Nhận nuôi đứa trẻ bị bỏ rơi bên đường, 28 năm sau người phụ nữ nhặt rác được báo đáp bằng cuộc sống sung túc
Cách đây 28 năm, gần một nhà ga ở tỉnh Sơn Tây (Trung Quốc), cuộc gặp gỡ định mệnh giữa hai con người cùng bị "bỏ rơi" đã thay đổi hoàn toàn cuộc đời họ.
Cuộc gặp gỡ định mệnh của hai con người bị "bỏ rơi"
Năm 1995, bà Cao Chiêm Tiên sống cạnh một nhà ga ở tỉnh Sơn Tây (Trung Quốc). Thời còn trẻ, bà bị chồng mình đuổi ra khỏi nhà vì không thể sinh con. Những năm tháng sau, không có tiền trong tay lại thêm tuổi tác đã cao, bà chỉ có thể ở nhà thuê và kiếm sống bằng nghề nhặt rác.
Một hôm khi đang làm việc, bà Cao Chiêm Tiên nghe tiếng khóc gần đó. Khi chạy đến một bãi rác, bà và nhiều người phát hiện một đứa trẻ bị bỏ rơi, đang nằm trong thùng. Không có ai xung quanh sẵn sàng chịu trách nhiệm với đứa bé, trừ bà Cao Chiêm Tiên. Khi bà bế đứa trẻ lên, bà phát hiện cô bé đã mất cánh tay trái.
Vì biết hoàn cảnh khó khăn của Cao Chiêm Tiên nên rất nhiều hàng xóm đã khuyên nhủ bà không cần thiết phải nuôi dưỡng đứa trẻ. Tuy nhiên, bà vẫn kiên định với lập trường ban đầu. Bởi lẽ hơn ai hết, bà hiểu cảm giác bị người thân bỏ rơi. Bà đặt cho cô bé tên mới là Cao Lộ Ân. Do tuổi tác đã cao nên bà Cao Chiêm Tiên dặn Cao Lộ Ân gọi mình là "bà", song sau này cô vẫn gọi người phụ nữ này là "mẹ".
Dưới sự nuôi dưỡng của Cao Chiêm Tiên, Cao Lộ Ân lớn lên ngoan ngoãn, hiếm khi quấy khóc và không đòi mẹ phải mua đồ chơi hay món ăn vặt. Đến khi Cao Lộ Ân gần đến tuổi đi học, sự lo lắng của bà Cao Chiêm Tiên lớn dần lên.
Ngoài nỗi lo thiếu tiền cho con đóng học, bà còn sợ cô bé không được đến trường vì cả hai không có hộ khẩu thường trú. Dưới sự giúp đỡ nhiệt tình của hàng xóm, bà Cao Chiêm Tiên dắt Cao Lộ Ân đến Cục dân chính địa phương.
Tại đây, họ trình bày hoàn cảnh khó khăn và nhận được sự trợ giúp nhiệt tình từ cán bộ. Không chỉ nhanh chóng cấp hộ khẩu thường trú cho hai mẹ con, nhân viên còn phối hợp cùng Liên đoàn người khuyết tật làm đề nghị xét duyệt gia đình vào diện thu nhập thấp. Bằng cách này, Cao Lộ Ân nhận được nhiều trợ cấp và mức giảm học phí, từ đó phần nào giảm bớt gánh nặng tài chính cho hai mẹ con.
Những năm sau này, Cao Lộ Ân vừa chăm chỉ học tập vừa giúp mẹ làm việc nhà, cô còn đi nhặt rác kiếm thêm thu nhập. Dù có nhiều bạn học xấu tính chế giễu hoàn cảnh khó khăn và cơ thể khiếm khuyết song Cao Lộ Ân vẫn sống lạc quan và mạnh mẽ.
Lên cấp 2, vì trường cách xa nhà nhưng vẫn muốn tiết kiệm tiền di chuyển, Cao Lộ Ân quyết tâm mỗi ngày đều chạy bộ đến trường. Thói quen này đã đặt nền móng rất tốt cho hành trình thi đấu thể thao của cô trong tương lai.
Cao Lộ Ân và mẹ
Trong các bài kiểm tra thể dục ở trường, điểm số của Cao Lộ Ân luôn rất tốt. Cao Lộ Ân cũng thường xuyên đại diện trường học tham gia các cuộc thi chạy đường dài và đạt thành tích cao. Lúc này, dưới sự khuyên nhủ của giáo viên chủ nhiệm, Cao Lộ Ân đã tham gia đội tuyển điền kinh.
