“Nhà giả kim” và những giấc mơ trong sa mạc

Thùy Linh,
Chia sẻ

“Ai cũng biết người khác nên sống như thế nào, nhưng lại không hiểu mình nên sống ra sao” - Paolo Coelho

Nhà giả kim
 
Tác giả: Paulo Coelho
 
NXB. Phụ nữ 
 

  
Không hiểu sao trong lòng tôi luôn dấy lên nỗi sợ hãi mơ hồ - về những điều đã qua, về những gì còn chưa đến. Một đôi lần trong giấc mơ tôi vẫn thổn thức tiếng gọi của con tim, nhưng chỉ phút chốc thôi, rồi nó lại bị vùi lấp bởi những ám ảnh và định kiến - với tôi, những gì người ta ước mơ vốn dĩ luôn ngoài tầm tay với.

Cuốn tiểu thuyết mà tôi muốn chia sẻ với bạn là câu chuyện về một chàng trai trẻ mang tên Santiago. Lớn lên trong hoàn cảnh khổ nghèo nhưng cậu luôn mơ ước được chu du khắp thế giới, với thứ tài sản duy nhất là một đàn cừu. Ngày này qua tháng nọ, cậu chỉ có một công việc là chăn cừu, và khi xua được chúng đến ngôi nhà thờ vốn đã hoang phế và cũ kĩ thì cũng là lúc trời vừa sẫm tối. 

Santiago vẫn thường nằm mơ thấy một đứa bé dẫn cậu đến chân Kim tự tháp và bảo rằng nơi đây chôn vùi một kho báu lớn. Cậu quyết định từ bỏ đàn cừu đã gắn bó với mình suốt bao năm để lên đường tìm sang Ai Cập. Ngay cả khi số tiền ấy bị lừa hết sạch, phải lau chùi những chiếc ly pha lê phủ bụi để đổi lấy chút thức ăn, cậu vẫn cố gắng theo đoàn lữ hành miệt mài về một nơi xa xôi và huyền bí...


Khi đến một ốc đảo, Santiago được khuyên nên dừng chân bởi phía trước cậu là chiến tranh giữa các bộ tộc. Và tình yêu với Fatima cũng đã khai sinh nơi ốc đảo này, cậu đã yêu cô gái trên sa mạc ấy ngay từ cái nhìn đầu tiên. Rồi cũng chính cái nhìn định mệnh ấy khiến cậu phải rơi vào sự lựa chọn: ở lại cùng tình yêu hay dừng lại và hối hận vì không lên đường thực hiện ước mơ mà mình luôn trăn trở?

Tôi đã từng hồi hộp không biết con đường gian nan kia sẽ dẫn cậu đi đến đâu. Tương lai thì vẫn còn mờ mịt nhưng cậu đã học được rất nhiều điều. Dọc suốt hành trình đơn lẻ của Santiago, những triết lý về cuộc đời được nhà văn gửi gắm rất nhẹ nhàng qua từng câu chữ. Đoạn đường mà Santiago đánh đổi bằng đàn cừu - gia sản của mẹ cha và bằng cả tình yêu với Fatima là cuộc hành trình đi tìm “truyền thuyết của bản thân”, đi tìm mục đích sống như lời ông già Melchizedeck từng khuyên cậu.


Có lẽ bạn nghĩ rằng hành động kia thật ngu ngốc, và chính bản thân tôi cũng từng nghĩ vậy. Bởi thực tế Santiago đã chẳng tìm thấy vàng ở Ai Cập. Cậu đào mãi... đào mãi cho đến khi nỗi mệt mỏi thấm dần trong từng thớ thịt mà vẫn không thấy vàng đâu cả. Tiếng cười nhạo ngày nào của những tên cướp dưới chân Kim tự tháp cứ vang mãi trong đầu tôi - "Ai lại vượt sa mạc vì một giấc mơ kia chứ? Chính bọn ta cũng đã từng mơ đến một kho báu ở trong ngôi nhà thờ nhỏ..."

Và bạn biết không? “ngôi nhà thờ nhỏ” mà bọn cướp nhắc đến chính là nơi mà Santiago vẫn thường lưu lại nghỉ ngơi với đàn cừu thuở trước. Câu chuyện kết thúc bất ngờ khi cậu quay về chốn cũ, để rồi nhận ra đâu mới thực sự là kho báu của đời mình... Tuy nhiên, cái kết về một hạnh phúc tuyệt vời ngay tại quê nhà - ngay tại nơi gắn bó với mỗi người - vẫn chưa phải là ngụ ý sâu xa duy nhất mà nhà văn thiên tài Paolo Coelho gửi gắm!


Là một cuốn tiểu thuyết với văn phong giản dị, lối dẫn chuyện nhẹ nhàng như những câu chuyện cổ tích thần tiên, “Nhà giả kim” đã đưa ta đến với một triết lý sâu sắc và thấm đẫm chất thơ - “Khi anh thực sự mong muốn một điều gì, cả vũ trụ sẽ hợp lại để giúp anh đạt được giấc mơ ấy”. Kho báu thực sự nằm ngay dưới chân Santiago, rõ ràng nó ở trong tầm tay và cậu đâu cần phải đi xa để đối mặt với hiểm nguy nhiều đến vậy? Thế nhưng nếu không dám can đảm bước đi để giải mã giấc mơ thì liệu cậu có thể tận mắt ngắm nhìn vẻ đẹp kì vĩ của Kim tự tháp? Liệu cậu có thể tìm được một tình yêu ngọt ngào như cổ tích với Fatima?

Lại nói về tình yêu, cuốn tiểu thuyết đã thực sự làm tôi hiểu ra rất nhiều điều mà trước đây tôi vẫn thường lầm tưởng. Người ta vẫn thường mắc sai lầm khi xem tình yêu là vật cản trên con đường thực hiện hoài bão. Ta sợ sẽ làm người yêu đau lòng khi từ bỏ tất cả để miệt mài tìm kiếm giấc mơ. Bạn thân mến, hãy thử một lần biến tình yêu trở thành động lực, như Fatima đã từng động viên Santiago bước tiếp trên sa mạc. Bởi vì đối với cô gái ấy, sự chấp nhận thiệt thòi trong tình yêu là minh chứng cho câu nói mà nhà văn gửi gắm - “Người ta yêu là bởi vì người ta được yêu. Không cần lý do nào cả”.


Ra đời năm 1988, “Nhà giả kim” được dịch sang hơn 50 thứ tiếng và đã lay động trái tim bao người. Nó trở thành một trong cuốn tiểu thuyết tuyệt vời nhất của Paolo Coelho. Câu chuyện dung dị ấy thúc giục bao người đã, đang và sẽ quyết tâm biến giấc mơ thành hiện thực.

Khi nhớ lại những dòng kết của câu chuyện - một làn gió từ nơi xa lướt qua mang theo nụ hôn đầu tiên của cô gái đặt lên môi và Santiago thì thầm: “Anh đến đây, Fatima”... thì cũng là lúc mà tôi muốn nói với các bạn - “cuốn tiểu thuyết thật tuyệt vời”!
Chia sẻ