Nhà báo Dương Xuân Nam: Tước vương miện thì hơi nặng nề với Ý Nhi
“Những phát ngôn của Hoa hậu Ý Nhi chỉ chứng tỏ rằng cách ứng xử của cô ấy chưa xứng tầm với danh hiệu Hoa hậu mà thôi”, ông Dương Xuân Nam chia sẻ.
Sau nhiều ồn ào liên quan đến các phát ngôn thiếu chuẩn mực của Hoa hậu Thế giới Việt Nam 2023 Huỳnh Trần Ý Nhi, nhiều người hoài nghi về giá trị của danh xưng Hoa hậu, thậm chí đề nghị tước vương miện của Ý Nhi. Cũng nhiều ý kiến cho rằng nên hạn chế số lượng các cuộc thi Hoa hậu.
Chia sẻ với VTC News, nhà báo Dương Xuân Nam – “cha đẻ” cuộc thi Hoa hậu Việt Nam (tiền thân là Hoa hậu báo Tiền Phong) cho rằng nên có quy định, quy chế chặt chẽ hơn cho các cuộc thi hoa hậu hiện tại.
- Những ngày gần đây, các phát ngôn của Hoa hậu Ý Nhi bị khán giả phản ứng rất mạnh. Là “cha đẻ” của cuộc thi Hoa hậu Việt Nam, từng trao vương miện cho nhiều hoa hậu, ông đánh giá thế nào về sự việc này?
Tôi cũng biết sơ qua về những phát ngôn của Hoa hậu Ý Nhi. Tôi cho rằng công chúng phản ứng cũng có lý của họ, vì họ thấy ứng xử của cô ấy không ngang tầm với hoa hậu.
Hoa hậu ngoài sắc đẹp hình thể còn phải là người có hiểu biết, vì người đăng quang trong một cuộc thi hoa hậu phải tiêu biểu cho vẻ đẹp của người phụ nữ cả về hình thể lẫn tri thức, đạo đức. Qua cách ứng xử của hoa hậu này, công chúng thất vọng và cảm thấy những phát ngôn của cô ấy chưa ngang tầm với danh hiệu.
- Rất nhiều khán giả muốn ban tổ chức tước vương miện của Hoa hậu Ý Nhi vì những lùm xùm vừa qua. Ý kiến của ông về việc này thế nào?
Theo tôi, tước vương miện thì hơi nặng nề với tân Hoa hậu Ý Nhi. Để tước vương miện, hoa hậu đó phải vi phạm quy chế thi, vi phạm tư cách đạo đức hoặc quy định của pháp luật. Còn những phát ngôn của Ý Nhi chỉ chứng tỏ rằng cách ứng xử của cô ấy chưa xứng tầm với danh hiệu Hoa hậu mà thôi.
- Vậy theo ông ai là người phải chịu trách nhiệm cho những ồn ào vừa qua của Hoa hậu Ý Nhi?
Ban tổ chức và Ban giám khảo phải có trách nhiệm lựa chọn hoa hậu sao cho đó là gương mặt tiêu biểu về vẻ đẹp hình thể lẫn vẻ đẹp tri thức, tâm hồn, được hầu hết công chúng công nhận. Kết quả thế này quả thực khiến công chúng thất vọng!
- Gần đây, các cuộc thi hoa hậu liên tiếp gây thất vọng cho công chúng. Nhiều người nhận định các cuộc thi sắc đẹp hiện tại không còn giá trị và chất lượng như thời điểm mới xuất hiện thi hoa hậu. Ông nghĩ sao về ý kiến này?
Năm 1988, Báo Tiền Phong tổ chức cuộc thi hoa hậu đầu tiên ở nước Việt Nam thống nhất với mục đích tôn vinh cái đẹp của người phụ nữ Việt Nam. Mục đích số 1 của cuộc thi là tôn vinh cái đẹp, đó là hoạt động văn hóa lành mạnh, bổ ích để thu hút thanh niên đến với tổ chức Đoàn, hội. Ngoài ra, cuộc thi không có bất cứ mục đích thương mại nào cả.
