Nhận biết, điều trị bệnh sán lá gan lớn

,
Chia sẻ

Sán lá gan lớn có trong các loại rau sống trong nước (cải xoong, ngổ, rau om, rau cần, ngó sen)... Chúng xâm nhập vào dạ dày, màng ruột, vào gan, rồi sau đó định hình ở ống mật.

Bệnh sán lá gan lớn (SLGL) có chủ yếu ở miền Trung, Tây Nguyên. Chỉ trong 6 tháng đầu năm 2009, số lượng người mắc là 2500 ca, tăng 45% so với cùng kỳ năm 2008 (theo số liệu Viện Sốt rét ký sinh trùng Quy Nhơn).

Trước thực tế đó, việc cung ứng và dùng thuốc hiện nay như thế nào?

Nhận biết bệnh
Hình ảnh mô tả sự sinh trưởng của sán lá gan lớn.


Ký sinh trùng SLGL Fasciola gigantica, Fasciola hepatica có trong cá nước lợ, chủ yếu hơn trong các loại  rau sống trong nước (cải xoong, ngổ, rau om, rau cần, ngó sen). Ăn gỏi cá, rau sống làm cho dạng nang ấu trùng (metacercaria) xâm nhập vào dạ dày ruột, rồi tự lột lớp vỏ, xuyên qua màng ruột, theo máu vào gan, phát triển trong tế bào gan, rồi sau đó định hình ở ống mật. Sau khoảng 2- 3 tháng phát sinh triệu chứng: sốt, run lạnh, đau vùng bụng, vùng gan (hông phải). Nếu không điều trị sẽ chuyển sang mạn. Lúc này người bệnh có biểu hiện mệt, chán ăn, buồn nôn, xuất huyết đường tiêu hóa, thiếu máu, đau khớp, đau cơ, ho, có thể tràn dịch màng phổi. Đồng thời sẽ tạo ra những ổ áp-xe nhỏ, rồi những ổ áp-xe lớn, phá tổ chức gan, dẫn đến xơ gan, gây xơ cứng đường mật, tắc mật, vàng da.
 
Thuốc điều trị

- Triclabendazol (TCB): cần chú ý, với tên fasinex dùng trong thú y còn với tên egaten dùng cho người. TCB ngăn cản quá trình phosphoryl- ôxy hóa ở ty lạp thể, làm cho sán không kiểm soát được hô hấp, đồng thời gắn kết với các phân tử tubulin ngăn cản quá trình hình thành vi ống ở sán. Từ đó,  sán bị tê liệt rồi chết.

TCB có hiệu lực với SLGL trong giai đoạn non và trưởng thành, có hiệu lực ngay sau khi bị nhiễm 24 giờ và cả trong giai đoạn cấp, bán cấp, mạn nhưng hiệu quả tốt nhất vào giai đoạn tiền giải phẫu bệnh học (tuần 1- 4 sau nhiễm).

TCB dùng đường uống, sau khi ăn no, nuốt cả viên với một ít nước, không nhai. Có nhiều cách dùng như dùng một lần duy nhất hoặc dùng 2 lần,  cách nhau 12 giờ hoặc dùng 3 lần cách nhau 12 giờ. Nếu sau 60 ngày không hết triệu chứng, dùng thêm 1 lần. Ba cách cho kết quả như nhau.

TCB không gây độc nghiêm trọng, chỉ thấy mệt, suy nhược, đau ngực, sốt, buồn nôn, ói mửa, đau thượng vị, đau hạ sườn phải, gan to, rối loạn nhẹ chức năng gan (emzym ASAT, ALAT, phosphattase kiềm tăng), đau vùng đường mật, vàng da (bilirubin toàn phần tăng). Những hiện tượng này có thể là do sán tê liệt phóng thích ra kháng nguyên hơn là do bản thân thuốc. Có một số biểu hiện khác hiếm gặp  hơn: ngủ gà, ngứa, đau lưng, ho, khó thở. Dự kiến có cơn đau mạnh đường mật do sán bị tống ra khi dùng thuốc nhưng chỉ thấy đau vùng đường mật nhẹ hay không thấy. Một vài nghiên cứu mới đây của nhà sản xuất thấy thuốc gây quái thai trên súc vật (với liều quy ra gấp 10 lần liều dùng trên người) nhưng chưa ghi nhận được trường hợp quái thai ở người. Chưa  có thông tin đầy đủ về việc thuốc tiết qua sữa. Chưa xác định dược tính an toàn cho trẻ nhỏ. Không dùng cho người có thai, cho con bú, trẻ dưới 6 tuổi.           

Tùy theo từng trường hợp có thể phối hợp với thuốc chống co thắt (để giảm đau, tránh vàng da),  prednisolon (trong trường hợp cấp hay có biểu hiện độc do kháng nguyên Fasciola), kháng sinh (dự phòng nhiễm khuẩn mật do tổn thương mật).  

Không dùng cho người bị mẫn cảm với TCB  hay với các dẫn chất bendazol (hay gặp: mày đay, ít gặp: ngứa). TCB có thể gây tán huyết (cẩn thận với người thiếu glucose-6-phophashydrogenase).

Đây là thuốc đặc trị dùng rộng rãi trong nhiều nước. Nước ta chưa nhập, chỉ có  viện  trợ của WHO (qua Viện Sốt rét ký sinh trùng Quy Nhơn).
Sán lá gan lớn.


- Artesunat (AT): Hiệu quả điều trị của AT không kém TCB nhưng AT có ưu điểm: dung nạp tốt (đã chứng tỏ trong điều trị sốt rét) và không bị kháng thuốc, có thể dùng cho người có thai, sản xuất được trong nước, dễ mua, giá rẻ trong khi TCB bị kháng thuốc (ở súc vật), không dùng được cho người có thai và chưa nhập vào nước ta, giá rất đắt (khoảng 3 triệu đồng một liều).

-Albendazol & menbendazol: Chúng  có hiệu quả với SLGL ở động vật nhưng  thất bại cao trên người (hầu như không hiệu quả ở dạng mạn, có tổn thương lớn), phải dùng liều rất cao, kéo dài.

- Nitazoxanid: Trên lâm sàng có hiệu quả trong giai đoạn non và giai đoạn trưởng thành của SLGL, rất kém ở các giai đoạn khác, hiệu quả chung chỉ khoảng 36%.

- Emetin chlohyđrid:  Có một số hiệu quả song có ảnh hưởng không lợi đến tim mạch (viêm cơ tim), chỉ dùng nội trú nên không tiện sử dụng tại cộng đồng (dùng tiêm, kéo dài tới 10 ngày).

- Chloroquin, dithiamin, metronidazol: Thử  trên người  không có kết quả.

Như vậỵ: Chỉ có TCB là thuốc đặc  trị. Trong các thuốc thử nghiệm, chỉ có AT có   hiệu quả tương đương TCB có thể dùng, song cần nghiên cứu thêm. Các thuốc khác hiện nay không có nơi nào dùng.

SLGL là bệnh nguy hiểm, cần dự phòng tốt (không ăn rau sống, cá gỏi), cần quan tâm thích đáng việc cung ứng thuốc đặc hiệu TCB và  nghiên cứu thêm  AT.

Theo DS. Bùi Văn Uy
SK&DS
Chia sẻ