Nhà giàu Trung Quốc đua nhau trồng rau

Theo Dân Trí, BBC,
Chia sẻ

Thay vì cầm những chiếc điện thoại iPhone thời thượng, một nhóm các tri thức trẻ đã cầm các dụng cụ để đào xới đất và trồng rau, với đôi bàn tay lấm lem bùn đất.

Vào các ngày làm việc, họ là các giáo viên, các nhân viên tư vấn và các kỹ sư máy tính. Nhưng vào cuối tuần, những công dân thành thị này trở lại với đất để trồng trọt.
 

Các nông dân bán thời gian tại Trung Quốc.

“Chúng tôi lo lắng về an toàn thực phẩm”, He Liyng nói, giải thích về chuyện vì sao họ tự trồng rau.

Họ tích cực lao động dưới cái nắng mùa hè nóng bức tại một nông trại có tên gọi Little Donkey ở ngoại ô thủ đô Bắc Kinh. Nông trại này có khoảng 700 thành viên đóng phí hàng tháng.

Đó là một trong số hàng chục trang trại mọc lên trên khắp Trung Quốc phục vụ tầng lớp trung lưu ở nước này, vốn ngày càng lo ngại về an toàn thực phẩm.
 

Theo báo chí nhà nước Trung Quốc, những lời phàn nàn về an toàn thực phẩm đang gia tăng.

Từ thịt phát sáng đến bánh bao chứa phẩm màu nhuộm bị cấm và gạo nhiễm kim loại nặng, đã xảy ra hàng loạt xì-căng-đan về thực phẩm nhiễm bẩn trong những tháng gần đây.

Nhưng vụ việc gây xôn xao nhất gần đây là dưa hấu phát nổ. Thuốc kích thích tăng trưởng được cho là nguyên nhân của vụ việc.
 

Dưa phát nổ gây lo ngại về thực phẩm cho giới nhà giàu Trung Quốc.

Dù đó là dưa hấu phát nổ hay thịt lợn chứa hóa chất, nhiều người Trung Quốc đơn giản là không tin tưởng vào những thực phẩm có mặt trên bàn ăn. Điều này đã khiến các nhà chức trách không khỏi lo lắng, lo ngại rằng mọi người sẽ mất niềm tin vào chính phủ nếu không đảm bảo về độ an toàn về những thứ họ ăn.

Niềm tin đó đã rơi xuống mức thấp nhất 3 năm trước khi những tin tức về vụ bê bối an toàn thực phẩm lớn nhất Trung Quốc vỡ lở. Sữa trẻ em nhiễm melamine đã làm 6 trẻ em tử vong và 300.000 em khác bị ốm hồi năm 2008.
 
Anh Wang Gang hiện vẫn đang sống chung với hậu quả. Con trai anh, Zi Yuan, đã bị bệnh thận sau khi uống phải sữa nhiễm độc. Anh Zang vẫn lo lắng về sức khỏe của Zi. Anh muốn sự công bằng cho con trai.
 

“Tôi nghĩ chính phủ cần phải có trách nhiệm”, Wang nói. “Phiên tòa của chúng tôi liên tục bị trì hoãn. Tôi rất bực mình nhưng cố gắng kìm chế”.

Giới chức Trung Quốc đã ban hành các chính sách nghiêm ngặt hơn nhằm đảm bảo an toàn thực phẩm.

Sau một ngày lao động mệt nhọc, một nhóm các trí thức trẻ tại nông trại ở Bắc Kinh nghỉ ngơi tại một căn hộ sang trọng. Họ đã nấu một bữa ăn sử dụng các loại rau họ thu hoạch được.
 

“Rau sẽ ngon hơn khi bạn tự trồng được”, một người trong số họ cho biết.

Nhưng họ nằm trong số ít những người may mắn, vốn có thời gian và tài chính để tự trồng rau. Nhiều người khác có rất ít sự lựa chọn về những thứ mà họ ăn hàng ngày.
Chia sẻ