Nhận 2 triệu tiền cọc, chủ nhà hàng bị lừa cả trăm triệu đồng

NGUYỄN GIA/VTC NEWS,
Chia sẻ

Các đối tượng lừa đảo đã gọi điện thoại, giả vờ đặt tiệc và nhờ các chủ nhà hàng trên địa bàn tỉnh Bình Định mua giúp rượu, quà tặng sau đó chiếm đoạt tài sản.

Chiêu trò đặt cọc, đặt tiệc nhà hàng và yêu cầu loại rượu hiếm

Trong những tháng đầu năm 2023, Cơ quan Cảnh sát Điều tra Công an TP Quy Nhơn liên tục tiếp nhận tin báo về một số vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản với thủ đoạn vô cùng tinh vi. Chỉ với số tiền cọc 2 triệu đồng, các đối tượng đã chiếm đoạt của chủ nhà hàng hơn trăm triệu đồng.

Lúc 20 giờ ngày 12/2, anh Võ Văn H. - Chủ nhà hàng hải sản tại phường Nguyễn Văn Cừ (TP Quy Nhơn) - nhận được cuộc gọi của một người xưng tên Đạt, tự giới thiệu là giám đốc của một công ty bất động sản, muốn đặt một bàn tiệc 30 khách tại nhà hàng của anh H. vào tối 13/2.

Đối tượng đã ngay lập tức chuyển cọc cho anh H. 2 triệu đồng để tạo niềm tin, sau đó mới chọn thực đơn.

Đến chiều 13/2, đối tượng nhờ anh H. chuẩn bị cho bữa tiệc 15 chai rượu ngoại đắt tiền để tiếp khách. Anh H. đã cố gắng liên hệ các cửa hàng rượu lớn trên địa bàn TP Quy Nhơn, nhưng không có nơi nào bán loại rượu trên.

Vì đối tượng yêu cầu vào buổi chiều trong khi đó tiệc đã chuẩn bị cho tối cùng ngày, thời gian gấp cho nên anh H. gọi điện đề nghị đối tượng đổi rượu khác nhưng đối tượng không đồng ý.

Một lát sau, Đạt gửi cho anh H. số điện thoại của “Công ty X”, chuyên kinh doanh bánh kẹo và rượu vang nhập khẩu và tất nhiên là công ty này có loại rượu mà đối tượng muốn đặt.

Nhận 2 triệu tiền cọc, chủ nhà hàng bị lừa cả trăm triệu đồng - Ảnh 1.

Các đối tượng lừa đảo, chiém đoạt tài sản chủ nhà hàng sau đó chặn toàn bộ tin nhắn, cuộc gọi. (Ảnh: Người dân cung cấp)

Anh H. gọi đến số điện thoại do đối tượng cung cấp thì gặp một người phụ nữ xưng là kế toán công ty. Người phụ nữ này yêu cầu anh H. chuyển trước 30% tiền cọc 15 chai rượu, khi nào nhận hàng thì thanh toán số tiền còn lại.

Anh H. gọi lại cho Đạt, lúc này đối tượng gửi cho anh H. ảnh chụp màn hình ứng dụng ngân hàng đã chuyển khoản thành công 50 triệu đồng đến tài khoản ngân hàng của anh H. để mua rượu. Tuy nhiên, anh H. không thấy thông báo đã nhận tiền; đối tượng nói rằng do cuối tuần, khác ngân hàng nên chuyển khoản bị chậm.

Anh H. chuyển khoản 24 triệu đồng đến tài khoản ngân hàng do người phụ nữ trên cung cấp để đặt cọc tiền rượu. Sau đó, Đạt nhờ anh H. mua 30 hộp quà là sâm Hàn Quốc với giá 3 triệu đồng/hộp cũng từ “Công ty X”.

Anh H. tiếp tục liên hệ người phụ nữ trên. Lúc này, người phụ nữ cho biết nếu anh H. chuyển khoản thanh toán toàn bộ đơn hàng sẽ được chiết khấu 12%, được tặng phiếu mua hàng.

