Nhà văn Nguyễn Ngọc Thạch nói về những điều kỳ cục khi đi đám cưới, đảm bảo "trúng tim đen" chúng ta ít nhất 1 lần
Đám cưới về, lại bắt đầu mở sổ ra ghi lại coi ai đã đi bao nhiêu, để sau này nó có mời thì mình đi lại cho khỏi lỗ.
Một đám cưới ấm áp, rôm rả tiếng chúc tụng của người thân, bạn bè dường như là thứ mà cặp đôi đang yêu nào cũng từng nghĩ đến. Ở nhiều quốc gia khác nhau, phong tục cưới xin tuy có những sai khác nhất định nhưng tựu trung lại, theo tâm lý chung, chắc hẳn ai cũng muốn hòa chung vào không khí hạnh phúc của cô dâu chú rể.
Cuộc sống hiện đại bận rộn và tất bật khiến đám cưới của người Việt có nhiều thay đổi, tuy vẫn giữ lại nhiều nét truyền thống nhưng cũng được giản lược đi không ít để thuận tiện và nhanh chóng hơn.
(Nhà văn Nguyễn Ngọc Thạch)
Song hành cùng câu chuyện đó, vấn đề văn hóa ăn cưới cũng nảy sinh nhiều biến thể. Vừa mới đây, trên trang cá nhân của mình, cây viết trẻ được đông đảo bạn trẻ biết đến - Nguyễn Ngọc Thạch đã có dịp khiến cư dân mạng xôn xao khi chia sẻ quan điểm của mình xoay quanh câu chuyện đi ăn đám cưới của người Việt.
"Tôi thấy người Việt đi đám cưới có nhiều cái rất buồn cười.
Thiệp mời ghi 5 giờ chiều, nhưng nếu đúng 5 giờ mình tới thì có khi tới sớm hơn cả cô dâu, chú rể. Có người rút kinh nghiệm tới tầm 8 giờ tối, bắt đầu ăn thì mới vô ăn luôn cho gọn.
Tiền mừng cũng là việc nhức đầu để lo, đi một mình thì bỏ tiền nhiều quá sẽ tiếc, bỏ ít quá thì ngại, đi hai người thì lại có khi đi như chỉ một người. Có người còn lật cuốn sổ ra coi luôn là lần trước đứa mời mình đi bao nhiêu để mình đi lại cho đúng, không tính trượt giá.
Đi đám cưới nhưng nhiều chị em mặc đồ nổi hơn cả cô dâu. Có chị mặc cả cái đầm cam hai ba tầng, trong khi cô dâu mặc màu trắng đơn giản. Có người trang điểm đậm như kinh kịch bên Tàu, có người thì mặc đầm xuyên thấu thấy hết cả nội y.
Dresscode là thứ ít ai quan tâm, có chị còn mặc cả cái áo đầm màu đen có trang trí thêm các mảng màu trắng lẫn tím.
Ít có tiệc nào có đủ người hướng dẫn để khách biết phải ngồi đâu. Nên thành ra có mấy bàn chỉ có bốn năm người ngồi nhưng nhất quyết không dồn lại vì chả quen biết gì nhau.
(Ảnh minh họa)
Dẫn theo con nít đi ăn tiệc nhưng ít để ý kiểm soát con mình, có khi đang làm lễ thì đứa con khóc ré lên, phiền bên trên. Hay có tiệc đứa trẻ chạy chơi vấp té, va đầu vào thành sân khấu phải đi cấp cứu.
Có tiệc thì lại chẳng để ý đến đồ ăn, đãi những món lẩu nặng mùi như cá măng chua, mấy mươi cái lẩu trong không gian kín, ăn xong người ai cũng bốc mùi.
Đi ăn tiệc có khi lại chê đồ ăn dở, có khi ăn tiệc cưới của khách sạn năm sao, mỗi món chỉ dọn lên một phần nhỏ thì chê ăn không no, phí tiền đi.
Cô dâu chú rể đi chào bạn đến tội nghiệp, cô dâu vác cái áo cưới dài thậm thượt đi chào cả trăm bàn, có khi còn chẳng quen biết ai trong bàn đấy nhưng vẫn cứ chào.
Có nhiều anh coi tiệc cưới như bữa nhậu bia chùa, nên uống sống uống chết, đến khi say thì kiếm chuyện cãi nhau, có tiệc đánh nhau tới phang cả chai bia vào đầu chú rể, tung tóe máu đi viện.
Có mấy chú thì cứ say vào là phải lên ca hát nhảy múa, nhưng toàn ca nhạc kỳ cục. Có lúc thì ca bản "Đồi thông hai mộ", sung hơn thì năm bảy ông kéo lên rồi hát "Năm anh em trên một chiếc xe tăng".
Đám cưới về, lại bắt đầu mở sổ ra ghi lại coi ai đã đi bao nhiêu, để sau này nó có mời thì mình đi lại cho khỏi lỗ".
(Ảnh minh họa)
Vốn là cây viết nổi tiếng với cá tính mạnh cũng như thường đưa ra những luận điểm rõ ràng, sắc nét; ngay khi vừa được đăng tải, bài viết của Nguyễn Ngọc Thạch nhanh chóng thu hút được sự chú ý của đông đảo người dùng mạng, kèm theo đó là rất nhiều ý kiến đồng tình cũng như chia sẻ quan điểm.
Nói đi cũng phải nói lại, đám cưới là một ngày vui và chắc hẳn ai cũng mong có thể mang đến sự tươi tắn và vui vẻ nhất có thể. Một số điểm bất tiện và chưa hay đâu đó có thể tồn tại nhưng là chuyện chẳng ai cố tình và mong cầu. Thôi thì, thương nhau chín bỏ làm mười, ngày quan trọng ấy, chỉ cần thật tâm cùng nhau chúc phúc cho đôi tân giai nhân, vậy là quá đủ.