Nhà giáo phải có giấy chứng nhận nghề nghiệp: Giáo viên nói gì?
Trước nội dung được đưa ra bàn thảo, lấy ý kiến quy định nhà giáo phải có giấy chứng nhận nghề nghiệp đang nhận được ý kiến trái chiều.
Tuy nhiên, các giáo viên là người trong cuộc cho rằng, điều mà giáo viên như thầy đang băn khoăn nhất đó là cách tổ chức, quản lý vấn đề này sẽ như thế nào cho hiệu quả. Bởi việc cấp chứng nhận, chứng chỉ thì dễ nhưng đảm bảo chất lượng chương trình đào tạo dẫn tới cấp chứng nhận mới thực là là khó, là một điều đáng phải suy nghĩ nhiều nhất.
“ Giấy chứng nhận nghề nghiệp nhà giáo không phải là một giấy phép con. Việc cấp giấy chứng nhận này đảm bảo nguyên tắc đơn giản, miễn phí và sử dụng suốt đời”, ông Vũ Minh Đức , Cục trưởng cục Nhà giáo (Bộ GD&ĐT) nhấn mạnh.
Trao đổi với báo chí, TS. Vũ Minh Đức, Cục trưởng cục Nhà giáo (Bộ GD&ĐT) cho biết, Bộ đang lấy ý kiến tham vấn từ các cơ quan chuyên môn, chuyên gia, đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục… để xây dựng dự án Luật Nhà giáo. Trong nhiều nội dung được đưa ra bàn thảo, lấy ý kiến có quy định nhà giáo phải có giấy chứng nhận nghề nghiệp.
Ông Vũ Minh Đức nhấn mạnh, giấy chứng nhận nghề nghiệp thể hiện năng lực của đội ngũ nhà giáo. Đồng thời sẽ thay thế cho hai giấy tờ quan trọng: Quyết định công nhận hết thời gian tập sự của giáo viên và giấy chứng nhận hoàn thành bồi dưỡng tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp.
Lãng phí, không cần thiết
Trước thông tin mà Bộ GD&ĐT đưa ra thì giấy chứng nhận nghề nghiệp nhà giáo là văn bản do cơ quan quản lý giáo dục có thẩm quyền của Việt Nam cấp cho người đạt chuẩn nghề nghiệp nhà giáo, đáp ứng yêu cầu để hoạt động nghề nghiệp.
Về vấn đề này, cô Đỗ Thùy Dung- một giáo viên có thâm niên đi dạy hơn 20 năm cho biết, nếu như đại diện Cục Nhà giáo nêu, giấy chứng nhận này thay thế cho quyết định công nhận hoàn thành chế độ tập sự và chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp nhà giáo hiện nay thì cũng phù hợp.
Tuy nhiên, vị giáo viên này băn khoăn có những giáo viên sắp về hưu không có chứng chỉ chức danh nghề nghiệp thì lại phải thi thì bất cập.
“Nếu giáo viên ở độ tuổi sắp về hưu lại phải đi học, đi thi để lấy chứng chỉ thì bất cập quá. Hồi trước chúng tôi đi học, thi mất 2,5 triệu đồng. Vậy nếu đã thi liệu có thể không ôn, không đi học không thì cần được thông tin tới giáo viên cho rõ”- vị giáo viên này nói.
Một vị hiệu trưởng của trường THCS ở Hà Nội cho biết, sao lại bắt giáo viên phải có chứng chỉ nghề nghiệp? Người ta đã tốt nghiệp sư phạm hoặc có chứng chỉ sư phạm rồi mà?
“Thêm một loại giấy tờ là thêm việc. Sao cứ mỗi lúc lại một thay đổi? Cái chứng chỉ chức danh nghề nghiệp cũng phải bỏ tiền, bỏ thời gian học mà nó không phục vụ được nhiều cho chuyên môn của giáo viên. Và quan trọng là thêm một thứ thủ tục”- vị hiệu trưởng này chia sẻ.
Cô Nguyễn Thị Huyền Thảo, giáo viên trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa (TPHCM) cho rằng, việc có giấy chứng nhận nghề nghiệp nhà giáo là không cần thiết.
Vì theo cô Thảo, tốt nghiệp đại học đã đủ và nó được xem là giấy thông hành. Giấy phép hành nghề. Việc cấp giấy hành nghề hay chứng nhận chỉ dành để bồi dưỡng cho những sinh viên hay người tốt nghiệp ở các ngành khoa học cơ bản khi muốn hay có nhu cầu tham gia vào đội ngũ thầy cô giáo để thực hiện hoạt động dạy học.
