Nhà làm phim Việt nói gì về cảnh nóng trong phim và phân loại phim tại Việt Nam?

Quang Vũ,
Chia sẻ

Đối với những khán giả quan tâm điện ảnh, chủ đề về các cảnh quay tình cảm hay thậm chí là “cảnh nóng” trong phim là điều mà nhiều người chú ý. Thế nhưng trải qua từng ấy năm mà điện ảnh tồn tại thì những tranh cãi ít nhiều về những cảnh quay này trong các bộ phim vẫn còn đó và vẫn là yếu tố không chỉ khán giả mà cả các nhà làm phim cũng rất quan tâm.

Có lẽ nhiều người sẽ công nhận, "cảnh nóng" là một yếu tố đặc biệt giúp đẩy các tình tiết hay cảm xúc khán giả khi xem phim lên cao trào. Nhưng có một sự thật khác không thể phủ nhận là đến hiện tại, tranh cãi về sự xuất hiện của những cảnh nóng trong phim, cảnh quay được thực hiện thế nào hay đóng vai trò gì, truyền tải cảm xúc gì vẫn là một bài toán khó đối với các nhà làm phim khi phải giải quyết được câu chuyện cân bằng giữa thị hiếu khán giả, giá trị nghệ thuật và các chuẩn mực đảm bảo cho việc phân loại, gắn nhãn và kiểm duyệt.

Nhà làm phim Việt nói gì về cảnh nóng trong phim và phân loại phim tại Việt Nam? - Ảnh 1.

Và bài toán đó đã được mang ra "mổ xẻ" tại buổi tọa đàm Cine Talk với chủ đề "Phân loại phim 18+ và cơ hội sáng tạo cho những nhà làm phim. Với sự góp mặt của các khách mời NSƯT Hạnh Thuý, đạo diễn - nhà sản xuất Aaron Toronto, diễn viên - biên kịch Nhã Uyên và sự dẫn dắt của MC Khánh Ly. Tại đây, câu chuyện về việc làm thế nào để mang đến một "cảnh nóng" vừa có tính thẩm mỹ, vừa có giá trị nghệ thuật mà vẫn giúp tác phẩm được phân loại đúng, tiếp cận đúng đối tượng khán giả đã được chính các nhà làm phim đưa ra nhiều góc nhìn đa chiều và đáng suy ngẫm.

Câu chuyện phân loại thế nào cho phim có cảnh nóng

Nhà làm phim Việt nói gì về cảnh nóng trong phim và phân loại phim tại Việt Nam? - Ảnh 2.

Theo diễn viên - biên kịch Nhã Uyên, khác với những loại hình nghệ thuật khác, điện ảnh quy tụ nhiều yếu tố từ diễn xuất của diễn viên, từ góc quay, ánh sáng cho đến những âm thanh trong phim - chỉ một sự thay đổi dù là nhỏ nhất cũng có thể khiến kết quả trở nên lệch đi với tính toán ban đầu của nhà làm phim, khiến những cảnh quay tưởng như nghệ thuật có nguy cơ bị đánh giá là thô tục.

"Nghệ thuật thứ 7 không hề đơn giản, vừa có âm thanh vừa có hình ảnh trong đó và có diễn viên diễn xuất nữa, nó rất "thật" và tác động đến khán giả khủng khiếp. Thế nên người đạo diễn làm ra một bộ phim cũng nắm quyền quan trọng là quyết định là các tác phẩm đó có dâm dục hay không, có khiêu dâm hay không".

NSƯT Hạnh Thuý cũng đồng tình với quan điểm này khi chia sẻ: "Bản lĩnh và ý thức của người sáng tác rất quan trọng bởi vì chính ý thức của họ sẽ quyết định tác phẩm có vượt qua ranh giới của phim nghệ thuật và phim khiêu dâm hay không. Và một khán giả đến rạp xem một bộ phim có rất nhiều cảnh nóng, cảnh 18+ nhưng cái họ đọng lại không phải là những cảnh nóng đó mà là cảm xúc và thông điệp trong câu chuyện thì đó mới là một bộ phim thành công".

Còn đạo diễn - nhà sản xuất Aaron Toronto - người đứng sau thành công của "Đêm tối rực rỡ" thì quan niệm, ranh giới giữa nghệ thuật hay "thô tục" dù có mong manh đến đâu thì vẫn có thể phân định nhờ vào ý thức của người làm phim, của chính diễn viên khi tham gia cảnh quay đó và của chính khán giả thưởng thức khi nói không với những bộ phim chỉ đưa cảnh nóng vào nhằm "câu view" mà không mang đến giá trị nào khác: "Khán giả sẽ có thể đến với điện ảnh với ý đồ nghệ thuật. Trong thời đại này, khi câu chuyện phim khiêu dâm đã quá phổ biến thì họ sẽ đến với phim với sự suy xét rằng tác phẩm này có mang tính nghệ thuật hay không".

