Nhà văn Bùi Ngọc Phúc bật mí bí quyết học văn theo từng giai đoạn

Hiểu Đan,
Chia sẻ

Cách học môn Văn giai đoạn mầm non, tiểu học, THCS có những phương pháp khác nhau phù hợp với độ tuổi.

Hiện nay nhiều trẻ ngay từ bậc Tiểu học có tâm lý sợ học môn tiếng Việt, các con bậc THCS kêu chán mỗi khi vào tiết Ngữ Văn. Theo nhà văn Bùi Ngọc Phúc, tác giả sách Cùng con bước qua các kỳ thi, Tư vấn kỳ thi vào 10, với từng giai đoạn của trẻ nên áp dụng các phương pháp học Văn khác nhau để trẻ hứng thú, dễ tiếp thu.

Trước khi bước vào lớp 1

Đây là giai đoạn các con tiếp nhận thông tin qua người thân như bố, mẹ, ông bà hoặc anh em. Thông qua việc đọc sách cho con nghe, cho con xem các chương trình thiếu nhi trên tivi, giai đoạn này các con bắt đầu phát triển tư duy một cách hoàn thiện, nhưng vì chưa biết chữ nên các con sẽ thể hiện lại thông qua hình thức giao tiếp. 

Hai năm học đầu của bậc Tiểu học

Trong hai năm học đầu của bậc Tiểu học, nhiều con không phát huy được sự thông minh lanh lợi vốn có, ngược lại các con sợ học môn tiếng Việt. Giai đoạn này việc khuyến khích con đọc sách rất quan trọng, bởi vì có đọc nhiều sách lúc đó các con mới hứng thú với việc viết và làm bài tập của cô giao trên lớp. Nếu con chưa đạt được điểm số như kỳ vọng, phụ huynh không nên tạo sức ép, như vậy con càng sợ khi phải học môn tiếng Việt, nhất là khi phải viết một bài văn dù rất ngắn.

"Do tầm quan trọng của việc đọc sách, hầu như tuần nào tôi cũng giới thiệu những đầu sách hay cho phụ huynh tham khảo. Khi con bước vào những năm cuối cấp Tiểu học, việc học chắc ngữ pháp và viết được những bài văn có cảm xúc là điều quan trọng. Các con sẽ không thể viết được những gì mình chưa từng nhìn thấy hoặc tham gia. Chính vì vậy giai đoạn này các con nên tham gia các CLB trải nghiệm, những buổi đi tham quan dã ngoại hoặc đi du lịch cùng gia đình. 

Thông qua những chuyến đi, các con sẽ được mở rộng tầm mắt và có cảm nhận của riêng mình, nhưng việc đọc sách vẫn phải duy trì như một thói quen. Thời kỳ này người thầy tốt nhất của con mình, không ai khác chính là phụ huynh, người sát sao và hiểu con nhất", nhà văn Ngọc Phúc chia sẻ.

Giai đoạn THCS

Đối với các con học THCS, đây là thời kì tâm sinh lý thay đổi, nhiều con ngoan hiền và học giỏi Văn ở bậc Tiểu học, bỗng tâm tính có nhiều sự đổi khác. Tâm lý chung của một số con không phải sợ mà chán môn Ngữ Văn, nếu phải học chỉ mang tính đối phó, khi nộp bài cho cô xong, con quên ngay kiến thức vừa học. 

Nguyên nhân chán môn Ngữ Văn có nhiều; Do cô giáo dạy không làm con hứng thú, do lượng bài tập nhiều hoặc nghe giảng vẫn không hiểu bài, do trên mạng xã hội có nhiều thứ hấp dẫn hơn. 

Thời kỳ này phụ huynh cho con đi học thêm là cần thiết, nhưng việc học lại những kiến thức trên lớp khiến con chán môn Ngữ Văn hơn nữa. Học thêm để bổ sung kiến thức và giải quyết phần ngọn là điểm số, còn phần gốc của vấn đề phải giúp con có được cảm hứng đối với môn Ngữ Văn tưởng dễ mà khó. 

Giống như giai đoạn Tiểu học, các con ở bậc THCS vẫn nên đọc nhiều tác phẩm văn học của các tác giả trong và ngoài nước để làm giàu thêm kiến thức cho mình. Khi có đủ kiến thức cơ bản và nâng cao, lúc đó các con mới đủ tự tin để chinh phục môn Ngữ Văn.

Nhà văn Bùi Ngọc Phúc bật mí bí quyết HỌC VĂN theo từng giai đoạn, giúp các em chinh phục môn học khó nhằn - Ảnh 2.

Giai đoạn THCS các con có tính tự học cao sẽ bứt phá nhanh, do thời gian nghe giảng trên lớp có hạn, bài tập các môn khác nhiều, nếu con biết phân bổ thời gian một cách hợp lý, biết lên mạng tìm tài liệu để học, lúc đó con sẽ bổ sung được một lượng kiến thức phong phú và bổ ích. 

Anh Bùi Ngọc Phúc lưu ý: "Việc học thêm đối với các con có tính tự giác sẽ hiệu quả hơn rất nhiều so với các bạn học thụ động. Trong kỳ thi chuyển cấp vừa qua, nhiều con đã phải dừng bước trước ngưỡng cửa trường chuyên dù có học lực giỏi vì môn Ngữ Văn thiếu 0,25 điểm, đó là điều hết sức đáng tiếc.

Thay vì cho con học cấp tốc, học thêm một tuần hết 7 buổi, phụ huynh hãy giúp con mình học tốt môn Ngữ Văn ngay từ đầu cấp, Khi con đã học giỏi môn Ngữ Văn, việc con học giỏi các môn khác không phải là điều quá khó".

Chia sẻ