Nhạc sĩ Phú Quang: "Chuyện sinh con, chẳng phải không thể"

,
Chia sẻ

Bước qua tuổi 60, nhạc sĩ Phú Quang nói rằng mọi điều được mất, khen chê với anh đều nhẹ như không.

Đến gặp anh vào một ngày lạnh đầu đông, cái tiết trời thật hợp với những bài ca anh viết. Phú Quang vẫn cái cách nói chuyện đó, linh hoạt, cứng rắn, hài hước và đôi khi pha chút mỉa mai. Câu chuyện của chúng tôi xoay quanh hai chữ "cực đoan" của người làm nghệ thuật, dông dài một chút sang chuyện tình yêu, vợ chồng trong cái chớm lạnh của Hà Nội.

- Thường thì các nghệ sĩ hầu hết đều cực đoan. Bởi người ta bảo không cực đoan thì không làm nghệ thuật cho nên cơm nên cháo được. Anh thì sao?

- Tôi cực đoan chứ, chả bao giờ không cực đoan cả. Thế này nhá, một là ca sĩ hát đúng ý tôi, hai là thôi. Ở đây không có nhân nhượng gì hết. Có người nói "để cháu sửa cho hay hơn" nhưng tôi nói "không, đấy là việc người khác, không phải việc của các cháu". Ngày xưa khi có nhà báo hỏi Thanh Lam vì sao hát nhạc của tôi hay thế mà lại ít trình diễn hay đưa vào album, cô ấy từng nói rất hay rằng: "Chú Quang là người rất khó tính, đứa con chú đẻ ra, từng chi tiết phải được giữ nguyên mà Thanh Lam lại hay phá phách, biến báo, bẻ chân bẻ tay... Vì thế Lam sợ và ít hát nhạc chú". Giờ thì Lam đã hát đúng, không thêm bớt quá đà, chỉ khẽ đưa đẩy cho có màu sắc nên những liveshow gần đây tôi đều mời Thanh Lam tham dự.

- Cực đoan là vậy nhưng khi ra một sản phẩm mới, anh có tham khảo ý kiến ai đó để tìm đến sự hoàn hảo khách quan cho "đứa con" của mình?

- Tham khảo chắc là ít. Tôi thường chỉ có trợ lý lo quán xuyến và thực thi công việc. Bản thân tôi là người quyết đoán lắm. Tuy vậy khi ra một sản phẩm tôi đã phải suy nghĩ thấu đáo chứ không đặt tình cảm lên trên công việc. Và kết quả là khi cho bạn bè đồng nghiệp nghe thử, mọi người đều thích và cảm động với những gì mình làm.

Nhạc sĩ Phú Quang sẽ có 3 đêm nhạc vào ngày 19,20 và 21/11 tại Nhà hát lớn Hà Nội với sự góp mặt của rất nhiều ca sĩ nổi tiếng: Thanh Lam, Ngọc Anh (A3), Mỹ Hạnh, Tấn Minh, nhóm Con Gái, Tùng Dương, Quang Dũng... Ảnh: Mỹ Dung.

- Quyết đoán là một đức tính tốt, tuy nhiên cũng có mặt trái của nó là rất dễ đẩy người ta đến chỗ chủ quan, chỉ làm theo ý mình, thỏa mãn mong muốn cá nhân của mình. Anh nghĩ sao về điều này?

- Với tôi, cực đoan mà không chủ quan. Vì trước khi làm gì mình đã nghĩ nát óc rồi, người khác nhìn vào tưởng là vội vàng nhưng thực ra đã quá kỹ càng. Ví như khi ra đĩa, mỗi bài hát trong đó tôi phải nghe đi nghe lại cả trăm lần mới cho phát hành. Kỹ từng câu từng lời, từng nốt nhạc, nhịp phách.

