"Nhà của thời thơ ấu" ở Sài Gòn: Ngôi nhà mộng mơ mang ta về những ngày tuổi thơ đẹp nhất
Nhà của thời thơ ấu tựa như một trường làng mộc mạc giữa lòng Sài Gòn, nhưng mọi người vẫn thích gọi đây là nhà. Ngôi nhà này là nơi để trẻ em tạm xa rời công nghệ, ngồi chơi với nhau và để người lớn được sống lại những ngày tuổi thơ đẹp nhất.
Có đôi lần chán chường với những bon chen, lọc lừa của thị thành, tôi ước gì được nhắm mắt ngủ thật sâu để khi tỉnh dậy thấy mình đang được ngồi bên lũ trẻ trong xóm ngày ấy, vô tư vô lo chơi những trò chơi thơ dại, được thấy bố và mẹ còn trẻ măng cười tíu tít bên mâm cơm chiều, thấy ngoại ngồi ngoài hiên uống trà nghe radio, và nghe gió từ những cánh đồng thổi về êm ru...
Vậy đó đôi khi tôi vẫn ước cuộc sống hôm nay cũng cứ nhẹ nhàng và hồn nhiên như cái thời thơ dại.
Những ngày tuổi thơ vô tư vô lo trôi qua nhưng mây trời.
Nhà của thời thơ ấu: Căn nhà đầy mộng mơ giữa lòng Sài Gòn
Thị thành ngày một phát triển theo một cách nào đó, hiện đại hơn, sung túc hơn, nhưng cũng khắc nghiệt hơn. Và rồi tuổi thơ của tụi nhỏ ở cái nơi phồn hoa này cũng dần thu hẹp. Ngoài những buổi học nối tiếp nhau từ sáng đến tối mịt, phần đông con nít chỉ biết dán mắt vào màn hình điện thoại hay máy tính để giải trí, chúng chẳng còn màng đến việc khám phá thế giới xung quanh hay đơn giản là tương tác với nhau.
Giữa lòng Sài Gòn có một ngôi trường đặc biệt, nó được dựng lên từ tình yêu thương của những thầy giáo, cô giáo và phụ huynh luôn mong muốn đem đến một tuổi thơ trọn vẹn cho những đứa trẻ thời hiện đại. "Nhà của thời thơ ấu" đôi khi chẳng giống một ngôi trường, mọi người gọi đây là nhà - nơi thời gian ngừng lại giữa những tất bật của phồn hoa, nơi lũ trẻ đặt điện thoại xuống để ngồi chơi với nhau và là nơi để người lớn hồi tưởng về những ngày tuổi thơ tuyệt đẹp.
Học viện nghệ thuật ALU - Nhà của thời thơ ấu.
"Có bao nhiêu người trong chúng ta nghĩ rằng tuổi thơ của các bạn nhỏ bây giờ hạnh phúc giống chúng ta ngày trước. Đó là lý do thời gian gần đây chúng ta luôn tìm về những hoài niệm, xưa cũ. Xưa cũ có thể đầy đủ có thể thiếu thốn, có thể là câu chuyện vui hoặc có thể là câu chuyện buồn. Nhưng khi nhắc về những điều cũ xưa mọi người luôn cảm thấy hạnh phúc. Ở Nhà của thời thơ ấu chúng tôi mong muốn mang đến một không gian thật sự hạnh phúc, để các em nhỏ và phụ huynh tạm xa rời công nghệ một chút và hiểu nhau nhiều hơn" - thầy Luân chia sẻ về những mong muốn của ngôi trường bé nhỏ.
Trẻ em giờ đây bị phụ thuộc khá nhiều vào công nghệ.
Ngôi nhà tường vàng gạch bông mang đậm chất Sài Gòn của những năm 60 chứa đựng rất nhiều kỷ vật của phụ huynh đem đến nào là chiếc máy ảnh du lịch, búp bê nhựa, cây ná gỗ, bộ truyện tranh... Đằng sau mỗi món đồ luôn chứa đựng những kỷ niệm đẹp. Nhà của thời thơ ấu là nơi để các em nhỏ tìm đến sau những giờ học văn hoá trên trường. Ở đây các em được trò chuyện với nhau, học những kỹ năng mềm và chơi những trò chơi dân gian. Những trò như ô ăn quan, domino, cờ cá ngựa, banh đũa... tưởng chừng đã lỗi thời nhưng lại được các em nhỏ rất thích thú.
