Ôi quê tôi có còn mái nhà

thuyha,
Chia sẻ

Nhớ cái thú nhà quê, buổi đêm dậy không phải vào WC men sứ gạch bông mà được ro ro xè xè trên nền đất ẩm hơi sương là sung sướng lắm rồi!

Anh cùng con về quê, tối gọi điện ra giọng náo nức: Em ơi buổi tối trăng sáng lắm, sao sáng lắm, gió mát lắm, rải chiếu ra sân ngồi làm ấm trà, ôi ôi ôi hạnh phúc chỉ thế thôi…
 
Lúc sau khoảng 11h30 gọi điện lại hỏi Diên Khánh ngủ chưa hả anh, anh bảo cả nhà ngủ lăn ra ngoài hiên, hiên rộng nhà bác Mạnh mới xây mờ, chắc phải hơn chục mạng già trẻ. Vui với con vì con cũng đã biết thế nào là ngủ giữa trăng sao và trời đất, nhưng cũng đành bảo chồng: Thôi anh bế nó vào giường đi, không quen lại cảm bỏ xừ.
 
Ôi nhớ quê quá (quê mình chứ không phải quê chồng, mà nói đúng hơn là nhớ những cái gì gọi là nhà quê, cảnh quê, có dính đến tí đất cát, buổi đêm dậy tè không phải vào WC men sứ gạch bông mà được ro ro xè xè trên nền đất ẩm hơi sương là sung sướng rồi).
 
Photo Sharing and Video Hosting at Photobucket
Dàn mướp nhà ông bà nội Diên Khánh
 
Cái nhà cũ của mình ngày xưa, 5 gian cột gỗ, ngói âm dương, lát gạch bát, bậc đá tảng, dỡ từ trên quê xuống theo thuyền về phố. Cái nhà thật là đẹp, đẹp hơn nhiều cái gọi là di sản kiến trúc mà mình từng đi vẽ ghi. Thế nhưng mình nhớ nhất là cái nhà vệ sinh. Nó nằm ở một góc vườn rộng, xây bằng gạch tro lò (cho lò?) bố mình tự tay đúc. Đường vào thì đẹp nên thơ não nùng, lối đi nhỏ lát gạch đỏ, hai bên hàng rau ngót thẳng tắp, trước cánh cửa gỗ tạp chữ Z rất miền quê Pháp nhợn là bụi thiên lý, đằng sau là cây khế nghiêng nghiêng toả bóng rụng từng mảnh hoa tím. Bậc lên bằng đá tảng. Cái nhà đẹp như chòi nghỉ mát (pavilion) trong các khu vườn châu Âu mà trong phim các đôi bá tước quận chúa sau yến tiệc đèn nến linh đình thường lôi nhau ra hú hí. 3 năm trước, mình có quả việc thiết kế sân vườn ĐSQ Ba Lan, anh Đại sứ trẻ măng đòi làm quả lầu hóng mát giữa vườn, mình lấy cảm hứng từ cái chốn yêu thích ấy để vẽ, hị hị.
 
Khoái cảm điên rồ và hợp lý nhất là khi nhét một quyển sách lấy một cách lén lút từ trong giá sách, nhét vào cạp quần, phủ áo ra ngoài (chẳng hiểu sao lại phải ti tiện thế nhỉ, có ai cấm đâu) rồi thủng thẳng đi từ nhà trước qua bếp, qua một giàn nho phủ bóng mát có những con sâu xanh lè, bước vào con đường nhỏ, và thiên đường đang ở trước mặt.
 
Lần đầu tiên em được sờ vào cái xe đạp cởi truồng!
 
Trong buổi ăn cơm chiều nào đó ngoài sân, bố mình có một đề xuất rất nghiêm túc là làm ở đấy một cái thư viện. Chỉ những quyển đọc "đã" nhất mới mang để đấy. Ừ mà trong những năm học cấp 1 cấp 2, bao nhiêu Đông tây kim cổ thượng vàng hạ cám đã thu về một mối, từ sách điều lệ Đội TNTP đến Tứ thư Ngũ kinh, Quỳnh Dao, Liêu Quốc Nhĩ đến Proust Kafka. Cuối cấp 2 mấy thằng con trai viết thư cho mình, cóc dám đọc trong nhà, cóc dám để trong cặp (sợ bị bọn ở lớp lục) suốt ngày giắt cạp quần chờ mang ra nhà xí đọc. Đọc xong rồi xé, sợ cóc dám giữ.
 
Bà già thu truyện chưởng của học sinh, ông già lấy ra đọc (hồi đấy còn là sách cấm), mình cũng lén đọc, chờ ông già ngủ lén mang ra nhà xí, nhớ quả đầu tiên là Cô gái Đồ long, quả thứ hai là Tiếu ngạo giang hồ, kiếm pháp giết ruồi trong nhà xí của Lệnh Hồ đại ca, khoái cảm không bút (bàn phím) nào tả xiết. Mình nghĩ chắc chắn là bố mình biết mình lấy đọc, và ông ngấm ngầm đồng ý để tạo ra cho mình một cái hạnh phúc thú vị và lén lút của sự ăn vụng.

"Lòng yêu nước ban đầu là lòng yêu những vật tầm thường nhất. Yêu cái cây trồng trước nhà, yêu cái phố nhỏ đổ ra bờ sông, yêu vị thơm mát của trái lê mùa thu hay mùi cỏ thảo nguyên có hơi rượu mạnh. Chiến tranh khiến cho mọi người dân Xô Viết nhận ra vẻ thanh tú của chốn quê hương... Người ở thành Lê-nin-gờ-rát bị sương mù quê hương ám ảnh, nhớ dòng sông Nê-va đẹp và đường bệ như nước Nga đường bệ, nhớ những tượng bằng đồng tạc những con chiến mã lồng lên và lá hoa rực rỡ của công viên mùa hè, nhớ phố phường mà mỗi căn nhà là một trang lịch sử. Người Mạc-tư-khoa nhớ như thấy lại những phố cũ chạy ngoằn ngoèo lan man như một hoài niệm để rồi đổ ra đại lộ của thành phố mới, xa nữa là điện Kremlin, những tháp cổ ngày xưa – dấu hiệu vinh quang của đất nước Nga và những ánh sao đỏ của ngày mai. Dòng suối đổ vào sông, sông đổ vào dải trường giang Volga, con sông Volga đi ra biển. Lòng yêu nhà, yêu làng xóm, yêu miền quê, trở nên lòng yêu Tổ quốc."

(Một nhà văn Liên Xô nào đó, nổi tiếng*)
Yêu và nhớ, nhớ WC, nhớ quê, yêu Tổ quốc.
------
*Lòng yêu nước - Ilyard Erenburg
Thuý Hà, Arch.


Bạn cài Flash Player để xem được Clip này.

Chia sẻ