Nguy cơ "mất thưởng" vì… chính sách: Giám đốc Sở giáo dục lên tiếng
Ai cũng mong có một cái Tết sum vầy, no ấm bên gia đình sau một năm vất vả. Dù đã qua cái thời "giáo dục vượt khó" nhưng với nhiều giáo viên, Tết vẫn là góc khuất không biết tỏ bày cùng ai.
Trong khi giáo viên cả nước vui mừng khi nhận chế độ tiền thưởng bao gồm đột xuất và định kì hằng năm, tại Hà Nội, hàng nghìn giáo viên có nguy cơ không nhận được mức thưởng này.
Nghị định 73 của Chính phủ ban hành giữa năm 2024 quy định mức lương và chế độ thưởng với công chức, viên chức và quân nhân (viết là Nghị định 73). Trong đó, tiền thưởng tính theo thành tích đột xuất và kết quả đánh giá, xếp loại mức độ hoàn thành nhiệm vụ hằng năm. Quỹ thưởng bằng 10% tổng quỹ lương (không tính phụ cấp), phải chi trước 31/1 của năm sau. Đây là lần đầu tiên, công chức, viên chức có khoản này. Ghi nhận từ một số địa phương cho thấy, các trường thường chia thưởng theo ba mức: hoàn thành, hoàn thành tốt và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, phổ biến từ 4 đến gần 7 triệu đồng/giáo viên.
Tại Hà Nội, một số trường đã xây dựng xong cơ chế chi và đã thực hiện chi xong cho giáo viên. Tuy nhiên, giáo viên của các trường đang thực hiện thí điểm đặt hàng dịch vụ giáo dục từ năm học 2023-2024 của thành phố có nguy cơ không được nhận khoản này. Nguyên nhân, ngày 10/12/2024, HĐND thành phố Hà Nội thông qua Nghị quyết 46 quy định chi thu nhập tăng thêm cho cán bộ, công chức, viên chức làm việc trong các cơ quan Nhà nước, tổ chức chính trị, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, tổ chức chính trị - xã hội và đơn vị sự nghiệp công lập được ngân sách Nhà nước đảm bảo chi thường xuyên thuộc thành phố Hà Nội quản lí.
Với nghị quyết này, nhiều giáo viên trên địa bàn thành phố Hà Nội thuộc các đơn vị sự nghiệp giáo dục đang thực hiện thí điểm đặt hàng dịch vụ giáo dục bị phân loại thành đơn vị tự đảm bảo chi thường xuyên (đơn vị tự chủ) không được thụ hưởng chế độ thưởng theo Nghị định 73.
Đại diện Trường THCS Lê Lợi , Hoàn Kiếm, Hà Nội cho hay, trường mới thực hiện thí điểm tự chủ. Việc giao tự chủ này về bản chất không phải do nguồn thu của các trường tăng lên mà do thay đổi hình thức cấp phát từ giao dự toán sang hình thức đặt hàng. Việc các đơn vị trường học bị xếp vào nhóm tự chủ hoàn toàn và đơn vị đã đăng kí đặt hàng giá dịch vụ giáo dục đã khiến cho giáo viên không được hưởng nguồn thu nhập tăng thêm theo Nghị định 73.
Cô Đỗ Thị Kim Oanh , giáo viên Trường THCS Ngọc Tảo (huyện Phúc Thọ) nêu quan điểm, về bản chất, các đơn vị trường học vẫn là các đơn vị sự nghiệp công lập được nhà nước đảm bảo toàn bộ chi ngân sách. Nhà trường được giao nhiệm vụ thu học phí, nhưng số tiền đó sẽ được trừ khi cấp trên phân bổ dự toán, nhà trường không được đem chia cho cán bộ, giáo viên, nhân viên.
Mặt khác, khi đăng kí giá dịch vụ giáo dục năm 2024-2025 thì giá dịch vụ tại thời điểm đó được xác định theo mức lương cơ sở là 1.800.000 đồng và chưa bao gồm kinh phí tiền thưởng theo Nghị định 73, cũng như nguồn tăng thu nhập theo Nghị quyết 46. “Việc các đơn vị trường học bị xếp vào nhóm tự chủ hoàn toàn khiến chúng tôi không được hưởng nguồn thu nhập tăng thêm theo Nghị định 73. Rõ ràng, đây là chủ trương áp dụng cho cán bộ, công chức, viên chức nhưng chúng tôi lại bị gạt ra”, cô Oanh nói.
Gửi “tâm thư” lên lãnh đạo thành phố
Trước những bất cập liên quan đến Nghị quyết 46, gần 600 giáo viên của Hà Nội đã viết “tâm thư” kiến nghị lãnh đạo thành phố xem xét. Hà Nội có 119 trường THPT thuộc Sở GD&ĐT quản lí được xếp vào diện “tự chủ chi thường xuyên”. Ngoài ra, 30 quận, huyện mỗi nơi có khoảng 3-9 trường từ mầm non đến THCS được chọn thí điểm đặt hàng dịch vụ giáo dục. Ước tính, ít nhất 200 trường học bị ảnh hưởng.
Trước đó, cuối tháng 9/2024, UBND huyện Phúc Thọ, Hà Nội đã gửi văn bản kiến nghị Sở Nội vụ, Sở Tài chính xem xét lại dự thảo nghị quyết 46, đảm bảo quyền lợi cho thầy cô. Huyện này có 9 đơn vị sự nghiệp lĩnh vực giáo dục đang thực hiện thí điểm đặt hàng. Về bản chất, đây là đơn vị tự chủ chi thường xuyên không phải do tăng nguồn thu mà do thay đổi hình thức cấp phát từ giao dự toán sang hình thức đặt hàng. Việc không áp dụng chi thu nhập tăng thêm đối với các đơn vị thí điểm đặt hàng sẽ không khuyến khích được các đơn vị tiếp tục thực hiện gây bất cập trong công tác quản lí.
Ông Trần Thế Cương, Giám đốc GD&ĐT Hà Nội, cho biết sở đã nhận được thông tin và rất chia sẻ trước tâm tư của giáo viên, khó khăn của các trường vì nếu đưa 10% khen thưởng vào phần tự chủ của các trường thì chắc chắn nhiều trường sẽ không có đủ kinh phí để thực hiện. “Tôi đã kí văn bản báo cáo, đề xuất với lãnh đạo thành phố để xem xét đảm bảo quyền lợi của nhà giáo”, ông Cương thông tin.
Mong Tết ấm
Các nhà giáo đều bày tỏ tin tưởng rằng, những khoản tiền thưởng này sẽ mang yếu tố khích lệ, động viên tinh thần đối với giáo viên, đặc biệt là tại vùng xa xôi, khó khăn. Ngoài ra, việc phấn đấu trong dạy học để đạt các mức xếp loại với mức thưởng tối đa cũng là một cách tạo ra sự nỗ lực trong công việc của mỗi nhà giáo. Từ đó nâng cao chất lượng dạy và học ở mỗi nhà trường.
Khi chưa có khoản tiền thưởng theo Nghị định 73, nhiều giáo viên ở các vùng đặc biệt khó khăn không có hoặc có rất ít các khoản tiền thưởng cuối năm. Tuy nhiên khi Nghị định này có hiệu lực nó đã tạo ra mặt bằng chung về khoản tiền thưởng trên toàn quốc. Bởi lẽ nguồn tiền với các khoản thưởng từ việc được bổ sung thêm 10% tổng quỹ lương thì hầu như giáo viên trường nào cũng sẽ có. Như vậy nó vừa bình đẳng lại vừa bền vững.