Nguyên tắc vàng cần nhớ: Điều trị đúng bệnh, ăn uống hợp lý
Dù là một căn bệnh di truyền nguy hiểm, nhưng tuân thủ phác đồ điều trị nghiêm ngặt theo chỉ định của bác sỹ giúp bệnh nhân có cuộc sống gần giống như người bình thường. Điều này được nhấn mạnh tại buổi tọa tọa đàm “Cùng con đương đầu với Thalassemia” diễn ra vào cuối tháng 11 vừa qua tại Viện Huyết học và Truyền máu Trung Ương.
Tan máu bẩm sinh là bệnh lý di truyền do sự thiếu hụt tổng hợp chuỗi globin trong huyết sắc tố của hồng cầu. Sự thiếu hụt này dẫn đến tình trạng làm hồng cầu dễ vỡ, từ đó khiến cơ thể thiếu máu, thiếu oxy, gây ra nhiều biến chứng. Do đó, “Thalassemia được xem là bệnh lý truyền máu mãn tính, nghĩa là việc truyền máu - thải sắt sẽ diễn ra suốt cuộc đời người bệnh”, bác sĩ Phù Chí Dũng (Giám đốc bệnh viện Truyền máu – Huyết học TP. HCM) cho biết.
Cần tuân thủ phác đồ điều trị…
Để việc điều trị Thalassemia đạt kết quả tốt nhất, người bệnh nên tìm đến các cơ sở y tế để xác định tình trạng bệnh (nhẹ, trung bình, nặng) bằng các xét nghiệm như công thức máu và quan sát tiêu bản máu dưới kính hiển vi, xét nghiệm điện di hemoglobin và ADN. Sau khi xác định được tình trạng, các bác sĩ sẽ có phác đồ điều trị thích hợp với từng người.
Đối với những người mắc Thalassemia thể nhẹ có thể không cần điều trị hoặc chỉ dùng thuốc và bổ sung máu khi cơ thể có nhu cầu máu cao như thời kỳ kinh nguyệt, sau khi phẫu thuật, sinh con hoặc mắc bệnh nhiễm trùng. Với bệnh nhân Thalassemia từ trung bình đến nặng thì phải thường xuyên truyền máu ít nhất 2 lần mỗi tháng (theo chỉ định của bác sĩ, số lần có thể nhiều hơn). Tuy nhiên, sau khoảng 10 - 20 lần truyền máu, cơ thể sẽ nảy sinh tình trạng ứ sắt làm tổn thương tim, gan và các tổ chức khác như lách. Bởi thế, bệnh nhân – nhất là trẻ em – cần dùng thuốc thải sắt song song với việc truyền máu. Đối với bệnh này, bệnh nhân cần phải tuân thủ đúng và kiên trì sát sao với quá trình truyền máu và thải sắt thì sức khỏe mới được cân bằng.
…kết hợp với điều chỉnh lối sống để đạt hiệu quả tối ưu
Trong điều trị Thalassemia, ngoài việc tuân theo phác đồ điều trị, người bệnh cần lưu ý điều chỉnh lối sống để đạt hiệu quả tốt nhất.
Cụ thể, cần có chế độ ăn giàu dinh dưỡng, ít sắt và giàu can-xi. Bệnh nhân có thể xây dựng thực đơn khoa học gồm những món ăn ít sắt như thịt heo, dê, gia cầm, tăng cường dùng sữa và các sẩm phẩm từ sữa, có thể bổ trợ thêm acid folic để tạo hồng cầu hoặc kẽm, can-xi (cần tham khảo bác sĩ). Trong đó, đặc biệt hạn chế các thực phẩm như thịt bò, gan, tim, tiết canh, lòng đỏ trứng, các loại ngũ cốc, rau củ quả và trái cây sấy khô vốn chứa nhiều sắt. Đặc biệt, cũng cần lưu ý trong quá trình chế biến thức ăn, cũng cần hạn chế những thực phẩm có nhiều thành phần là sắt.
Rất nhiều bện nhân có thói quen thấy thiếu máu là uống viên sắt bổ sung. Tuy nhiên, đối với những đối tượng mắc bệnh tan máu bẩm sinh cần hết sức cẩn thận, không uống thuốc khi chưa có chỉ định của bác sĩ đồng thời tránh tạo sự tăng hấp thu máu ở đường ruột bằng các loại thức ăn có nhiều chất sắt như: lòng heo, gan rau muống hoặc các loại có màu xanh đậm, các loại thực phẩm để khô, trái cây phơi khô hoặc thức ăn hữu cơ sấy khô lại. Riêng đối với trẻ em, cần khuyến khích ăn thêm những thực phẩm giàu đạm như: tôm, cá… để bù lại các thức ăn, yếu tố vi lượng hằng ngày của các cháu và tránh ăn sò huyết.
Nếu tuân thủ đúng phác đồ điều trị kết hợp với sống lành mạnh cùng thực đơn khoa học, bệnh nhân Thalassemia hoàn toàn có thể duy trì được cuộc sống như người bình thường.
Theo bác sĩ CKI Phạm Quý Trọng (Nguyên giảng viên bộ môn huyết học Đại học Y Dược TPHCM) cho biết, việc điều trị Thalassemia với bệnh nhi cần chú ý một vài điểm sau: - Cơ chế chính của bệnh là thiếu máu do vỡ hồng cầu, vì thế cần bổ sung thêm các nguồn nguyên liệu tạo hồng cầu, ngoài acid folic cần cho quá trình tạo máu cần bổ sung thêm Vitamin B12. - Việc truyền máu có thể dẫn đến tình trạng ứ sắt nên phải dùng thuốc thải nhưng thiếu Sắt cũng khiến bệnh nhi chậm phát triển về cả thể chất và tinh thần. Trường hợp này cần đưa bé đến khám bác sĩ khoa huyết học hoặc dinh dưỡng để được tư vấn chế độ dinh dưỡng thích hợp, tránh trường hợp các cháu không bị các chứng bịnh như là loãng xương hoặc rối loạn về nội tiết, chậm phát triển về tinh thần. Để việc điều trị bệnh có hiệu quả, cần phải tìm đến các bệnh viện có chuyên môn tốt và hệ thống thiết bị y tế đầy đủ như: bệnh viện Bạch Mai, bệnh viện Nhi TW, Viện huyết học truyền máu TW (Hà Nội); Bệnh viện Truyền máu - Huyết học, bệnh viện Chợ Rẫy, bệnh viện Nhi Đồng,… (TP.HCM) |