Tôi không đánh giá cao những người cứ tỏ ra quan trọng hóa vấn đề, động đến việc là toát mồ hôi, mặt mũi đăm chiêu, nghe vẻ lao động cực nhọc, nghiêm túc lắm. Mình còn trăn trở gấp mấy họ ấy chứ nhưng không bao giờ thể hiện ra. Bởi khi đã đạt đến đỉnh cao, thì mọi thứ nhìn vào đều phải nhẹ nhàng, dễ dàng. Tất nhiên, để có cái nhàn nhã đó thì người nghệ sĩ đã phải nhọc nhằn lắm mới đạt được. Người giỏi là khi đặt tay lên phím đàn thấy dễ như không, nhưng đừng tưởng bở bởi đố anh nào làm được dễ dàng như thế đấy!

- Nhiều người có thể rất cứng rắn trong công việc nhưng khi động đến người thân, bạn bè thì lại mềm yếu, dễ mủi lòng nhân nhượng. Là một nghệ sĩ đa cảm, anh có từng rơi vào trường hợp khó xử như vậy?

- Với nghệ thuật không có hai chữ "nhân nhượng". Có những người bạn thân, đi ăn nhậu với nhau suốt nhưng họ bảo "cho tao hát nhạc của mày" hay "cho đánh một vài nốt"... tôi dứt khoát không đồng ý. Họ quay ra trách móc, bảo tôi lạnh lùng, khắt khe, rằng "tại sao mày chơi với tao, tao đối với mày rất tốt mà đến khi có công việc mày không cho tao làm", nhưng chơi với nhau là một chuyện, làm được việc lại là chuyện khác, không thể đánh đồng vào nhau được. Ngay cả người trong gia đình như anh trai tôi, cũng mấy chục năm sau tôi mới làm chung một đĩa. Tôi biết có lúc anh giận lắm nhưng công việc là phải như vậy. Tôi cho rằng, đấy cũng là cái cực đoan của mình.

- Có khi nào vì cái tính quá dứt khoát của mình mà anh đánh mất đi tình cảm bạn bè?

- Ngẫm lại, tôi chỉ đánh mất những người sống giả trá, gian dối. Vì nhân cách của họ hèn hạ quá mà mình không chơi được nữa. Đời sống còn ít lắm, hơi đâu mất thì giờ nghĩ tới những người đó. Còn với những người bạn thật sự, tôi cố gắng nói cho họ hiểu, nếu nói mãi mà họ không hiểu được thì thôi, ai ghét mình đành chịu vậy. Nhiều khi cũng nghĩ nếu mình khôn ngoan hơn chắc có nhiều cái lợi nhưng sống thẳng thật với nhau vẫn là tốt nhất. Có những người rất giận mình nhưng rồi dần dần hiểu ra, họ tự làm lành với mình, tự đối xử tốt với mình.

- Trong giới nhạc sĩ, hình như anh không chơi thân với ai?

- Đúng là như vậy vì một phần tôi cũng không có thời gian, không hay tụ tập với mọi người hoặc đi những trại sáng tác. Cũng vì không hay giao du với các nhạc sĩ khác nên nhiều người cho là tôi kênh kiệu. Nhưng cũng có vài người sau này hiểu mình thì lại chơi rất thân, như trường hợp của Từ Huy chẳng hạn. Khi chơi với nhau rồi, Từ Huy mới thú thực là hồi tôi mới vào Sài Gòn, anh ta phá tôi ghê lắm. Có thời kỳ còn xúi các ca sĩ hay các tụ điểm âm nhạc trong Nam không hát nhạc Phú Quang. Ghét nhau đến thế mà rồi khi hiểu ra lại rất thân quý nhau, ủng hộ nhau hết mình. Tôi quý Từ Huy ở cái tính thẳng thắn, rõ ràng.

Còn bạn tâm giao trong đời của tôi cũng nhiều nghệ sĩ nhưng không phải nhạc sĩ mà là họa sĩ, nhà thơ, đạo diễn… Quý mến nhau vì sự đồng điệu. Có người vài ba năm gặp một lần nhưng vẫn thân nhau. Họ thông cảm cho mình vì không phải lúc nào cũng đi được với nhau. Không gặp được, không mời nhau được bữa cơm, bữa nhậu thì không cho là mình keo bẩn, ky bo.

