Nhà ngoại "làm phúc" vẫn "phải tội" với nhà nội
“Cháu bà nội tội bà ngoại”, My thấy câu nói chẳng sai tí nào so với hoàn cảnh của cô bây giờ.
“Mày có há cái miệng to ra không tao cho nhịn luôn bây giờ, cháu với chắt”. Từ trong phòng tắm bước ra, My biết bà nội lại mắng nhiếc cháu nội nữa rồi. Thấy bà nội vứt luôn cái muỗng ra sân với bộ dạng tức tối, My biết chắc tại thằng cu Bin lại không chịu ăn món cháo thịt bò của bà nấu nên bà mới có phản ứng gay gắt như thế.
Cứ ngỡ lấy chồng gần nhà, My sẽ được gần gũi chăm sóc thêm cho bố mẹ đẻ rồi đến khi sinh nở thì cô cũng đỡ gánh nặng vì có bố mẹ hai bên gia đình phụ giúp mình lo cho cháu. Ấy vậy mà, lúc chuẩn bị lâm bồn bà nội liền phán luôn một câu xanh rờn khiến My buồn lòng: “Sau này sinh con thì con nên nghỉ làm đi, gửi cho nhà ngoại chứ ông bà bên này cũng bận bịu lắm, chắc không có thời gian”.
My cười chột dạ cũng chỉ nghĩ bà nội nói đùa chứ ai đời lại cư xử kiểu đó. Trong khi, ngoài gánh hàng bán ở chợ vào buổi sáng của bà thì bà có làm gì nữa đâu, làm gì mà không có thời gian trông cháu? Nói là làm, suốt thời gian 6 tháng nuôi con nhỏ My phải gọi điện hối thúc bà ngoại đến chăm cháu rồi lo toan hết việc này đến việc khác của hai mẹ con. Bà nội thì sáng đi chợ bán hàng xong, quá trưa mới về do mải tám chuyện với mấy bà ở chợ.
Ảnh minh họa
Nhiều lúc, bà ngoại còn phải tự tay vào bếp nấu luôn cho bữa ăn của cả gia đình nhà nội, My thấy mà xót xa! Chồng My thì công tác xa nhà, ông nội thì sáng hết uống trà, đánh cờ rồi lâu lâu lại vào buồng nhìn cháu nội kiêm luôn việc hỏi chuyện cơm nước đã có chưa…My chán ngán khi ông bà nội chẳng thèm đoái hoài đến sự tồn tại của đứa cháu đích tôn.
Ngày My quay lại với công việc ở trường thì cũng là ngày cô phải mang con về gửi ông bà ngoại. Sáng đưa con đi gửi tối lại rước con về rồi lao vào bếp chuẩn bị cơm nước, nhiều khi nhờ bà nội bế giùm con thì bà lại gắt gỏng: “Ngày xưa, chúng tôi phải tay bồng tay bế, vừa cắt cỏ lại tranh thủ nấu cơm đó. Con dâu thời nay cứ ỉ lại thành hư”.
Thời gian ở bên nhà nội ít ỏi quá nên nhiều thằng bé được ông bà nội bồng bế lại khóc ré lên in ỏi. Ông bà không dỗ lại còn mắng cháu, rồi đay nghiến My: “Thằng này không khéo đâm hư, cứ theo mẹ, theo bà ngoại còn ra cái gì nữa, ở với nhà nội mà không theo nội thì đúng là ngu”. Lúc đó, My chỉ biết thanh minh: “Cháu nó còn nhỏ, đã biết gì đâu mà bà trách”.
Nhiều khi thấy thằng bé sốt lên rồi sổ mũi, ho hen thì bà nội lại có cớ khiển trách nhà ngoại: “Bà bên nhà chiều cháu quá nhỉ? Cứ suốt ngày mang cháu ra đường hít bụi bẩn nên giờ mới đâm bệnh”. Lúc ấy dù rất ấm ức thay cho bà ngoại nhưng My cũng phải cố nhịn để giải thích: “Trẻ con mà mẹ, thời tiết thay đổi thất thường là lại trở chứng”. Ông bà nội không dành thời gian chăm sóc cháu thì chớ, đằng này lại cứ có chuyện gì không vừa lòng với cháu lại cứ phàn nàn, trách cứ nhà ngoại. Ấm ức lắm nhưng nhiều quá khi cứ thấy cảnh “bà đấm ông xoa” của nhà nội mắng nhiếc nhà ngoại, My lại rèn cho chính mình tính chai lì hoặc bỏ ngoài tai.
Từ ngày sinh cu Bin cho đến giờ, dù đã gần một tuổi mà ông bà nội cũng chưa mua cho cháu đích tôn lấy một món quà. My không trách chuyện đó nhưng khi thấy bà ngoại tặng cho cháu cái gì thì bà nội lại than phiền. Bữa trước, khi ông bà ngoại sang thăm cháu, mua cho nó một sợi dây chuyền bạc đề phòng trở gió lại đau. Bà nội thấy vậy lại mỉa mai: “Nó còn nhỏ thế, mang đồ kim loại lại cứa vào cổ bị thương không biết chừng”. Thấy bà ngoại có vẻ buồn buồn, My bấm tay bà cố nhịn cho qua.
Khi đứa con trai tròn 4 tuổi, My cho con đi học lớp nhỡ ở trường mẫu giáo. Việc đưa đón rồi bao nhiêu khoản tiền đóng góp đều một tay vợ chồng My đảm đương. Thấy vợ chồng cô vất vả, ông bà ngoại thỉnh thoảng lại cho My ít tiền phụ thêm cho cháu, biết chuyện ông nội lại hậm hực, khó chịu. Thằng bé hễ đi học về nếu vui vẻ thì không sao chứ nếu thấy lầm lì rồi khóc lóc là bố mẹ chồng lại nổi đóa lên: “Đằng ngoại chiều riết đâm hư! Ở với nhà nội thì cấm”. My thấy vô lý bèn đáp để minh oan cho nhà ngoại thì bà nội lại chua ngoa: “Chứ không phải suốt ngày bám váy ngoại, không học ngoại thì học ai ra cái thói nhõng nhẽo đó”.
My không hiểu tại sao nhà nội cứ có chuyện gì không vừa lòng về thằng bé lại đổ thừa cho bên ngoại. Phận làm dâu cô không dám hó hé nhưng cứ nhịn mãi sao được. Rồi mấy lần, thấy khách đến nhà chơi, hết lời khen ngợi thằng bé, ông bà nội lại vơ vội vào người: “Nó là cháu nội đích tôn của chúng tôi, dạy dỗ đàng hoàng không ngoan sao được”. Để rồi, đứng trên phòng nghe rõ mồn một từng chữ, My chỉ thêm thấy xót xa cho nhà ngoại. “Cháu bà nội tội bà ngoại”, My thấy câu nói chẳng sai tí nào so với hoàn cảnh của cô bây giờ.
Chỉ thương cho nhà ngoại, yêu thương và chăm sóc cháu hết lòng mà luôn bị nhà nội nghĩ xấu. My thấy buồn vô cùng!