Thêm vào đó, theo cô Thảo, việc học để chuyển đổi thăng hạnh giáo viên hiện nay cũng đòi hỏi giáo viên phải tham gia lớp học bồi dưỡng lấy chứng chỉ để đủ điều kiện xét thăng hạng mà chương trình học cũng không khác gì nhiều như chương trình bồi dưỡng thường xuyên mà Bộ đã và đang triển khai trong nhiều năm qua.
"Đối với cá nhân tôi thật sự lãng phí và không cần thiế"- giáo viên này nêu quan điểm.
Thầy Ngô Xuân Quỳnh, giáo viên dạy Hóa trường THPT Phan Đình Phùng (Hà Nội) cho rằng, theo quan điểm cá nhân thầy thì đây cũng là một điều tốt, nó thay thế cho quyết định tập sự và chứng chỉ bồi dưỡng nghề nghiệp hiện nay (theo thông tin mà bộ đã đưa ra).
Tuy nhiên, theo thầy Quỳnh, điều mà giáo viên như thầy đang băn khoăn nhất đó là cách tổ chức, quản lý vấn đề này sẽ như thế nào cho hiệu quả. Bởi việc cấp chứng nhận, chứng chỉ thì dễ nhưng đảm bảo chất lượng chương trình đào tạo dẫn tới cấp chứng nhận mới thực là là khó, là một điều đáng phải suy nghĩ nhiều nhất.
Bởi nó chính là chìa khóa để cho các thầy cô giáo tin tưởng và thấy được ý nghĩa của giấy chứng nhận. Chúng ta cần có 1 cái nhìn nhận về sự khác biệt giữa trình độ học vấn theo bằng cấp và trình độ chuyên môn nghề nghiệp.
Cũng theo thầy Quỳnh, sẽ có nhiều người băn khoăn khi đã tốt nghiệp trường Đại học sư phạm thì sao phải cần tới giấy chứng nhận này. Trước kia khi sinh viên ra trường để được làm giáo viên chính thức cho 1 trường công thì phải cần 1 năm tập sự thì mới được chính thức bổ nhiệm vào ngạch, nay giấy chứng nhận này nó sẽ thay thế cho việc tập sự 1 năm đó (điều này ở các trường dân lập không có).
Thầy Quỳnh chia sẻ, chúng ta cũng cần phải có sự thừa nhận là sẽ luôn có một khoảng cách về năng lực của người tốt nghiệp về mặt học thuật và kĩ năng giảng dạy thực tế. Tại các trường sư phạm tuy các em sinh viên đã được học tập và rèn luyện về kỹ năng, phương pháp dạy học trong vấn đề thiết kế bài giảng, … quản lý lớp học, ứng xử với học sinh và đồng nghiệp; nhưng điều này vẫn sẽ có sự khác nhau khi trải nghiệm thực tế, với sự đa dạng của học sinh, đặc điểm của từng vùng miền khác nhau.
Cũng theo thầy Quỳnh, với thời gian học tập 4 năm ở bậc đại học, sau đó là đi tới các trường phổ thông để kiến tập và thực tập trong một vài tháng cũng vẫn chưa đủ để các em sinh viên có nhiều kinh nghiệm, rút ngắn khoảng cách giữa lý luận và thực tiễn trong vấn đề dạy học.
Các giáo viên dạy tự do thế nào?
“Vấn đề mà bản thân tôi đang băn khoăn nữa đó là vấn đề quản lý việc dạy học bên ngoài nhà trường hiện nay. Ví dụ có rất nhiều người học xong ĐH Bách Khoa, Xây dựng, Kinh tế, Ngoại thương, … đang đứng lớp giảng dạy thêm bên ngoài cho các em học sinh thì giấy chứng nhận này sẽ có những tác động hay gắn điều gì với họ hay không? Hay chỉ áp dụng cho các giáo viên giảng dạy tại các trường phổ thông và đại học?’”- thầy Quỳnh băn khoăn.
Thầy Quỳnh cũng đặt câu hỏi, giấy này gọi là chứng chỉ hành nghề mà chỉ cấp cho giáo viên trường công, tư thì giáo viên dạy ngoài các đơn vị trường, dạy tự do sẽ như thế nào?
“Liệu họ có cách nào để được cấp giấy phép? Liệu có đơn vị nào sẵn sàng đứng ra cấp giấy phép cho đối tượng giáo viên tự do tự mở lớp không qua trường hay trung tâm? Liệu giá trị của giấy này có hiệu lực nếu giáo viên tự do không bằng cấp cũng không giấy hành nghề tự mở lớp dạy tự do? Ai hay đơn vị nào sẽ kiểm tra và kiểm soát việc nhiều người không bằng cấp sư phạm vẫn tự mở lớp ầm ầm”- vị giáo viên này cho biết.