- Tính cực đoan của anh theo thời gian có gì thay đổi?

- Càng lớn tuổi mình càng dễ bỏ qua với những gì thuộc về sinh hoạt hằng ngày còn sai phạm thuộc về nhân cách thì không. Những người tâm địa xấu xa đê tiện thì không thể chơi được. Tìm người tử tế mà chơi chứ.

Tôi kể cho bạn nghe một câu chuyện thế này mà tôi từng chứng kiến. Có một người bị mất 20 đồng (hồi đó số tiền này khá lớn), và nghi cho một anh bạn nghèo là nhạc sĩ có mặt trong số bạn bè. Ngay lúc đó thì người mất tiền không nói gì, vẫn vui vẻ cười cười, mời anh bạn kia mai tới ăn tiệc tiếp. Nhưng ngày mai khi nhạc sĩ đó đến thì vừa mở cửa bước vào đã bị đánh tơi bời, để tra khảo về số tiền bị mất, đánh đến nỗi anh ấy ngất đi rồi vứt ra ngoài đường. Thực tế là người nhạc sĩ đó đâu biết tiền của người kia ở đâu mà lấy, anh ấy mới chân ướt chân ráo vào Sài Gòn, hiền lành ngu ngơ, vậy mà bị đối xử tệ bạc như thế. Sau chuyện đó tôi không bao giờ chơi được với con người kia nữa dù hắn ta không đánh mình, không xử tệ với mình. Nhưng mình nghĩ nếu hắn làm thế với anh nhạc sĩ kia thì cũng không thể đối tốt với ai khác được.

- Trong công việc, quan hệ bạn bè thì như vậy nhưng với tình cảm yêu đương, vợ chồng, anh có cực đoan?

- Trong tình cảm thì không cực đoan lắm. Chỉ cần người phụ nữ yêu mình không bao giờ phải ân hận. Nếu không yêu thì mình cũng thoải mái cho em đi theo con đường của em, chả dày vò, dằn vặt gì nhau. Tôi không bao giờ bắt người khác phải làm theo ý mình, chỉ góp ý. Nếu người ta không muốn thì thôi, mà không muốn đến mức mình không chịu được thì... mình đi.

- Nếu như vợ anh muốn anh làm một điều gì đó để cho cô ấy cảm thấy thoải mái, vui vẻ, anh có sẵn lòng?

- Trong những điều có thể thì sẽ làm, không tiếc một thứ gì dù là công sức hay tiền bạc. Những việc không thể thì chịu. Ví dụ bắt tôi phải bỏ công việc trong lúc đang rất gấp gáp để đi chơi thì không được. Muốn tha thiết cỡ nào cũng không. Còn lúc rảnh rỗi thì sẵn sàng ngay. Đấy là cái cực đoan của mình, rất dễ nhưng cũng rất là khó
 
Nhạc sĩ Phú Quang và người vợ hiện tại. Ảnh: Hồ Quang.

- Có điều gì trong tình yêu mà anh không thể nào tha thứ cho người phụ nữ?

- Tình yêu giống như bình pha lê, đừng để nó vỡ. Vì nếu vỡ là vỡ vĩnh viễn, không hàn lại được. Khi mình đã hết lòng với người ta rồi mà không được nữa thì thôi. Tôi quan niệm thế này: Nếu người ta không yêu mình thì cũng nên bỏ. Lý luận rất đơn giản: Một là mình không xứng đáng để người khác yêu, hai là họ chả xứng đáng để mình yêu. Thế thôi, không nên níu kéo! Có người bảo thế không phải tình yêu. Nhưng tôi là thế. Luôn cho rằng cái gì cũng phải có giao hòa từ hai bên mới tồn tại được.

