Nhà báo đoạt giải Nobel: Meta đang thúc đẩy một thế giới không có sự thật

Ngọc Diệp ,
Chia sẻ

Bà Maria Ressa, người đoạt giải Nobel hòa bình năm 2021, cảnh báo về “thời kỳ nguy hiểm” cho báo chí và nền dân chủ sau quyết định chấm dứt việc kiểm duyệt tin tức ở Mỹ.

Bà Maria Ressa tin rằng, quyết định chấm dứt kiểm tra thông tin và ngưng hạn chế một số chủ đề của Meta báo hiệu một “thời kỳ cực kỳ nguy hiểm” với báo chí, nền dân chủ và người dùng mạng xã hội. Nhà báo người Mỹ gốc Philippines này cho biết, nới lỏng việc kiểm duyệt nội dung trên các nền tảng Facebook và Instagram của Mark Zuckerberg sẽ dẫn đến một “thế giới không có sự thật” và đó là “một thế giới phù hợp cho nhà độc tài”.

Nhà báo đoạt giải Nobel: Meta đang thúc đẩy một thế giới không có sự thật - Ảnh 1.

Bà Maria Ressa, nhà báo đoạt giải Nobel.

“Mark Zuckerberg nói rằng, đó là vấn đề tự do ngôn luận - điều đó hoàn toàn sai. Chỉ khi bạn muốn có quyền lực và tiền bạc, bạn mới có thể nói vậy. Đây là vấn đề về sự an toàn”, bà Ressa nói.

Bà Ressa, người đồng sáng lập trang tin tức Rappler, đã giành giải Nobel hòa bình năm 2021 cho “cuộc đấu tranh dũng cảm vì quyền tự do ngôn luận” của bà. Bà đã phải đối mặt với nhiều cáo buộc hình sự và cuộc điều tra sau khi bà đăng tải những bài báo chỉ trích cựu tổng thống Philippines Rodrigo Duterte.

Bà Ressa bác bỏ tuyên bố của Zuckerberg rằng, những người kiểm duyệt tin tức “quá thiên vị về mặt chính trị” và đã “phá hoại niềm tin thay vì tạo ra nó”. “Các nhà báo có một bộ tiêu chuẩn và đạo đức. Facebook sẽ loại bỏ điều đó và cho phép những lời nói dối, lòng căm thù, nỗi sợ hãi và sự tức giận lây nhiễm mỗi người trên nền tảng này”, bà Ressa nói.

Zuckerberg, nhà sáng lập và giám đốc điều hành của Meta, công ty sở hữu Facebook và Instagram cho biết vào thứ Ba (7/1) rằng, ông sẽ xóa các công cụ kiểm duyệt thông tin của bên thứ ba tại Mỹ. Chúng sẽ được thay thế bằng dịch vụ kiểm duyệt do người dùng đóng góp tương tự như tính năng “ghi chú cộng đồng” trên mạng xã hội X.

Ông nói thêm rằng Meta cũng sẽ “xóa bỏ một loạt hạn chế đối với các chủ đề như nhập cư và giới tính vốn không phù hợp với diễn ngôn chính thống” và “làm việc với Tổng thống Trump để phản đối các chính phủ quốc tế đang nhắm vào các công ty Mỹ và muốn thúc đẩy kiểm duyệt nhiều hơn”. Meta cho biết họ “không có kế hoạch ngay lập tức” xóa bỏ các công cụ kiểm tra thông tin bên ngoài nước Mỹ, tuy nhiên các thay đổi còn lại sẽ lần lượt được triển khai trên toàn thế giới.

Bà Ressa cho biết, sẽ làm mọi thứ có thể để “đảm bảo tính toàn vẹn của thông tin”. “Đây là một năm chủ chốt quyết định sự sống còn của báo chí. Chúng tôi sẽ làm mọi thứ có thể để bảo vệ nó”, bà nói.

Vào tháng 10 năm ngoái, tổ chức nhân quyền Amnesty International tuyên bố rằng chính quyền Philippines đang sử dụng Facebook để “gắn thẻ đỏ” các nhà hoạt động trẻ, một thuật ngữ ám chỉ dán mác họ là “những kẻ nổi loạn” hoặc “khủng bố”.

Năm 2021, một người tố giác Meta, bà Frances Haugen, tiết lộ rằng các thị trường không phải tiếng Anh thiếu trầm trọng các biện pháp kiểm soát an toàn, chẳng hạn như Châu Phi và Trung Đông. Facebook đang được những kẻ buôn người và các nhóm vũ trang ở Ethiopia sử dụng. “Tôi đã làm những gì cần thiết để cứu giúp nhiều người, đặc biệt là ở các nước Nam bán cầu, những người mà tôi tin rằng đang lâm nguy bởi vì Facebook ưu tiên lợi nhuận hơn con người”, bà nói với tờ Observer.

Vào thời điểm đó, Meta, khi đó vẫn hoạt động dưới thương hiệu Facebook, cho biết tiền đề rằng họ ưu tiên lợi nhuận hơn an ninh là “sai lầm” và họ đã đầu tư 13 tỷ USD (330 trăm tỷ VND) để bảo vệ người dùng.

Theo france24.com, 8/1/2025

Chia sẻ