Nguy hại những hội nhóm tiêu cực: Chọn bạn mà chơi, chọn nhóm mà vào
Nhiều hội nhóm kín trên mạng xã hội thường xuyên chia sẻ cảm xúc tiêu cực, vi phạm pháp luật. Hội nhóm là ảo nhưng hệ lụy là thật.
Ngày nay, trên mạng xã hội có rất nhiều hội nhóm chung mối quan tâm, từ hội phụ huynh, hội học sinh đến câu lạc bộ hâm mộ nghệ sĩ, thần tượng. Tuy nhiên, xuất hiện cả những hội nhóm có tên gọi được cho là quái gở như hội những người vỡ nợ muốn làm liều, hội báo chốt 141, hội hướng dẫn cách bùng nợ vay qua app, hội muốn tự tử, hội người thứ 3…
Điều đáng lo ngại là những hội nhóm này hoạt động rầm rộ, lôi kéo rất đông người tương tác. Không chỉ dừng lại ở việc đăng tải, bình luận tiêu cực, các thành viên hội nhóm này đã có hành vi vi phạm pháp luật. Hội nhóm là ảo nhưng hệ lụy của nó là thật…
Công an thành phố Hà Nội cho biết, thời gian qua tội phạm bạo lực, bao gồm cả những vụ giết người, cướp của trong nhóm vị thành niên, có hiện tượng tăng, ở cả thành thị và nông thôn. Một phần lý do là ở những hội nhóm rủ rê vi phạm pháp luật trên mạng xã hội. Những bài viết tác động tới tâm lý của người dùng mạng, từ đó chi phối cả hành vi của họ. Có những người tìm thấy đối tác cùng chung mục đích nên liên hệ để cùng thực hiện hành vi vi phạm pháp luật. Bên cạnh đó, có cả những hội nhóm kín chia sẻ cảm xúc tiêu cực, thậm chí rủ nhau tìm cách kết thúc cuộc đời.
Theo tâm lý đám đông, sự bi quan, tiêu cực của người này rất dễ lây lan sang người khác, hình thành lên một cộng đồng trong hội nhóm có cái nhìn đen tối về cuộc sống. Ông bà ta có câu "Chọn bạn mà chơi" và với sự phát triển của mạng xã hội, nhiều người giờ cho rằng cần có thêm câu "Chọn hội mà vào". Bởi đằng sau mục đích muốn tìm kiếm những người cùng chia sẻ, có thể những người lập ra các hội nhóm này còn có mục đích trục lợi.
"Đối với các hội nhóm khi đã phát triển rộng rãi hơn, với số lượng lớn thì họ có thể hoàn toàn biến nó trở thành một nơi kinh doanh, truyền bá, gây ảnh hưởng tiêu cực đến người khác để thỏa mãn nhu cầu cá nhân, chứ không phải vì lợi ích của người tham gia các hội nhóm", PGS.TS Phạm Mạnh Hà – Trường ĐH Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội chia sẻ.
Nghị định 15 năm 2020 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính viễn thông, tần số vô tuyến điện đã quy định rất rõ hành vi đăng tải, chia sẻ thông tin kích động bạo lực, tội ác, tệ nạn xã hội, đánh bạc hoặc phục vụ đánh bạc có thể bị xử phạt vi phạm hành chính từ 10 – 20 triệu đồng. Hành vi đăng tải lên mạng xã hội những thông tin tiêu cực, bày cách hay rủ nhau tự tử đều bị coi là phạm pháp và bị xử phạt vi phạm hành chính từ 10 – 20 triệu đồng.
Những hành vi kích động, dụ dỗ, xúi giục người khác tự sát, hoặc tạo điều kiện về vật chất hay tinh thần để người khác tự sát có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự với mức phạt có thể đến 3 năm tù. Trường hợp khiến 2 người tự sát trở lên có thể bị xử 2 – 7 năm tù. Những người quản lý hội nhóm biết rõ nội dung những vẫn để các đối tượng bàn luận, chia sẻ các nội dung vi phạm pháp luật khi được cơ quan quản lý xác định vi phạm cũng sẽ bị xử lý.
Việc quản lý những hội nhóm tiêu cực trên mạng xã hội không dễ. Bởi sở hữu các nền tảng mạng xã hội là những công ty đa quốc gia và nhiều nền tảng không đặt văn phòng làm việc tại Việt Nam. Tuy nhiên, nếu cơ quan chức năng không tìm ra biện pháp để ngăn chặn và xử lý triệt để những hội nhóm với nội dung quái gở, tiêu cực như thế này thì hậu quả sẽ rất lớn, đặc biệt là với thế hệ trẻ.