Nhà đem đến một không gian gần gũi cho những đứa trẻ có cơ hội chơi đùa với nhau.
Sống lại những ngày trẻ dại đẹp nhất
Chị Quỳnh Hương và anh Luân đã cùng nhau lên ý tưởng về Nhà của thời thơ ấu khi được truyền cảm hứng các bạn trẻ ở Nhà của thời thanh xuân (Đà Lạt). Anh chị xây dựng lên ngôi nhà nhỏ xinh này với mục đích đầu tiên là để thoả ao ước được sống lại những ngày tuổi thơ hạnh phúc.
Chị Hương và anh Luân cùng nhau lên ý tưởng về Nhà của thời thơ ấu.
Nhưng các thầy cô chỉ thật sự hạnh phúc khi được nhìn những đứa trẻ thích thú chơi đùa trong ngôi nhà. "Tuổi thơ của mỗi con người rất ngắn ngủi, đó là quãng thời gian quan trọng để định hình tính cách khi trưởng thành. Thế nên các con cần có môi trường để phát triển một cách hoàn thiện con người mình" - chị Quỳnh Hương tậm sự.
Để hoàn thành được Nhà của thời thơ ấu, mọi người đã cùng nhau làm việc trong một thời gian dài để tìm lên ý tưởng, thiết kế, thi công và tìm mua những món đồ xưa cũ. Chị Hương cho biết tiền thân của ngôi nhà này là trụ sở của Hội bảo trợ trẻ em nghèo do Chính phủ Đan Mạch tài trợ, thế nên nơi này luôn đầy ấp những tình yêu thương.
Ở Nhà, phụ huynh và con cái có dịp ngồi chơi với nhau.
Tốn nhiều thời gian nhất có lẽ là việc phải đi kiếm những vật dụng của của thế kỷ trước. Từ những viên gạch bông, tủ gỗ, ghế gỗ, ghế mây... tất cả những vật dụng đều được tỉ mỉ lựa chọn để tạo sự thân thuộc. Chị Hương đã đi gần như khắp Sài Gòn để tìm mua những cánh cửa gỗ, hay những viên gạch Nữ Hoàng của Pháp, rồi vào chợ đồ cổ để tìm máy hát đĩa than, loa thùng... lặn lội đến gặp những người thợ thủ công lớn tuổi để đặt làm chiếc ghế bông sen với lời mô tả rất ngây ngô: Chiếc ghế tròn tròn mà người ta để trong tiệm chụp hình, hồi nhỏ đứa nào cũng cởi truồng leo lên đó chụp một tấm kỷ niệm.
Mọi ngóc ngách trong nhà đều một một khung trời tuổi thơ.
"Điều chị mừng nhất là chị đã đem được cái gác-măng-giê của bà ngoại đến nhà của thời thơ ấu. Bằng tất cả tình yêu thương và tâm huyết chị và anh Luân luôn mong muốn chia sẻ tuổi thơ tuyệt đẹp của mình đến với các em nhỏ" - chị Hương nói.
Ở trong nhà có một bức tranh lớn được vẽ dựa trên nội dung bài hát Kỷ niệm của nhạc sỹ Phạm Duy, đây là bài hát gắn liền với tuổi thơ của chị Hương. Chị kể: "Hồi xưa nhà không có tivi, buổi tối ba hay ngồi đọc báo, lúc đó ba chị lại mở cái băng cát-sét của một người bạn tặng, và bài Kỷ niệm là bài đầu tiên của cuốn băng đó".
Bức tranh được vẽ từ nội dung bài hát Kỷ niệm của nhạc sĩ Phạm Duy.
Tôi còn nhớ có lần nhạc sỹ Phạm Duy đã chia sẻ về bài hát Kỷ niệm như thế này: "Chán chường trước sức mạnh của đồng tiền đã tha hoá mọi người, tôi muốn rơi vào những kỷ niệm tuổi thơ, muốn sống lại một cuộc đời dung dị, mộc mạc nhưng rất đẹp và đầy bản ngã"
Cho tôi lại ngày nào
Trăng lên bằng ngọn cau
Me tôi ngồi khâu áo
Bên cây đèn dầu hao
Cha tôi ngồi xem báo
Phố xá vắng hiu hiu
Trong đêm mùa khô ráo
Tôi nghe tiếng còi tàu...
(Trích bài hát Kỷ niệm)