Những "bí kíp" hay chăm sóc cây xanh trong nhà
Chẳng có người nào lại muốn cây cảnh trồng trong nhà của mình bị chết, nhưng đôi khi rất nhiều người lại không ngờ rằng chính sự chăm sóc của họ lại vô tình giết chết chúng...
Trồng cây xanh ngoài tác dụng làm đẹp cho ngôi nhà mà về phương diện phong thuỷ, các gia chủ còn có mong muốn cầu tài cầu lộc, mang lại may mắn cho gia đình thông qua ý nghĩa, biểu tượng của các loại cây. Vì vậy, chẳng có người nào lại muốn cây cảnh trồng trong nhà của mình bị chết, nhưng đôi khi rất nhiều người lại không ngờ rằng chính sự chăm sóc của họ lại vô tình giết chết chúng...
Khi trồng cây cảnh trong nhà, gia chủ cần phải biết cách tự tạo môi trường thời tiết tự nhiên cho cây trồng, bởi vậy, dành một khoảng thời gian nhất định ban đầu để thử nghiệm loại cây mà mình dự định trồng là rất cần thiết, đó là cơ sở tìm ra phương pháp điều chỉnh môi trường tác động nhằm giúp cây trồng thích nghi với điều kiện sống đó.
Phần đông nhiều người không thực sự biết cách chăm sóc cho cây trồng dẫn đến những sai lầm phổ biến như sau:
1. Tưới nhiều nước
Tưới nước là việc làm cần thiết để cây trồng luôn khoẻ mạnh và phát triển tốt, tưởng chừng đây là việc đơn giản và dễ thực hiện nhưng nhiều người vẫn mắc sai lầm khi quá chăm chú tưới nước nhiều lần trong một ngày. Cây trồng hấp thụ không khí qua rễ cây, nếu như đất trồng lúc nào cũng ẩm ướt thì việc hấp thụ không khí sẽ diễn ra khó khăn, hơn nữa tưới nhiều nước sẽ làm rễ cây nhanh mục, khiến cho cây trồng chóng chết.
Chính vì lẽ đó mà đừng có tưới nước cho cây trồng một cách thụ động. Hãy kiểm tra liệu đất trồng ở bên dưới (chỗ thấp hơn 2,54cm so với bề mặt bên trên) liệu có khô hay không, nếu khô thì cần tưới nước. Khi tưới thì hãy tưới thật kỹ, tưới cho đến khi nhìn thấy nước thoát ra từ lỗ thoát nước ở bên dưới chậu cảnh. Đây là cách kiểm tra hữu ích không chỉ đối với đối với những người ít khi dành thời gian tưới nước cho cây trồng, mà còn hữu ích cho cả những người lúc nào cũng chỉ chăm chăm tưới nước cho cây.
Không để cho cây trồng ngâm trong nước. Nếu như muốn tăng độ ẩm cho cây trồng bằng cách đặt chúng lên một cái khay nước có chứa đá cuội thì phải đảm bảo mực nước thấp hơn so với lỗ thoát nước ở dưới đáy chậu cảnh.
2. Độ ẩm không thích hợp
Rất nhiều cây trồng trong nhà luôn ở tình trạng thiếu độ ẩm cần thiết, đặc biệt là vào mùa đông. Dấu hiệu nhận biết được thông qua màu sắc trên đỉnh của lá cây. Nếu trên đỉnh lá có màu hơi nâu có nghĩa là cây trồng đang thiếu nước, chúng sẽ trở nên khô héo, và rụng lá.
Thiếu độ ẩm cũng là nguyên nhân làm chết cây trồng, để chắc chắn rằng cây trồng có độ ẩm cần thiết, đầu tiên gia chủ cần phải tìm hiểu xem lượng nước tưới thích hợp cho cây trồng của mình là ở mức nào. Nếu như cây trồng có xu hướng khô đi, thì có thể tăng cường độ ẩm cho cây bằng cách đặt một khay nước có chứa đá cuội ngay ở phía dưới chậu cảnh (chú ý là chỉ đổ đầy nước cho đến mực dưới lỗ thoát nước của chậu cảnh).
3. Thiếu, thừa ánh sáng
Nếu như cây cảnh không hấp thụ được lượng ánh sáng cần thiết thì trông chúng sẽ nhợt nhạt hơn so với những cây được hấp thụ ánh sáng mặt trời. Dấu hiệu nhận biết là những chiếc lá mới mọc có kích thước nhỏ hơn so với bình thường. Xác định xem lượng ánh sáng mà cây cảnh trồng trong nhà cần phải có cũng giống như việc ước lượng xem lượng nước mà cây trồng cần là bao nhiêu. Đơn giản là người chăm sóc nên dành thời gian ban đầu để tìm hiểu xem cây trồng của mình sẽ phát triển tốt trong điều kiện ánh sáng như thế nào.