Không nghi ngờ gì, anh H. chuyển khoản gần 80 triệu đồng cho người phụ nữ. Ngay sau đó, các đối tượng trên chặn cuộc gọi, tin nhắn với anh H., chiếm đoạt hơn 100 triệu đồng. Ngoài ra, anh H. còn bị thiệt hại khoảng 10 triệu đồng bàn tiệc đã chuẩn bị cho đối tượng đặt trước đó.

Lợi dụng sự cả tin của chủ nhà hàng

Không riêng gì nhà hàng anh H. trên địa bàn TP Quy Nhơn, Công an các huyện, xã trên địa bàn tỉnh Bình Định cũng thường xuyên nhận được tin báo của các chủ nhà hàng về hành vi lừa đảo của các đối tượng này như ở huyện Phù Cát, Phù Mỹ…

Sau khi đã biết số điện thoại các nhà hàng, các đối tượng gọi điện thoại sau đó kết nối bằng các tài khoản mạng xã hội như: Zalo, Facebook. Telegram… giả vờ đặt bàn tiệc, nhờ chủ nhà hàng mua giúp rượu, quà tặng để chiếm đoạt tài sản.

CATP Quy Nhơn đề nghị CA các xã, phường thông báo cho các cơ sở kinh doanh ăn uống, nhà hàng trên địa bàn thủ đoạn lừa đảo của các đối tượng khi đặt tiệc qua điện thoại rồi chiếm đoạt tài sản. Các cơ sở kinh doanh, nhà hàng cần nêu cao cảnh giác khi thực hiện yêu cầu của khách đặt tiệc.

Theo trung tá Nguyễn Văn Rớt - Đội phó Đội Cảnh sát hình sự (CATP Quy Nhơn), đây là thủ đoạn lừa đảo xảy ra ở các thành phố du lịch trong thời gian gần đây. Đối tượng còn đặt phòng khách sạn du lịch, sau đó nhờ chủ khách sạn mua quà tương tự như trên. Thực chất, đối tượng đặt tiệc và đối tượng nhận bán hàng cùng chung một nhóm lừa đảo.

Điều đáng nói, loại rượu ngoại mà đối tượng lừa đảo đặt khá hiếm trên thị trường, chủ nhà hàng (nạn nhân) không tìm mua được nên đối tượng đã giới thiệu nạn nhân tìm đến người có bán loại rượu mà chúng yêu cầu do đồng bọn đóng vai.

Nhận 2 triệu tiền cọc, chủ nhà hàng bị lừa cả trăm triệu đồng - Ảnh 3.

Lợi dụng thương hiệu rượu hiếm trên thị trường, các đối tượng dẫn dắt nạn nhân đến công ty rượu ảo (là đồng bọn) để giăng bẫy chiếm đoạt tài sản nạn nhân.

Quá trình giao dịch, các đối tượng dụ dỗ nạn nhân nếu thanh toán trước bằng hình thức chuyển khoản hết giá trị đơn hàng thì nạn nhân sẽ được hưởng hoa hồng lên đến 40% hoặc tạm ứng trước tiền rượu, sau đó khấu trừ hóa đơn thanh toán tiền tiệc.

Đại tá Huỳnh Bảo Nguyên - Phó Giám đốc Công an tỉnh Bình Định - cho biết, do cả tin, một số nạn nhân đã chuyển hết số tiền theo chỉ dẫn của đối tượng nhưng sau đó thì không nhận được hàng và cũng không liên lạc được với đối tượng.

Thủ đoạn lừa đảo này đã diễn ra từ rất lâu, hình thức không mới nhưng nhiều người dân vẫn bị lừa do tâm lý chủ quan, ham lợi nhuận, hứa hẹn chiết khấu, hoa hồng cao của các đối tượng.

“Để phòng tránh tội phạm lừa đảo dưới hình thức đặt tiệc như trên, khuyến cáo người dân và các nhà hàng, cơ sở dịch vụ ăn uống cần nâng cao ý thức cảnh giác, chia sẻ, cảnh báo với người thân, bạn bè. Hơn hết phải xác định rõ nguồn gốc người đặt tiệc hay cơ sở cung cấp hàng hóa” , Đại tá Huỳnh Bảo Nguyên cảnh báo.

Chia sẻ