Nhà tâm lý học khẳng định: Chỉ 7 kỹ năng nhưng tạo nên khoảng cách lớn của một đứa trẻ thành công và thất bại

Đinh Anh,
Chia sẻ

Sau khi trải qua những nghiên cứu về các đặc điểm có liên quan đến việc tối ưu hóa khả năng thành công của trẻ, Michele Borba, nhà tâm lý học đã rút ra 7 kỹ năng mà trẻ cần có ảnh hưởng đến khả năng chịu đựng, phục hồi tinh thần, năng lực xã hội, nhận thức bản thân và đạo đức.

1. Sự tự tin

Nhà tâm lý học khẳng định: Chỉ 7 kỹ năng nhưng tạo nên khoảng cách lớn của một đứa trẻ thành công và thất bại - Ảnh 1.

Đa số các bậc cha mẹ đều đánh đồng lòng tự trọng và sự tự tin. Thực tế có rất ít bằng chứng cho thấy việc nâng cao lòng tự trọng sẽ làm tăng thành công trong làm việc và học tập, thậm chí là hạnh phúc đích thực. Các nghiên cứu cho thấy những đứa trẻ coi điểm số của mình là dựa vào nỗ lực và điểm mạnh của bản thân sẽ thành công hơn trẻ tin rằng chúng không thể kiểm soát được kết quả học tập.

Những đứa trẻ có lòng tự tin biết rằng chúng có thể thất bại nhưng cũng có thể tạo ra giải pháp và tự khắc phục. Đây chính là mấu chốt tạo nên sự khác biệt giữa một người thành công và thất bại.

2. Đồng cảm

Đồng cảm là khả năng cần thiết và quan trọng của một người lãnh đạo. Mọi doanh nhân thành công đều biết rằng để có được sự tôn trọng, ủng hộ của đồng nghiệp hay nhân viên, họ cần phải luôn thấu hiểu, thông cảm cho quan điểm và cảm xúc của người khác. Sự đồng cảm không phải là "năng khiếu", nó có thể rèn luyện ở mỗi người, ở người lớn và đặc biệt là trẻ nhỏ.

Bạn có thể rèn cho con mình sự đồng cảm bằng cách cư xử với chúng như một người trưởng thành, tôn trọng và thông cảm cho quyết định, cảm xúc của các con. Hãy dạy con bạn luôn đặt mình vào địa vị và hoàn cảnh của người khác để thấu hiểu. Điều này sẽ giúp trẻ nhận ra được điểm chung của chúng với mọi người, cũng như hiểu được lí do và hành động của họ.

Kỹ năng đồng cảm sẽ giúp trẻ trở thành những người lãnh đạo thành công và có được cuộc sống hạnh phúc trong tương lai.

3. Tự chủ

Khả năng kiểm soát suy nghĩ, hành động và mong muốn của trẻ là một trong những điểm mạnh có tương quan cao nhất đối với sự thành công và là một trong những bí mật đáng ngạc nhiên chưa được khai thác để giúp trẻ phát triển.

Nhà tâm lý học khẳng định: Chỉ 7 kỹ năng nhưng tạo nên khoảng cách lớn của một đứa trẻ thành công và thất bại - Ảnh 2.

Điều này đã được chứng minh thông qua thử thách kẹo dẻo. Vào cuối những năm 1960 tại trường mẫu giáo Bing của đại học Stanford, một số trẻ mẫu giáo (khoảng 3-5 tuổi) được chọn tham gia một nghiên cứu.

Các em được đưa vào phòng trống hoặc ngồi ở bàn với một trong hai sự lựa chọn: có ngay lập tức một viên kẹo dẻo marshmallow, hoặc có hai viên kẹo nếu chờ đến khi người thí nghiệm lấy thêm kẹo từ phòng khác. Marshmallow là một loại kẹo làm từ đường, nước, gelatine có hình khối vuông, dẻo và mềm xốp như bông gòn. Có phải hầu hết trẻ sẽ xem điều đầu tiên là ngu ngốc và chọn chờ đợi để có hai viên kẹo?

Trong thí nghiệm thực tế, người ta để các trẻ ở lại một mình trong phòng lâu tới 15 phút hoặc tới khi chúng nếm viên kẹo. Thời gian các trẻ "chịu đựng" mà không thử phần thưởng quyến rũ trước mặt chúng có khác nhau.

Kết quả nghiên cứu sau này cho thấy chúng càng chờ lâu thì số phận tương lai của chúng càng tốt hơn về các mặt xã hội, cảm xúc và học vấn. Các thí nghiệm khác cũng cho ra những mẫu tương tự: Những người chứng tỏ được mình tự chủ tốt hơn trong thời thơ ấu đều giàu có hơn, khỏe mạnh hơn và tuân thủ luật tốt hơn khi trưởng thành.

