Nhà giàu kén dâu làm... ô sin

,
Chia sẻ

Thói thường, những gia đình giàu có thường có nhiều lợi thế hơn trong việc kén dâu. Nhưng những người được chọn có thực sự hạnh phúc?

Chị L.T.H (nhân viên của một Viện khá lớn của nhà nước) đã quyết định từ bỏ anh chàng người yêu tỉnh lẻ từ thời sinh viên để yêu và cưới một anh chàng làm trong một doanh nghiệp lớn, con trai của một ông quan khá to ở Hà Nội. Ngày cưới, hội trường rộn rã, đài truyền hình đến quay từ đầu đến cuối, toàn các quan chức cấp cao hiện diện. Khỏi phải nói bố mẹ cô dâu hãnh diện như thế nào khi đoàn nhà gái tháp tùng về nhà chồng kể lại chi tiết tiệc cưới của con gái mình. Nhưng sau một đám cưới ngọt ngào là những ngày đắng cay chưa từng có mà H gặp phải, bắt đầu từ chính chồng mình.

Chồng chị luôn viện cớ những ngày cuối tuần phải đi công tác xa, lâu dần khiến H sinh nghi và một lần dò hỏi… chị được biết anh thường xuyên cùng bồ thuê xe về Hải Phòng hú hí. Lúc này chị mới nhớ đến những lời cảnh báo của cô bạn thân về tính trăng hoa của chồng. Đã thế, 2 vợ chồng cưới nhau đến 3 năm chưa có con càng khiến thói trăng hoa của anh chồng được thể phát huy.
 
Xem ảnh lớnRồi ngay cả cô em gái, thời 2 người còn yêu nhau hết mực ủng hộ H giờ cũng quay sang bắt nạt cô. Cô em gái lấy chồng, sinh con, có nhà riêng nhưng cả năm cả tháng ở nhà mẹ đẻ bắt chị dâu hầu hạ. Hết cơm nước, việc nhà lại đến con cái của cô em… tối ngày chóng mặt, đến lúc đi ngủ quên mang túi rác đi vứt cô cũng bị điệu từ tầng 5 xuống tầng 1… làm cho xong việc. Gần như đêm nào đi ngủ cô cũng ấm ức khóc mà không dám cho bố mẹ đẻ biết vì sợ bố mẹ sẽ lo lắng nhiều.

Và đương nhiên, cả bà mẹ chồng cũng vẫn làm những công việc… thường có của một bà mẹ chồng. Ngày mới cưới, cả 2 vợ chồng quyết định vẫn để mẹ lo mọi việc trong nhà, mỗi tháng đóng góp một khoản nào đó. Thế mà cưới được 5 tháng hết chồng đến lượt mẹ chồng nói ra nói vào rằng H chưa quán xuyến được việc nhà. Khốn khổ hơn, gia đình chồng giàu có thế nhưng theo ý bà, cả nhà phải dùng bếp than để tiết kiệm, ngày nào cũng phải nhóm trong khi những phương tiện làm bếp hiện đại thì… đắp mền cho mới.

Khổ cực như một ô sin lại không có ai để chia sẻ, căn bệnh khó sinh của chị lại càng có đất để sinh sôi. Chị tâm sự, bây giờ chỉ có đứa con mới có thể giúp chị thoát khỏi cuộc sống nhục nhã này. Trong khi bố mẹ chị không hề hay biết, vẫn đang nghĩ số con gái mình sướng vì được làm dâu nhà giàu có.

Các chuyên gia tâm lý cho rằng, thời hiện đại, việc chọn chồng đã thực sự trở nên khó khăn vì những giá trị đạo đức và giá trị gia đình đang dần bị xem nhẹ lại thêm quan niệm của các cụ để lại “thân con gái như hạt mưa sa” càng khiến số phận những cô gái về nhà chồng trở nên “may hơn khôn”. Đây là trường hợp cô gái tự nguyện cưới nên không thể trách cứ một ai nhưng cũng có nhiều trường hợp cô gái bị bố mẹ ép cưới - chuyện tưởng như chỉ có ở thời phong kiến khiến cho con gái lỡ cả một đời.

Chị H.T.L (công nhân may cho một công ty Đài Loan) là một ví dụ. Chị L cao ráo, xinh xắn, là niềm mơ ước của nhiều trai làng xung quanh. Chị và anh T làng dưới cùng sinh hoạt đoàn thanh niên nên nảy sinh tình cảm, 2 người yêu nhau được hơn 1 năm thì bị bố mẹ chị ngăn cản. Lý do, ông bố đã “ngắm” sẵn cho chị một chốn đi về trên thị xã. Ông thông gia mà bố chị L đã chọn nguyên là một quan chức cấp tỉnh về hưu. Gia đình bề thế, nhà ở khang trang… mà lại chỉ có độc đinh nên chắc chắn không phải lo lắng về sau. Ông nghĩ đây chắc chắn là chốn nương thân sung sướng của con gái mình. Ai ngờ đâu, gia đình nhà chồng có tới 5 chị em gái, sau ngày anh chị cưới gần 1 năm thì có đến 3 chị bỏ chồng, đưa con về nhà mẹ ở.

Thế là ngày ngày, từ tờ mờ sáng đến tối mịt, chị L tất bật việc nhà, chăm tất tần tật số cháu ngoại của ông bà, không có thời gian làm thêm kiếm tiền… Đây lại là lý do để bà mẹ chồng và các chị, các em nhà chồng khinh rẻ chị vì ăn bám, dựa dẫm vào nhà chồng.

Đã thế, chồng chị lại phải vào Cần Thơ công tác hàng năm, L không biết bấu víu vào ai để lấy sức làm đủ mọi việc như thế . Cũng may chị đã có cậu con trai nên mỗi lần nhìn thấy con được ở trong một gia đình giàu có, chị lại căn răng làm. Chồng chị làm việc được 3 năm thì về nhà vì lý do sức khỏe. Ngày chị sinh đứa con thứ 2 cũng là ngày cả gia đình phát hiện ra chồng chị mắc phải một căn bệnh nan y. Phát bệnh 7 tháng thì chồng mất.

Đây quả thực là một bi kịch trong việc ép duyên con gái và ham hố sự giàu sang mà không phải của mình làm ra. Có lẽ nào ngày nay vẫn còn có những cô gái không dám đấu tranh để giành lại hạnh phúc cho mình? Cuộc đời là của mình, hạnh phúc cũng là của mình, không thể vì lóa mắt trước sự giàu có mà… lặng lẽ đưa chân để cuộc đời là cả một tấm bi kịch sau ngày kết hôn.

Phi Phi

Chia sẻ