Không phụ lòng mong đợi của giáo viên, Cao Lộ Ân giành được nhiều huy chương vàng. Khi nhận được tiền thưởng, cô gái sẽ đưa hết cho mẹ. Sau này, Cao Lộ Ân vượt qua bài kiểm tra để trở thành vận động viên điền kinh cấp quốc gia. Trong quá trình luyện tập để đi đấu, Cao Lộ Ân không bao giờ bỏ lơ việc học và thường xuyên đạt điểm cao trên lớp.
Đứa trẻ khuyết tật lớn lên thành tài, báo đáp mẹ cuộc sống viên mãn
Năm 2013, Cao Lộ Ân đi thi đại học và đạt tổng 622 điểm. Với số điểm cao như vậy, Cao Lộ Ân có thể chọn một trường đại học tốt hơn. Tuy nhiên, với mong muốn được ở cạnh chăm sóc mẹ nên cô đã đăng ký học trường gần nhà là ĐH Sơn Tây (tỉnh Sơn Tây, Trung Quốc), chuyên ngành Y khoa. Khi nhìn thấy giấy báo nhập học của Cao Lộ Ân, bà Cao Chiêm Tiên không kìm được nước mắt.
Trong niềm vui mừng, hai mẹ con cũng bắt đầu lo lắng về khoản kinh phí cho 4 năm đại học Có người khuyên họ nên xin học bổng chính phủ, có người lại gợi ý nên tìm đến các tổ chức quyên góp, nhưng không cách nào thực sự giải quyết được vấn đề. Lúc này, các thầy cô ở trường biết được hoàn cảnh của Cao Lộ Ân. Họ đã vận động giáo viên, phụ huynh của trường quyên góp từ thiện cho cô gái.
Chẳng mấy chốc, dưới sự vận động của nhà trường, Cao Lộ Ân đã có đủ tiền đóng học phí cho những năm tháng sinh viên. Biết được hoàn cảnh khó khăn của học trò, nhà trường đã bố trí cho Cao Lộ Ân một công việc làm thêm ngoài giờ học để giải quyết vấn đề chỗ ở và tiền sinh hoạt của cô.
Không phụ sự kỳ vọng của mọi người, Cao Lộ Ân tiếp tục duy trì thành tích học tập tốt, thường xuyên đạt học bổng từ nhà trường. Ngoài số tiền thưởng từ việc học, Cao Lộ Ân cũng chăm chỉ đi làm để cải thiện thu nhập.
Khi Cao Lộ Ân học năm cuối, nhờ thành tích học xuất sắc, cô được nhà trường tiến cử cho chương trình nghiên cứu sinh sau đại học. Cũng trong năm đó, bà Cao Chiêm Tiên sơ ý bị ngã nên phải nhập viện. Thương mẹ, Cao Lộ Ân chăm chỉ đi học nhưng vẫn không quên nhiệm vụ chăm sóc mẹ.
Sau khi lấy bằng Thạc sĩ, Cao Lộ Ân quyết định vừa đi làm vừa học lên chương trình Tiến sĩ. Không lâu sau đó, cô còn trở thành cố vấn của trường đại học. Những sinh viên kể lại, họ luôn dễ dàng bắt gặp Cao Lộ Ân đang chăm chỉ làm việc ở trường và rất khó để nhìn thấy cảnh cô ấy nhàn rỗi.
Bên cạnh các thành tựu trong học tập, Cao Lộ Ân vẫn duy trì việc thi đấu cho đội tuyển điền kinh. Năm 2021, Cao Lộ Ân tham gia Thế vận hội dành người khuyết tật cấp quốc gia, giành giải Á quân trong cuộc thi chạy cự ly 1.500 mét. Khi bà Cao Chiêm Tiên thấy Tấm huy chương Bạc của con, bà đã nhảy cẫng lên và khóc như một đứa trẻ.
Hiện tại, dẫu con đường phía trước còn nhiều khó khăn song Cao Lộ Ân vẫn cố gắng phấn đấu từng ngày. Cô tin bản thân có thể mang đến cho mẹ nuôi cuộc sống tốt nhất, cũng như mong mẹ luôn khỏe mạnh để mãi mãi ở cạnh mình.
Nuôi dưỡng một đứa trẻ đã nhỏ. Chăm sóc và bù đắp tổn thương tình thần của cô nhóc, cậu nhóc khuyết tật bị bỏ rơi lại là hành trình khó khăn gấp bội. Câu chuyện của gia đình bà Cao Chiêm Tiên chính là ví dụ điển hình đứa trẻ có thể chữa lành tổn thương thời thơ ấu nhờ nghị lực sống phi thương và tình yêu thương lớn lao từ cha mẹ.
Nguồn: Toutiao