Nhà vô địch Đường Lên Đỉnh Olympia tuổi Dần duy nhất: Lên ngôi từng gây tranh cãi nhưng cuộc sống và công việc hiện tại đáng ngưỡng mộ

BOB V,
Chia sẻ

Trong số các Nhà vô địch Đường Lên Đỉnh Olympia thì Đỗ Lâm Hoàng của năm thứ 5 là chàng trai tuổi Dần duy nhất.

Đường Lên Đỉnh Olympia đã đi qua hành trình 22 năm phát sóng đều đặn trên kênh VTV3. 21 Quán quân đã bước ra từ cuộc thi phần lớn sau khi hoàn thành việc học đều có công việc và sự nghiệp ổn định. Trong đó, chàng Quán quân năm thứ 5 Đỗ Lâm Hoàng là một trong những cái tên có nhiều bước tiến đáng ngưỡng mộ. Anh cũng là Nhà vô địch mang tuổi Dần duy nhất trong số dàn Quán quân.

 - Ảnh 1.

Từ chàng Quán quân từng gây tranh cãi nhất lịch sử Olympia....

Đỗ Lâm Hoàng đại diện cho trường THPT Gò Vấp, TP. HCM thi Olympia năm thứ 5 và xuất sắc lọt đến trận thi cuối cùng. Người ta vẫn nhớ trong trận chung kết năm ấy, người về nhì là thí sinh Nguyễn Nguyễn Thái Bảo (THPT Chuyên Quốc học Huế - Thừa Thiên Huế) đã cùng Quán quân đuổi bám chức vô địch không ngừng. Không những vậy, sự kịch tính còn đẩy lên cao khi 2 người còn lại của cuộc đua cũng có khoảng cách chỉ từ 10 đến 20 điểm so với 2 người dẫn đầu.

Ở câu hỏi gần cuối của phần Về đích, Lâm Hoàng đã trả lời khá tự tin, tuy dài dòng nhưng vẫn được MC Minh Vũ chấp nhận. Tuy thế, Ban cố vấn của chương trình cho rằng câu trả lời chưa đúng và ngay tức khắc, anh bị lấy lại 20 điểm mới được cộng. Lúc này, cả trường quay nín thở vì Thái Bảo chỉ kém đối thủ đúng 10 điểm.

 - Ảnh 2.

Phương án cho sự cố lần này là Ban tổ chức quyết định thay thế câu hỏi khác để Lâm Hoàng trả lời và nếu có đáp án đúng, nam sinh từ TP. HCM sẽ được hoàn lại 20 điểm vừa mất. Bỏ qua trạng thái tâm lý vì mất bình tĩnh trước nhận xét của Ban cố vấn, anh đã hoàn thành tốt và qua đó lên ngôi vô địch.

Khán giả năm đó đã vô cùng bức xúc vì nếu có sự thống nhất ý kiến từ trước về đáp án thì có lẽ kết quả đã khác. Cho đến nay, với những fan ruột của chương trình thì câu chuyện này vẫn được nhớ đến.

... Đến cuộc sống viên mãn ở Úc sau hơn 15 năm

Sau khi lên chức vô địch, Đỗ Lâm Hoàng thi và học đại học tại Việt Nam. Anh có 10 tháng chuẩn bị trước khi lên đường đi du học. Được biết, sau đó anh trở thành tân sinh viên ngành Kỹ sư công nghệ viễn thông và Internet, ĐH Kỹ thuật Swinburne, Australia. Theo học tại đây, anh có thành tích học tập vô cùng nổi trội khi từng dành được chứng chỉ về thành tích tốt nhất cho môn Toán Kỹ thuật.

Anh cũng tích cực tham gia các hoạt động phong trào của du học sinh như làm Phó Chủ tịch CLB Sinh viên Quốc tế Việt Nam Swinburne từ năm 2006, Thư ký CLB năm 2007. Trong quãng thời gian du học, anh được làm trợ giảng môn Toán và Lập trình cho Sinh viên được Chính phủ tài trợ tại Đại học Swinburne.

 - Ảnh 3.

Cũng tại ĐH Swinburrne, anh từng làm trưởng nhóm cho một nhóm nghiên cứu phát triển về mạng không dây và làm thực tập sinh tại Sở Giáo dục bang Victoria với vị trí chuyên viên mạng không dây.

Sau thời gian tích cực học tập, anh đã tốt nghiệp và chọn Melbourne làm nơi lập nghiệp. Anh trở thành chuyên viên mạng của một số cơ sở giáo dục tại bang Victoria ở nhiều vai trò như kỹ sư mạng, quản lý IT, kỹ sư viễn thông. Bước ngoặt trong sự nghiệp của anh là sau 10 năm đến Úc, anh đã tự khởi nghiệp và có công ty riêng của mình chuyên về lĩnh vực Công nghệ thông tin. Sau đó anh đã lập gia đình và đã có cả đủ nếp, đủ tẻ khi vợ chồng anh sinh một bé gái đầu lòng năm 2015 và một bé trai hồi 2019.

Tại Úc, Lâm Hoàng có dịp gặp gỡ với các nhà vô địch khác. Anh đặc biệt có liên hệ thân thiết với Lê Vũ Hoàng, Quán quân mùa thứ 6. Ngoài ra, anh cũng tham gia nhiệt tình vào các dịp họp mặt của đại gia đình Olympia ở xứ sở chuột túi.

 - Ảnh 5.

Trong một lần phỏng vấn, khi được hỏi về vấn đề trở về của các Nhà vô địch Olympia, Đỗ Lâm Hoàng thẳng thắn nêu quan điểm: "Nếu trở về mà không làm cho đất nước mình tốt hơn được, không đóng góp được những gì tốt hơn thực tế, thì tôi nghĩ rằng không nên trở về làm gì mà cứ ở nước ngoài học hỏi, tích lũy cho mình được cả cả kinh tế, tài chính, kiến thức, kỹ thuật.

Chúng tôi về là để cống hiến, để làm việc chứ không phải về nắm bắt cơ hội để trở thành kẻ cơ hội. Đã không đóng góp được gì cho đất nước mà còn làm cho mọi thứ rối loạn hơn thì tôi nghĩ, không nên trở về!"

Khi đó, anh cũng khẳng định: "Đừng nghĩ chúng tôi sợ về, vì như thế coi thường chúng tôi quá. Lúc này đây, tôi thấy việc ở lại đang tốt cho chúng tôi và cho đất nước!"

 - Ảnh 6.

Ảnh: Sưu tầm


Chia sẻ