Và để khán giả có cơ hội tiếp cận và suy xét về những tác phẩm như thế thì khâu kiểm duyệt, phân loại để làm thế nào đưa những bộ phim này đến với đúng đối tượng khán giả cũng là câu chuyện nhiều người quan tâm.

Nhà làm phim Việt nói gì về cảnh nóng trong phim và phân loại phim tại Việt Nam? - Ảnh 3.

Nói về điều này, Aaron Toronto cũng bày tỏ thêm quan điểm đối với việc phân loại và dán nhãn phim: "Bên Mỹ là có một số mác khác nhau như PG (Parental Guidance Suggested), PG-13 (Parents Strongly Cautioned) là có nghĩa là ba mẹ phải canh chừng, trẻ em dưới 13 không nên xem. Sau đó là nhãn R (Restricted) có nghĩa là là trẻ em dưới thì 7 không được đi xem. NC-17 là tuyệt đối không dành cho trẻ em dưới 17 tuổi coi. Phân biệt rõ ràng giữa nhiều mác như vậy nhưng sẽ có nhiều tình huống, ví dụ là nó gắn mác PG-13 là ba mẹ nên xem cùng con, ví dụ một cái tình huống bắt đầu hôn nhau hay gì đó vậy thì ba mẹ có thể cân nhắc là tôi muốn con của mình xem cảnh đó hay không."

Cảnh nóng trong phim vẫn là một "vũ khí" để kể chuyện

Bản thân các nhà làm phim cũng nhận thức được việc các cảnh nóng trong phim hiện tại dần nhiều hơn và cũng táo bạo hơn. Nhưng NSƯT Hạnh Thuý và đạo diễn - nhà sản xuất Aaron Toronto đều cho rằng, đó không thể xem là một xu hướng mà chỉ là một phần nhỏ được các nhà làm phim đưa vào để làm sao cho câu chuyện trong phim được kể một cách hiệu quả nhất, ấn tượng nhất.

"Rõ ràng không được không được lấn qua ranh giới giữa một bộ phim khiêu dâm với một tác phẩm nghệ thuật. Thực ra chúng ta có thể nhìn thấy trên thế giới, những nền điện ảnh lớn lâu năm mình ví dụ như Mỹ, Hàn Quốc hay Trung Quốc thì gần như nó không có xu hướng về đề tài tính dục và nó chỉ là một điểm nhấn, tức là một một phần nhỏ trong đó." - NSƯT Hạnh Thuý chia sẻ.

Còn với Aaron Toronto, anh cho rằng: "Thay vì gọi nó là xu hướng thì mình nghĩ là nó sẽ là một vũ khí của mình để mình có thể sử dụng để kể chuyện. Hiện tại có thể không dùng nhưng khi đến lúc nào đó thích hợp và nó phát huy hiệu quả thì mình tin là sẽ mang đến những giá trị nhất định".

Nhà làm phim Việt nói gì về cảnh nóng trong phim và phân loại phim tại Việt Nam? - Ảnh 4.

Cởi mở hơn là vậy nhưng câu chuyện về việc làm thế nào để đưa cảnh nóng vào phim vừa có giá trị, vừa đảm bảo về yếu tố kiểm duyệt và phù hợp với khán giả vẫn là một điều khiến nhiều nhà làm phim đau đầu cân nhắc khi mà : "Mặc dù luật đã cởi mở hơn bởi vì đã đưa ra những quy chuẩn mới rõ ràng. Nhưng để nói đã đạt trình độ hoàn chỉnh 100% thì chắc chắn là chưa. Hiện nay, các nhà làm phim vẫn đang còn rón rén và trăn trở làm sao để vừa không vi phạm luật mà vẫn có thể để tác phẩm của mình đi đến được với khán giả một cách trọn vẹn" - NSƯT Hạnh Thuý trăn trở.

Song, với những góc nhìn đa chiều trên để khai mở nhiều điều về cảnh nóng trong phim từ chính những người trong ngành điện ảnh, tin rằng vấn đề tưởng như nhạy cảm này sẽ nhận được sự đón nhận cởi mở để cùng đưa ra giải pháp để hướng đến một nền điện ảnh đa màu sắc, cảm xúc nhưng vẫn đảm bảo các giá trị và sự văn minh của nghệ thuật.

Chia sẻ