Bà mẹ có con gái du học từ khi 8 tuổi, nói được 4 thứ tiếng chia sẻ các bước dạy con nhanh biết đọc
Khi được làm quen với sách từ nhỏ, được bố mẹ đọc sách cho nghe... dần dần các bé sẽ tự biết đọc từ lúc nào không hay.
Chị Trần Bích Hà - người từng đi rất nhiều nơi, tiếp cận với cách giáo dục của nhiều nước tiên tiến trên thế giới và có nhiều bài viết tâm huyết chia sẻ cách nuôi dạy con tự lập từ nhỏ. Con gái chị - Phạm Trần Minh Thu 10 tháng tuổi đã tự biết xúc ăn, 8 tuổi tự quyết định sang Anh du học, 16 tuổi tự tin chuyển trường từ London sang bờ Tây nước Mỹ, nói được lưu loát 4 ngôn ngữ. Chị Bích Hà đã chia sẻ các bước từng áp dụng để giúp con nhanh biết đọc khi còn nhỏ:
1. Đọc cho trẻ nghe
Quá trình dạy trẻ đọc thực sự phải bắt đầu từ khi trẻ còn ẵm ngửa. Việc này không chỉ làm tăng tình cảm của bạn và con mà còn giúp cả bạn và bé yêu đọc sách hơn.
Tôi bắt đầu đọc sách cho con gái nghe ngay từ ngày đầu tiên sau khi hai mẹ con từ bệnh viện sản khoa về nhà. Thường thì hai mẹ con nằm ngửa, tôi giơ sách lên cách mắt con quãng 20 cm, vừa đọc rõ ràng từng từ, vừa dùng ngón tay chỉ vào dưới từ mình đọc. Sách dành cho trẻ sơ sinh thường chỉ dày 2 – 4 trang, với nhiều hình vẽ to, mỗi trang chỉ có một vài chữ in to và rõ.
Đọc cho trẻ nghe bao nhiêu hoàn toàn tùy thuộc vào điều kiện của bạn và gia đình, nhưng hãy cố gắng đọc 3 đến 4 lần mỗi ngày (mỗi lần có thể chỉ kéo dài 5 phút). Khi trẻ lớn hơn và có thể ngồi yên một lúc, hãy cố gắng đọc sách cùng nhau ít nhất 20 – 30 phút mỗi ngày.
Dưới đây là một số dạng sách mà bạn nên đọc cho con. Nhưng quan trọng hơn cả là hãy cứ đọc bất cứ cuốn sách nào bé cảm thấy thích đọc cùng bạn:
- Mới sinh – 1 tuổi: sách hát ru, sách bằng tranh ảnh (ảnh thật), sách bằng vải, sách bài hát.
Bé Minh Thu - con gái chị Bích Hà được mẹ cho làm quen với sách từ rất sớm (Ảnh: Trần Bích Hà).
- 1 -3 tuổi: Sách bài hát, sách thơ, sách có những câu chuyện ngắn
- 3-5 tuổi: sách chữ cái, sách bài hát, sách tranh ảnh, sách thơ.
2. Đặt ra các câu hỏi
Khi bé chưa biết nói, hãy hỏi bé các câu hỏi trong khi đọc, điều này không chỉ giúp bé tương tác với sách tốt hơn và còn phát huy khả năng nhận thức một cách hiệu quả.
Kinh nghiệm của tôi với con gái Minh Thu là:
- Trước khi đọc: cho bé xem bìa sách, nói bé đoán xem cuốn sách nói về cái gì. Bé trả lời ra sao, tùy bé, vì đây là cách luyện cho bé trí tưởng tượng, cũng như logic đoán sự việc dựa trên hình ảnh.
- Khi đang đọc, hãy hỏi bé xem các nhân vật định sẽ làm gì và vì sao các nhân vật lại hành động như vậy. Khi một nhân vật có đặc điểm cá tính nổi bật nào, hãy giải thích cho bé và hỏi về cảm giác của bé, đã khi nào bé cảm thấy như vậy chưa.
- Đến cuối cuốn sách, hãy gợi ý để bé tự rút ra kết luận xem câu chuyện có đúng như bé dự đoán không. Sau đó, hãy hỏi bé các câu hỏi về nội dung câu chuyện, cuối cùng nói bé kể lại cho bạn nghe câu chuyện đó. Hãy để bé kể, nếu bé quên, bạn có thể gợi ý để bé nhớ lại, không bao giờ được ngắt lời bé.
Bạn hãy linh hoạt sử dụng những kĩ thuật này trong khi đang đọc cùng bé, đây là cách tuyệt vời để nâng cao hiểu biết và phát triển trí tuệ cũng như nhận thức của trẻ.
Chị Bích Hà và con gái Minh Thu.
3. Hãy trở thành một tấm gương đọc sách cho con
Ngay cả khi con bạn đã từng rất thích đọc sách từ khi còn nhỏ, thì sự hứng thú của bé cũng sẽ dần mất đi khi nhận ra đọc sách không phải là một thói quen hàng ngày trong gia đình. Nếu bạn quả thực không có hứng thú gì với sách thì hãy cố gắng để con của bạn nhìn thấy bạn đang đọc sách ít nhất vài phút mỗi ngày.