Ban tổ chức và Ban giám khảo có trách nhiệm lựa chọn hoa hậu sao cho đó là gương mặt tiêu biểu về vẻ đẹp hình thể lẫn vẻ đẹp tri thức, tâm hồn, được hầu hết công chúng công nhận. Kết quả thế này quả thực khiến công chúng thất vọng!
Nhà báo Dương Xuân Nam
Vì thế, chúng tôi lựa chọn những người chấm thi phải là người có danh, có tài, có tầm nhìn, có đạo đức để lựa chọn ra người đẹp có sự hài hòa về cả nét đẹp hình thể lẫn nét đẹp tâm hồn.
Thời đó chúng tôi mời các giám khảo như nhạc sỹ Trịnh Công Sơn, NSND Trà Giang, giáo sư Nguyễn Quang Quyền… Đó không chỉ là những người nổi tiếng trong nước mà còn có phẩm chất đạo đức và con mắt tinh đời để lựa chọn người đẹp đủ chuẩn mực làm hoa hậu. Chính vì thế hoa hậu thời đó thường ít gây tranh cãi.
Không phải ngẫu nhiên mà công chúng phản ứng và đặt ra câu hỏi về ý nghĩa thực sự của các cuộc thi hoa hậu đối với xã hội đâu. Vì nhiều vụ lùm xùm liên quan đến các hoa hậu quá, nhiều người đẹp trở thành hoa hậu nhưng không tiêu biểu cho nét đẹp của người phụ nữ Việt Nam cả về hình thể lẫn nhân cách và tâm hồn.
- Vậy theo ông, làm thế nào để chấm dứt tình trạng các cuộc thi nhan sắc được tổ chức ồ ạt như hiện nay?
Hiện nay chúng ta có 2 cái “loạn” liên quan đến các cuộc thi nhan sắc. Thứ nhất là loạn danh xưng Hoa hậu và thứ 2 là loạn các cuộc thi.
Cuộc thi Hoa hậu báo Tiền phong năm 1988 là cuộc thi đầu tiên ở nước Việt Nam thống nhất thành công vang dội, đến năm 1989 đã bắt đầu loạn các cuộc thi hoa hậu. Đến cuối năm 1989, tôi là người được giao soạn thảo quy chế thi hoa hậu và quy chế này đã được Bộ Văn hóa lúc đó ban hành. Đó là quy chế thi hoa hậu đầu tiên ở nước ta, mãi đến năm 2006 mới sửa thì phải…
Trong quy chế đó có quy định chặt chẽ, ví dụ: Cuộc thi nào mang tầm quốc gia mới được gọi là “thi hoa hậu”; còn các cuộc thi cấp tỉnh, thành, ngành… thì chỉ được gọi là “thi người đẹp”, với danh hiệu là Hoa khôi. Theo quy chế đó nên nhiều năm không có chuyện loạn cuộc thi, loạn danh xưng đến mức “ra ngõ gặp hoa hậu” như hiện tại. Tình trạng loạn như hiện nay khiến danh xưng Hoa hậu trở nên rẻ rúng và gây thất vọng cho người quan tâm đến các cuộc thi sắc đẹp.
Theo tôi, chúng ta nên chấm dứt tình trạng này bằng cách có quy định chặt chẽ hơn về việc cấp phép thi hoa hậu. Đầu tiên, đơn vị được đứng ra tổ chức phải là các cơ quan văn hóa, có liên quan đến văn hóa và có kinh nghiệm, kinh phí tổ chức thì mới được cấp phép.
Sau đó, việc lựa chọn giám khảo chấm thi cũng cần có quy chế, quy định bằng văn bản thay vì tình trạng “thích ai thì mời” như hiện nay.