Tôi có thể rất dễ trong những thứ người khác rất khó nhưng ngược lại rất khó trong chuyện người khác rất dễ. Dù thế, đôi khi cũng tự thấy có những cái cực đoan của bản thân rất vô lý. Như chuyện ngày trước khi tôi với một cô bạn chơi với nhau rất thân, lúc đó mới 17-18 tuổi. Cảm giác như tình yêu có thể đến ngay được. Thế mà một lần bất giác gặp cô ấy ở lối đi, tay vo vo tờ giấy báo chuẩn bị... vào nhà vệ sinh, tôi bị mất hết cảm xúc và không thể nào yêu được nữa. Đấy có thể là điều không hay lắm nhưng mình không sửa chữa được.

- Ở tuổi 60, anh lại tìm thấy tình yêu với một người phụ nữ trẻ hơn mình nhiều tuổi và xây dựng đời sống vợ chồng. Người vợ hiện tại đem đến cho anh điều gì?

- Trong đời sống vợ chồng, ngoài tình yêu, lòng tốt thì quan trọng nhất là biết cảm thông cho nhau. Dẫu rằng có lúc cũng người này nhầm lẫn, sai sót nhưng không phải tâm địa xấu thì hoàn toàn có thể bỏ qua. Tuổi tác không phải là vấn đề trong hôn nhân.

Khi tôi đến với Thư (người vợ hiện tại), chắc cũng có người nghĩ mối quan hệ này không được lâu dài. Nhưng tôi nói với cô ấy rằng, anh già rồi, anh có thế này thôi, chả phải giả vờ còn trẻ trung, sung sức gì. Sống thành thật với nhau và không có gì dối trá. Tôi quan niệm rằng, khi yêu nhau có gì xấu thì cứ thể hiện hết ra, đừng cố che giấu làm gì. Bởi người ta sẽ yêu con người thật của mình, chứ cứ tạo vỏ bọc rồi một ngày nào đó cũng bị phát hiện ra. Tôi nói với Thư là anh có nhiều cái dở lắm đấy, nhưng mình cảm thấy hòa hợp với nhau là tốt rồi. Mà bạn biết không, cái dở nhất của tôi là quá thật, dù rằng biết cách nói né đi để người ta đỡ mất lòng.

- Trong nghệ thuật, có thể khẳng định anh là nhạc sĩ thành danh. Nhưng với gia đình, anh thấy mình là người thế nào?

- Quá chăm lo cho gia đình! Khiêm tốn mà nói là người chồng, người cha rất có trách nhiệm. Con cái dù lớn rồi nhưng tôi vẫn quan tâm từng chút một, từ việc nhỏ nhất. Dù rằng không phải lúc nào cũng được ghi nhận nhưng vẫn chăm chút.

Những lúc không bận việc, tôi vẫn thường đưa vợ con đi chơi. Tới đây, tôi sẽ đưa Thư đi chơi châu Âu một thời gian. Tôi đã đã hứa với cô ấy nhiều lần mà đến giờ mới thực hiện được. Tôi nghĩ ai đến với mình sẽ không bao giờ phải ân hận.

- Người phụ nữ khi đến với ai đó đều muốn có một đứa con, anh và chị Thư có tính chuyện sinh con trong thời gian tới?

- Đầu tiên là phải làm xong nhà đã (nhạc sĩ Phú Quang đang xây nhà mới, khoảng 1 tháng nữa mới hoàn tất). Tôi và Thư, mỗi người đều có con riêng rồi nên phải tính xem sinh con thêm thì có đến nỗi phải chống gậy, đeo kính chăm con không! Nếu không thì cũng được. Thực ra chuyện sinh con không phải là không muốn hay không thể nhưng phải xem “tình hình” thế nào đã!

- Cảm nhận của anh về cuộc sống hiện tại của mình?

- Đến tuổi này rồi với tôi khen chê, được mất chả quan trọng gì nữa. Bởi người ta chưa chê mình cũng biết mình dở ở chỗ nào rồi nên chẳng để ý làm gì. Nhiều người không hiểu bảo mình nhơn nhơn, kiêu ngạo, khinh người, chả coi lời nói người khác ra gì nhưng không phải vậy. Nếu người ta chê thì tôi cũng thấy bình thường vì người ta có quyền chứ, chả làm sao mà giận.
 
Theo Ngôi sao.net
Chia sẻ