Nhà khoa học Trung Quốc đăng đàn bảo vệ 2 cô bé chỉnh sửa gen, tiết lộ còn một đứa bé nữa sắp ra đời
Nếu không có gì thay đổi và những thông tin He Jiankui nói là đúng, trong thời gian tới chúng ta sẽ chào đón thêm một đứa bé chỉnh sửa gen nữa ra đời.
He Jiankui, nhà khoa học Trung Quốc tuyên bố đã sử dụng kỹ thuật chỉnh sửa gen CRISPR để tạo ra 2 bé gái sinh đôi miễn nhiễm HIV, hôm nay đã xuất hiện trước công chúng trong một hội nghị tại Hồng Kông.
Trước làn sóng phản đối dữ dội của cộng đồng khoa học, chỉ trích việc làm của ông trái với các nguyên tắc đạo đức, He Jiankui đã lên tiếng bảo vệ nghiên cứu của mình. Ông nói rằng mình "tự hào" về nó.
Hai đứa trẻ có tên là Lulu và Nana hiện vẫn "bình thường và khỏe mạnh", He Jiankui nói sẽ theo dõi chúng đến năm 18 tuổi. Bên cạnh đó, ông còn tiết lộ một đứa bé được chỉnh sửa gen nữa sắp được ra đời. "Bào thai tiềm năng khác", He Jiankui nói, đang trong giai đoạn đầu của sự phát triển.
He Jiankui phát biểu trong Hội nghị Thượng Đỉnh quốc tế lần thứ 2 về Chỉnh sửa gen người ở Hồng Kông hôm nay
Từ đầu tuần này, cộng đồng khoa học thế giới đã chao đảo sau thông tin He Jiankui công bố với Associated Press, rằng ông đã tạo ra 2 đứa trẻ sinh đôi có gen được biến đổi nhờ CRISPR. Ông đã dùng kỹ thuật chỉnh sửa gen này để cắt bỏ CCR5, một gen hướng dẫn virus HIV lây nhiễm, giúp những đứa bé miễn nhiễm với căn bệnh này.
He Jiankui đã tìm được 8 cặp vợ chồng – người cha dương tính và người mẹ âm tính với HIV – tình nguyện tham gia vào thử nghiệm. Bằng cách chỉnh sửa gen của phôi thai, nhà di truyền học từng là phó giáo sư tại Đại học Khoa học và Kỹ thuật Hoa Nam Thâm Quyến, Trung Quốc hi vọng sẽ giúp 2 đứa trẻ được sinh ra an toàn mà không nhiễm bệnh.
Đại học Khoa học và Kỹ thuật Hoa Nam hôm qua lên tiếng phủ nhận nghiên cứu này được thực hiện dưới sự giám sát của họ. Nghĩa là He Jiankui đã nghiên cứu "chui". Công trình không được thông qua một Ủy ban đạo đức khoa học nào.
Trên thực tế, mọi nghiên cứu chỉnh sửa gen phôi người trên thế giới ở thời điểm này đều không được phép tạo ra thai nhi và những đứa bé hoàn chỉnh. Các nhà khoa học cần sự thông qua của một ủy ban đạo đức, và cam kết sẽ tiêu hủy phôi trước khi nó đủ lớn, thường chỉ sau vài ngày phát triển.
Các nguy cơ của người chỉnh sửa gen đó là chúng ta không biết CRISPR có nhắm trúng đích hay không, và việc đó có thể gây đột biến gen ảnh hưởng đến sức khỏe của đứa trẻ được sinh ra, thậm chí gây ung thư.
Còn một lo ngại lớn nữa là việc thêm gen hoặc cắt gen vào một đứa trẻ, khi đứa trẻ trưởng thành và sinh sản sau này, sẽ gây ra những xáo trộn trong bể gen (tổng hợp tất cả các gen) của loài người.
Nếu không có gì thay đổi và những thông tin He Jiankui nói là đúng, trong thời gian tới chúng ta sẽ chào đón thêm một đứa bé chỉnh sửa gen nữa ra đời.
Mặc dù vậy, trong Hội nghị Thượng Đỉnh quốc tế lần thứ 2 về Chỉnh sửa gen người ở Hồng Kông ngày hôm nay, He Jiankui đã lên tiếng bảo vệ nghiên cứu của mình. "Tôi cảm thấy tự hào, tự hào nhất về nó", ông nói.
Sức khỏe của 2 đứa bé tên là Lulu và Nana hiện đang ổn định. He Jiankui cho biết ông sẽ còn theo dõi 2 cô bé cho đến năm 18 tuổi.
Về việc Đại học Khoa học và Kỹ thuật Hoa Nam hôm qua lên tiếng phủ nhận nghiên cứu, He Jiankui xác nhận nhà trường thực sự đã không biết gì, và ông đã bỏ tiền túi ra tài trợ cho chính nghiên cứu của mình và các cặp vợ chồng.
He Jiankui cho biết thêm nghiên cứu đã được gửi đến một tạp chí khoa học để bình duyệt. Thế nhưng, thông tin rò rỉ tạo ra một làn sóng phản đối mạnh mẽ đã khiến quá trình bình duyệt phải tạm dừng.
Sự phản đối cũng khiến He Jiankui buộc phải ngừng quá trình thử nghiệm lâm sàng của mình, trước đó vẫn đang diễn ra bình thường. Tuy nhiên, ông tiết lộ có một phôi thai nữa đã kịp được chỉnh sửa. Và một tình nguyện viên trong nghiên cứu đang mang thai nó.
Vậy nếu không có gì thay đổi và những thông tin He Jiankui nói là đúng, thì trong thời gian tới chúng ta sẽ được chào đón thêm một đứa bé chỉnh sửa gen nữa ra đời.
Tham khảo BBC, Telegraph