Tuy nhiên, đối với hầu hết các cây cảnh trồng trong nhà đều không nên đặt chúng ở chỗ tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng mặt trời như gần cửa sổ chẳng hạn. Tia nắng mặt trời sẽ làm cháy lá cây. Chỉ có những cây ưa ánh sáng như cây hoa anh thảo, cây dành dành, cây phong lữ là có thể đặt ở vị trí tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng mặt trời. Các cây không cần tiếp xúc nhiều với ánh sáng như cây ráy thơm thì tốt nhất là nên được đặt tại nơi mà không có ánh nắng mặt trời chiếu trực tiếp.
4. Không chú ý việc loại bỏ sâu bọ
Sâu bọ có khả năng sản sinh rất nhanh và không có cách nào để ta có thể kiểm soát được số lượng của chúng, gây hại nhiều cho cây trồng chính vì vậy cần phải đặc biệt chú ý tới các dấu hiệu trên cây trồng của mình để ứng phó kịp thời. Loại bọ bét, rệp vừng, loài rệp bột và loài vảy bắc có thể sinh sôi nảy nở trên cây trồng trong vòng vài ngày, trong trường hợp xấu nếu những loại sâu bọ này bám trên cây trồng dai dẳng thì cây sẽ chóng chết. Gia chủ nên để ý tới những lá cây bị bạc mầu hay uốn quăn lại, và hãy kiểm tra khi thấy cây trồng trở nên mềm và ủ rũ ngay cả khi đã được tưới nước.
Bọ bét: Chú ý ở những vị trí nối các nhánh, đặc biết chú ý đối với những cây có tán lá sum sê. Các con bọ bét có kích cỡ nhỏ, chúng gây hại bằng cách hút các tinh tuý của cây trồng. Lá cây nếu bị bọ bét gây hại thì sẽ có các chấm vàng vàng ở bề mặt của lá. Khi sự phá hoại của bọ bét trở nên ngày một tệ hại hơn, lá cây sẽ đổi hoàn toàn sang màu vàng, dần dần lá cây trở nên giòn và dễ vỡ, kết quả là cây sẽ chóng chết.
Để phòng trừ và diệt bọ bét, bạn cần phải phun thuốc trừ sâu cho cây trồng theo hướng dẫn chỉ định sẵn của nhà sản xuất.
Rệp bột: Trông như những đốm có mầu trắng bông, chúng thường bám vào điểm nối của các cuống lá, cũng có thể nhìn thấy chúng ở dọc thân cây. Chúng sinh sản, phát triển và dần dần hút hết các tinh chất có trong cây trồng, khi cây trồng bị rệp bột phá hoại, chúng trông như bị khô dần đi ngay cả khi được tưới nước. Rất khó để diệt trừ loại rệp này. Nếu như cây trồng của bạn có rệp bột bám vào, hãy cắt nhánh cây có rệp rồi bỏ đi. Bạn cũng có thể dùng miếng dẻ lau có nhúng cồn rồi chấm vào những chố rệp bột bám vào. Nếu như cây trồng nhiễm rệp bột nặng thì tốt nhất là bạn nên bỏ chúng đi. Nếu giữ lại cũng không ích gì vì rệp bột sẽ tự sinh sôi phát triển rất nhanh.
Vảy bắc: là loại sâu bọ cỡ nhỏ, chúng bám vào thân, cọng và cuống lá của cây trồng, bên ngoài của chúng được bao phủ bởi một lớp vỏ cứng có hình bầu dục. Giống như rệp bột, chúng hút dần tinh chất của cây trồng, khiến cho cây trồng trở nên yếu ớt không thể duy trì khả năng tồn tại được. Cũng giống như loài rệp bột, rất khó để loại bỏ và diệt trừ loại vảy bắc. Thuốc trừ sâu thì không thể thấm qua lớp vỏ cứng bao phủ bên ngoài bảo vệ chúng. Đôi lúc, bạn có thể dùng móng tay để cậy, loại bỏ chúng ra khỏi cây trồng. Đối với những con vảy bắc còn non, chúng phải trườn bò mà không có lớp vỏ ngoài bao phủ để tìm chỗ bám, lúc này bạn có thể dùng thuốc trừ sâu để phun, diệt trừ chúng.
Rệp vừng: trông giống như những nốt nhỏ mầu xanh, trắng, vàng hoặc đen bao phủ trên toàn bộ bề mặt của cây trồng. Rệp vừng sinh sôi và nảy nở rất nhanh, chúng có thể bám đầy trên cây của bạn chỉ trong một vài ngày. Rệp vừng là loài sâu bọ có thân mềm, vì vậy ta có thể diệt chúng một cách dễ dàng bằng cách tạt nước mạnh vào cây hay là phun thuốc trừ sâu liên tục. Tuy nhiên loại sâu bọ này bám rất dai dẳng, bạn cần phải kiên trì để tiêu diệt chúng.
Nếu bạn đang sống trong một ngôi nhà hoặc căn phòng mà mình thấy yêu quý và tự hào, hãy cùng Chia sẻ không gian sống của chính bạn với độc giả aFamily bằng cách liên lạc với chúng tôi: 84-4-39749300/910 hoặc nhadep@afamily.vn, info@afamily.vn. Mỗi độc giả chia sẻ nhà sẽ được tặng một phần quà từ một trong số những nhà tài trợ của chương trình. |