4. Chính trực

Sự chính trực là tập hợp các niềm tin, năng lực, thái độ và kỹ năng đã học được nhằm giúp trẻ biết điều gì là đúng và sai. Điều quan trọng không kém là bố mẹ cho con không gian để phát triển bản sắc của riêng mình. Phụ huynh cũng cần thừa nhận, khen ngợi khi con có hành vi đúng đắn để chúng biết bạn coi trọng các hành vi đó.

Bạn cũng nên sử dụng từ "bởi vì" để lời khen ngợi của bạn cụ thể hơn. Ví dụ: "Con đã thể hiện sự chính trực khi con biết giữ lời hứa đi cùng bạn dù con phải hủy đi chơi tiệc".

5. Tính tò mò

Nhà tâm lý học khẳng định: Chỉ 7 kỹ năng nhưng tạo nên khoảng cách lớn của một đứa trẻ thành công và thất bại - Ảnh 3.

Sự tò mò giúp trẻ theo đuổi và mong muốn khám phá những sự kiện mới lạ và đầy thử thách. Để giúp trẻ hình thành tính tò mò, nhà tâm lý Michele Borba thích sử dụng đồ chơi có tính mở. Ví dụ như sơn, các loại sợi và que kem để tạo ra các công trình. Hoặc bố mẹ đưa ra những chiếc kẹp giấy và thử thách con xem chúng có thể sử dụng kẹp giấy bằng bao nhiêu cách khác thường.

Thay vì nói "Con làm thế sẽ không hiệu quả", hãy thử nói với con trẻ: "Hãy xem điều gì sẽ xảy ra!". Thay vì đưa ra câu trả lời, bạn hãy hỏi: "Con đang nghĩ gì?", "Làm sao con biết?", "Làm thế nào mà con có thể tìm ra chúng?".

Khi con nhỏ đọc một cuốn sách, xem một bộ phim hoặc chỉ đi ngang qua ai đó, hãy gợi ý con sử dụng các câu hỏi theo dạng "Tôi tự hỏi", ví dụ: "Tôi tự hỏi cô ấy đang đi đâu", "Tôi tự hỏi tại sao họ lại làm như vậy?", "Tôi tự hỏi điều gì sẽ xảy ra tiếp theo?".

6. Sự kiên trì

Một số trẻ bỏ cuộc vì cảm thấy quá tải khi phải đối mặt nhiều vấn đề hoặc một chồng bài tập. Khi đó, bố mẹ giúp trẻ khắc phục và xác định những sai lầm. Việc chia các nhiệm vụ thành các phần nhỏ hơn sẽ giúp ích cho những trẻ gặp khó khăn trong việc tập trung.

Ví dụ, bạn có thể dạy con gái mình "chia nhỏ" nhiệm vụ hoàn thành bài tập bằng cách che tất cả các bài toán của con bằng một tờ giấy, ngoại trừ hàng trên cùng. Hạ tờ giấy xuống hàng dưới khi mỗi hàng toán được hoàn thành.

Những đứa trẻ lớn hơn có thể viết mỗi bài tập vào một tờ giấy dính, theo độ khó và làm một việc tại một thời điểm. Bố mẹ khuyến khích con làm việc khó nhất trước để con không phải suy nghĩ về nó cả đêm. Sự tự tin và tính kiên trì sẽ được xây dựng khi trẻ hoàn thành các nhiệm vụ lớn một mình.

7. Lạc quan

Nhà tâm lý học khẳng định: Chỉ 7 kỹ năng nhưng tạo nên khoảng cách lớn của một đứa trẻ thành công và thất bại - Ảnh 4.

Những đứa trẻ lạc quan coi những thách thức và trở ngại tạm thời có thể vượt qua được, vì vậy trẻ có nhiều khả năng thành công hơn. Ngược lại, những đứa trẻ bi quan coi những thử thách là vĩnh viễn, giống như những khối xi măng không thể di chuyển, vì vậy chúng có nhiều khả năng bỏ cuộc.

Việc dạy trẻ tinh thần lạc quan bắt đầu từ chính cha mẹ. Bố mẹ hãy điều chỉnh các thông điệp điển hình của mình tới trẻ. Hãy tự đánh giá xem bạn hay nhìn nhận mọi thứ bi quan hay lạc quan hơn? Bạn bè và gia đình có nói như vậy về bạn không? Nếu bạn thấy tinh thần của mình đang nghiêng về một phía, hãy nhớ rằng sự thay đổi bắt đầu bằng cách nhìn vào gương. Nếu bạn thấy mình quá bi quan, hãy viết lý do trở nên lạc quan hơn sẽ hữu ích. Thay đổi là khó, nhưng điều quan trọng là bạn phải là tấm gương cho những gì bạn muốn con mình học hỏi.

Theo CNBC

Đinh Anh

Chia sẻ