, các hoạt động ngoại khóa, ngoài giờ lên lớp và một số môn học... Ngoài ra, các nhà trường còn khơi dậy tinh thần trách nhiệm của đội ngũ giáo viên. Qua đó, mỗi thầy, cô giáo sẽ trở thành một tư vấn hướng nghiệp thực sự hiệu quả cho học sinh. Đồng thời kết hợp tìm hiểu nguyện vọng, năng lực, khối thi mà các em quan tâm để kịp thời tư vấn, lựa chọn ngành, nghề phù hợp. Tránh vì thiếu sự hiểu biết mà đăng ký ngành, nghề theo cảm tính.
Nhiều năm gần đây, việc tăng cường phối hợp giữa nhà trường và các trung tâm, trường đại học, cao đẳng, cơ sở giáo dục nghề nghiệp, tổ chức chính trị xã hội, doanh nghiệp trong xây dựng chương trình, tài liệu, tổ chức các hoạt động giáo dục hướng nghiệp được các trường THPT quan tâm hơn. Trong đó, chú trọng nâng cao hiệu quả hoạt động dạy nghề phổ thông; xây dựng câu lạc bộ để phát triển năng khiếu góp phần định hướng nghề nghiệp cho học sinh.