Nguy cơ nhiễm bệnh sán lá gan từ gỏi cá
Những món ăn từ gỏi cá tiềm ẩn rất nhiều mầm bệnh nguy hiểm, hàng đầu phải kể đến là bệnh sán lá gan.
Bệnh sán lá gan được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) xếp vào danh sách 20 bệnh nhiệt đới ít được quan tâm (bệnh nhiệt đới bị lãng quên) và cần phải loại trừ, bởi đây là căn nguyên biến chứng của nhiều loại bệnh, với những biểu hiện từ đau bụng, mệt mỏi thông thường đến các vấn đề nghiêm trọng cho sức khỏe khác như ung thư đường mật, xơ gan mật…
Người hoặc động vật ăn phải ấu trùng sán chưa được nấu chín thì sau khi ăn ấu trùng này vào dạ dày, xuống tá tràng rồi ngược theo đường mật lên gan, phát triển thành sán lá gan trưởng thành ký sinh và gây bệnh ở đường mật.
Theo Sở Y tế Yên Bái, sau khi xâm nhập vào nhu mô gan, sán non sẽ phát triển thành sán trưởng thành và đẻ trứng trong các đường dẫn mật, trứng được bài xuất ra ngoài theo phân và xuống nước phát triển theo chu kỳ khép kín rồi lây truyền qua đường ăn cá sống có ấu trùng sán. Do ký sinh trong đường mật, khi nhiễm sán lá gan nhỏ có thể có các biểu hiện:
- Đau tức vùng gan hoặc đau tức hạ sườn phải.
- Rối loạn tiêu hóa (kém ăn, bụng ậm ạch khó tiêu)
- Đôi khi có biểu hiện sạm da, vàng da, mẩn ngứa, dị ứng và dấu hiệu gan to hay xơ gan tùy theo mức độ của bệnh.
- Trường hợp nặng, sán lá gan nhỏ có thể gây viêm đường mật, chảy máu đường mật, ung thư đường mật, xơ gan mật...).
Triệu chứng dễ nhầm với triệu chứng bệnh của bệnh lý nội khoa khác nên dễ bị bỏ qua, một số trường hợp không có triệu chứng chỉ tình cờ phát hiện ra khi khám bệnh lý khác hoặc kiểm tra sức khoẻ định kỳ.
Điều trị bệnh sán lá gan như thế nào?
Khi được chẩn đoán nhiễm sán lá gan cần được điều trị sớm, đủ liều và tuân thủ hướng dẫn điều trị thuốc đặc hiệu theo chỉ định của bác sĩ, bên cạnh đó cần được bồi dưỡng nâng cao thể trạng.
Để phòng, chống bệnh sán lá gan và các bệnh ký sinh trùng khác ở người, người dân cần chủ động thực hiện tốt an toàn vệ sinh thực phẩm:
Ăn chín, uống chín đặc biệt không ăn tái cá, gỏi cá và các món ăn tái, sống kể cả các loại rau mọc dưới nước như rau muống, cải xoong, rau cần, ngó sen,... các nang trùng của sán bám rất chắc, nên dù có rửa kỹ bằng nước cũng rất khó loại trừ hoàn toàn nang sán. Để đảm bảo an toàn, các loại rau này cần nấu chín trước khi ăn.
Quản lý nguồn phân người không dùng phân người và súc vật nuôi cá, không phóng uế xuống các nguồn nước, không sử dụng phân tươi bón ruộng, hoa màu.
Sử dụng nguồn nước sạch đảm bảo vệ sinh.
Giữ vệ sinh sạch sẽ, rửa tay sạch trước khi chế biến thức ăn, trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh; vệ sinh đồ dùng (vệ sinh kỹ dao, thớt sau khi chế biến cá, không sử dụng chung dao, thớt cho cả thực phẩm chín và thực phẩm tươi sống).
Nếu có thói quen ăn gỏi cá, tái cá...chủ động khám, xét nghiệm phân định kỳ 6 tháng 1 lần để phát hiện điều trị sớm.
Tuyên truyền rộng rãi cho người thân, gia đình, bạn bè và cộng đồng phòng chống bệnh sán lá gan nhỏ để bảo vệ sức khỏe góp phần chăm sóc, bảo vệ sức khỏe và nâng cao tuổi thọ trung bình cho mỗi cá nhân, gia đình và xã hội.
Không để tái nhiễm sán lá gan vì sán lá gan trưởng thành chủ yếu sống ký sinh ở các đường dẫn mật ở trong gan gây nên viêm đường mật, lâu ngày có thể gây nên tình trạng xơ hoá gan, ung thư gan, tắc mật hoặc cổ trướng.
Ngoài các biểu hiện về gan, trong trường hợp sán lá gan di chuyển lạc chỗ có thể ký sinh ở phúc mạc, tuyến vú, tinh hoàn, màng tim, màng phổi gây tràn dịch vào nhu mô phổi… gây biến chứng nặng nề ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe con người và có thể dẫn đến tử vong do biến chứng.
Làm thế nào để biết mình có nhiễm sán lá gan?
Nếu nghi ngờ bị nhiễm sán lá gan khi có các biểu hiện triệu chứng trên kèm theo có thói quen ăn gỏi cá, tái cá, hoặc các món ăn từ cá chưa được nấu chín kỹ, cần đến cơ sở y tế xét nghiệm phân tìm trứng sán lá gan, có thể làm xét nghiệm máu bằng kỹ thuật miễn dịch (ELISA) tìm thấy kháng thể kháng sán lá gan trong huyết thanh. Ngoài ra, trong trường hợp sán ký sinh lạc chỗ, cần có các phương tiện chẩn đoán hình ảnh để xác định vị trí sán ký sinh như CT, MRI...