Nhà báo Thu Hà: Không phải "cần câu" hay "con cá", đây mới là thứ quan trọng nhất cha mẹ cần trao cho con

Mẹ Xu Sim,
Chia sẻ

Dù cho con cần câu hay cho con con cá, thì cũng không bằng cho con khát vọng đi câu. Con phải ham đi ra, ham khám phá, ham học hỏi và hướng thượng. Con phải thấy việc du học là ước muốn của mình, chứ không phải ước muốn của bố mẹ.

Lại vừa gặp mấy bạn phải ngừng du học để quay về giữa chừng. Một bạn thì cả ngày chỉ đóng cửa trong phòng, mắt nhìn bố mẹ như người dưng. Đồ ăn ba mẹ nấu mang lên lặng lẽ để ngoài cửa, không biết khi nào con mở cửa ra lấy vào ăn. Mẹ chỉ biết khóc và chờ đợi.

Một bạn thì may mắn hơn, đã hoà nhập trở lại với trường online tại Việt Nam. Hai mẹ con tới buổi toạ đàm của mình, thỉnh thoảng trúng ý lại nhìn nhau cười tủm tỉm. Mẹ kể, “những tháng đầu không có được thế này đâu. Hành trình gian nan lắm em ơi!”.

Du học không phải là một cuộc vui. Du học là một sự đầu tư chiến lược để thay đổi chính tương lai cuộc đời mình nên nếu thiếu hiểu biết và sự chuẩn bị thì ở nhà còn an toàn hơn.

Chúng ta mới chỉ đang chú ý tới điểm SAT, điểm TOEFL mà chưa chuẩn bị toàn diện. Ba mẹ có biết rằng phía sau những câu “Không sao đâu!”,“Con ổn lắm”, “Ở bên này oki mà”… là rất nhiều những giọt nước mắt? Ba mẹ có biết những lúc con vật vã nhớ nhà, thiếu thốn tình cảm đến phát điên? Những đêm cuối tuần, Giáng Sinh tan ca lúc 1-2h sáng, bắt chuyến xe buýt cuối ngày về nhà ngủ vật để chuẩn bị cho ca làm tiếp theo vào ngày mai.

Mỗi năm hàng ngàn học sinh đóng va ly để đi du học. 

Thầy Hoài Chung nói: 

Khi đóng học phí cho con, nghĩa là phụ huynh đang mua môi trường mới cho con mà ở Việt Nam không có bán.

- Đó là chương trình học đa dạng cho con tự do lựa chọn để phát triển đam mê và tiềm năng, ước mơ của mình.

- Đó là cơ sở vật chất để làm thí nghiệm khoa học, luyện tập thể chất trong phòng gym, hồ bơi, sân vận động, trình diễn văn hoá nghệ thuật, nghiên cứu sách trong thư viện...

- Đó là thầy cô giỏi sẵn sàng giúp ngoài giờ học và hướng dẫn giới thiệu thêm dự án/cuộc thi cho học sinh muốn xây dựng thêm hồ sơ.

- Đó là sự liên kết với các tổ chức/công ty bên ngoài để học sinh phát triển bản thân.

- Đó là tổ chức hoạt động gắn kết cộng đồng để học hỏi lẫn nhau.

Và không phải chỉ có điểm số cao, thành tích tốt, hồ sơ tài chính đẹp, mà cực kỳ quan trọng là con phải có “Thói quen” phù hợp để sống 1 mình ở một nơi rất xa, rất lạ, rất văn minh.

Nhà báo Thu Hà: Không phải "cần câu" hay "con cá", đây mới là thứ quan trọng nhất cha mẹ cần trao cho con - Ảnh 2.

Không phải "cần câu" hay "con cá", đây mới là thứ quan trọng nhất cha mẹ cần trao cho con (Ảnh minh họa).

Nhà văn Mỹ Octavia Estelle Butler từng nói: 

Thói quen đáng tin cậy hơn. Thói quen sẽ dẫn chúng ta đi tiếp cho dù có được truyền cảm hứng hay không. Thói quen luôn bền vững". Và thói quen thì phải rèn luyện ít nhất trước khi đi 1 đến 2 năm, thậm chí từ nhỏ.

1. Thói quen ăn uống: Dễ tính và đa dạng, món Âu, Á, Ấn, đồ ăn nguội, bánh mỳ. Nhiều bé rất kén ăn, luôn từ chối thử món ăn mới. Có nhiều mẹ khoe một cách tự hào: "Con em chỉ có em nấu thì mới chịu ăn thôi". Đó là "lực cản", không phải ưu điểm!

2. Thói quen sống tự lập, văn minh: Trước khi đi xa, con phải có thói quen rửa chén bát, dọn giường, gập chăn màn quần áo, vệ sinh cá nhân, biết chà WC, giữ vệ sinh chung, biết tính toán chi tiêu, quản lý tiền bạc và thời gian, biết lên kế hoạch, mục tiêu từng ngày từng tuần từng tháng, biết nói điện thoại nhỏ tiếng, biết xếp hàng, giữ cửa cho người đi sau, biết giúp đỡ người khác...

3. Thói quen chia sẻ và kết nối với người khác: Làm quen với người lạ, chia sẻ khi nhìn thấy họ gặp khó khăn. Và tập lên tiếng tìm sự giúp đỡ khi mình có khó khăn.

Ngay từ bây giờ ở nhà, ba mẹ đã phải tập nghe để con bộc lộ. Khi con than buồn, than chán, hay con lo lắng, sợ hãi đừng gạt đi, đừng la mắng… Vì con có thể sẽ quen thu mình, rồi sa vào cô đơn và mất định hướng.

Sức khỏe tâm lí (mental health) là vấn đề rất quan trọng. Nhiều du học sinh đã phải quay về vì không thể hòa nhập, stress, lạc lõng, trầm cảm.

4. Thói quen hỏi và nói tiếng Anh “bất chấp” mắc lỗi: Hãy tập cho con sự tự tin, ham học hỏi, không ngại giao tiếp.

Lớp Xu Sim cũng có những bạn rất giỏi tiếng Anh, nhưng không giao tiếp tốt, rồi hay bị bạn bè bắt nạt, thậm chí có lần còn bị tụi bạn lôi vào nhà vệ sinh nam tụt quần ra trêu chọc, ngày nào cũng khóc.

5. Về tâm thế: Dù cho con cần câu hay cho con con cá, thì cũng không bằng cho con khát vọng đi câu. Con phải ham đi ra, ham khám phá, ham học hỏi và hướng thượng. Con phải thấy việc du học là ước muốn của mình, chứ không phải ước muốn của bố mẹ.

Nói chung, những trường hợp du học thành công, mình thấy cá nhân học sinh đó và cả bố mẹ họ đều dày công. “Đằng sau những bạn trẻ sáng láng, ưu tú, dễ mến, là hàng nghìn giờ luyện tập bền bỉ của gia đình bạn ấy đấy ạ”.

Vài nét về tác giả:

Chị Thu Hà là một nhà báo hiện đang sống và làm việc ở TP HCM, đồng thời là tác giả cuốn sách: "Con nghĩ đi, mẹ không biết". Chị là mẹ của hai cô con gái vô cùng đáng yêu, cá tính là Xu và Sim. Tự nhận mình là một người mẹ không hoàn hảo và mắc nhiều sai lầm khi nuôi dạy con, nhưng chị coi đó là những bài học lớn của mình để thay đổi và trở thành một người bạn đồng hành thực sự cùng con lớn lên.

Độc giả có thể đọc thêm các bài viết thú vị của mẹ Xu Sim tại đây.

Chia sẻ