Từ khi con gái tôi biết đọc, ngoài việc vẫn tiếp tục đọc cho con nghe ít nhất 2-3 lần/ngày, tôi dành khá nhiều thời gian tĩnh lặng ngồi cùng con trong một phòng, mẹ đọc sách của mẹ, con tự đọc sách của con. Dần dần, tôi nhận thấy, hễ tôi lấy sách ra đọc, thì con gái cũng vội vàng tìm sách rồi ngồi cạnh mẹ, ê a đọc sách của bé rất chăm chú.
4. Nhận diện chữ cái một cách tự nhiên
Trước khi sinh, bạn có thể viết và treo những chữ cái bằng gỗ là tên của từng người trong nhà lên một cái giá để trang trí các phòng. Bạn không thể đoán được rằng những miếng gỗ này lại khiến khiến các bé thích thú học hỏi đến thế nào đâu! Khoảng sau 2 tuổi, các bé bắt đầu hỏi những chữ cái để đánh vần tên bé, rồi các bé tự học cách đánh vần tên của mình và tên của mọi người trong nhà.
Hồi con gái Minh Thu còn nhỏ, trong phòng nào của nhà tôi cũng có một vài cái bảng thấp vừa tầm đứng hoặc ngồi của bé, cùng với bút đủ màu để bé có thể tự vẽ hoặc viết bất cứ cái gì bé thích. Cũng nhờ thế, bé chẳng bao giờ bôi vẽ bẩn lên tường nhà.
5. Kết hợp nhiều giác quan khi đang học
Trẻ em học tốt nhất khi sử dụng nhiều giác quan cùng lúc. Một khi trẻ bắt đầu tỏ ra thích thú với chữ cái, hãy lồng thêm các hoạt động, kết hợp nhiều giác quan nhất có thể. Hãy nhớ rằng, tên của chữ cái không quan trọng bằng chữ cái đó phát âm ra sao.
Có rất nhiều cách để bé nhận ra các chữ cái từ khi còn nhỏ. Các trò chơi xếp chữ cái giúp trẻ nhận diện được hình dáng của chữ, dùng chúng để học phát âm, kết hợp với các trò dán, cắt,… Và đừng quên rằng trẻ em rất thích thơ, nhạc. Bạn hãy tìm hiểu xem bé thích hoạt động kiểu nào và chơi với bé để bé phát huy nhiều khả năng khác nhau.
6. Phân loại sách
Khi trẻ khoảng 5 tuổi, hãy bắt đầu dạy cho bé hiểu về các loại sách khác nhau khi bạn đọc sách cùng bé. Điều này nghe có vẻ phức tạp, nhưng thực ra khá đơn giản. Đây là 5 loại sách thông dụng cho trẻ em:
Phân loại sách là hoạt động có tác dụng kích thích não bộ của trẻ phát triển tốt (Ảnh: Trần Bích Hà).
- Sách không có yếu tố tưởng tượng (câu truyện thật về động vật, con người, nơi chốn,..).
- Sách có yếu tố tưởng tượng (câu truyện không có thật, có phép thuật, động vật biết nói,…).
- Sách vừa có yếu tố tưởng tượng vừa có yếu tố hiện thực (một câu truyện không có thật nhưng có thể xảy ra trong cuộc sống).
- Sách chữ cái.
- Sách bài hát.
Khi trẻ biết tự biết phân loại sách, trẻ sẽ có thể tóm tắt cuốn sách trong đầu và nhớ lại các tình tiết. Sau đó, chúng phải dùng các thông tin đó để quyết định sẽ cho cuốn sách vào đâu. Cuối cùng, trẻ sẽ nhớ đến nội dung của các cuốn sách cùng một loại, tìm cách kết nối chúng lại. Hoạt động đơn giản này đôi khi chỉ mất vài phút của bạn, nhưng rất có ý nghĩa với sự phát triển não của trẻ!
7. Học cấu tạo từ
Đây là một hoạt động quan trọng vì nó cho phép trẻ bắt đầu "đọc" bằng cách ghép các nhóm chữ trong một từ lại. Hãy cùng bé tìm ra những từ có phần phụ âm giữ nguyên, nguyên âm thay đổi. Ví dụ như khi trẻ biết từ "cái chổi", bé sẽ cố gắng tìm được từ quả ổi, lá phổi,... Thêm vào đó, nhận ra các chữ có phát âm gần giống nhau là một kĩ năng ngôn ngữ tốt.
8. Ghép vần
Khi thấy những từ ngắn như "voi", hãy cho bé đọc thành từng chữ v – o – i, sau đó ghép lại thành "voi". Khi trẻ đã hiểu và nhận diện và ghép vần được nhanh hơn, bé sẽ hứng thú hơn với con chữ.
Tôi hay dùng tên người trong nhà, tên các con vật hoặc các vật trong nhà, để cùng con gái Minh Thu tập ghép vần. Ví dụ: hôm đó ăn món cháo cá, tôi nói với con: hôm nay nhà mình ăn "chờ ao chao sắc cháo". Có hôm nhà ăn thịt bò, Minh Thu nói: hôm nay nhà mình ăn "bờ o bo huyền bò, thịt bò". Chỉ sau độ vài tháng, bé đánh vần ngon lành hầu hết các từ quen thuộc.