Nguy cơ bị bỏng nặng từ những đồ dùng quen thuộc hầu như nhà nào cũng có
Lò vi sóng, sạc pin dự phòng, bình gas… đều là những vật dụng quen thuộc trong gia đình và có nguy cơ cháy nổ, gây bỏng nặng cho người dùng mà bạn cần hết sức cảnh giác.
Bình gas là vật dụng dùng để đun nấu không thể thiếu ở mỗi gia đình trong cuộc sống thời nay. Bên cạnh ưu điểm nhanh, tiện lợi trong đun nấu, đồ dùng này cũng ẩn chứa nhiều hiểm họa đáng sợ, trong đó có những tai nạn cháy nổ bình gas, gây bỏng nặng, thậm chí tử vong.
Hiện trường sau một vụ nổ bình gas.
Thực chất, khí gas rò rỉ không có khả năng gây cháy nổ. Hiện tượng cháy nổ xảy ra khi khí gas kết hợp với oxy trong không khí tạo thành hỗn hợp cháy, chỉ cần ở nhiệt độ cao hoặc có tia lửa phát ra khi bật công tắc đèn, quạt, điện thoại, giày có gót đệm bằng kim loại tiếp mặt sàn… thì khả năng cháy nổ lớn cực cao.
Dây dẫn nối bình gas với bếp được xem là nguyên nhân chủ yếu gây nên những vụ nổ khí gas. Dây dẫn được làm từ chất liệu cao su, có thể bị rò rỉ sau khi dùng lâu, hoặc bị dầu mỡ bắn vào, chuột gián gặm nhấm… đều có thể gây rò rỉ khí gas.
Bên cạnh đó, van khóa gas bị hỏng, lỏng, mối nối giữa dây dẫn và bình gas, bếp gas lỏng lẻo, dùng bếp xong không khóa gas hoặc khóa sai quy trình… cũng là những nguyên nhân gây nên rò rỉ khí gas, khiến bình gas phát nổ.
Giải pháp: Khi ngửi thấy khí gas bốc mùi, ngay lập tức phải khóa van gas. Không được bật, tắt các công tắc, thiết bị điện. Mở toang cửa phòng, dùng quạt tay quạt bớt nồng độ gas. Sau đó gọi ngay thợ sửa chữa đến kiểm tra.
Theo FDA, lò vi sóng nói chung an toàn khi được sử dụng đúng cách. Tuy nhiên, khi dùng không cẩn thận hoặc sử dụng sai hướng dẫn, bảo dưỡng không đúng cách… bạn có thể bị bỏng nghiêm trọng vì khả năng phát nổ của đồ dùng này.
Cháy nổ lò vi sóng vì dùng không đúng cách.
PGS.TS Trần Hồng Côn (khoa Hóa, trường Đại học Khoa học Tự nhiên, ĐHQGHN) cho biết, lò vi sóng dùng sóng điện từ cực ngắn, làm nước trong thực phẩm chuyển động nhanh, mạnh, sinh nhiệt và làm chín thức ăn.
Việc đặt các vật bằng kim loại vào lò vi sóng, nấu thức ăn có vỏ cứng hoặc đậy nguyên nắp trong lò vi sóng, rán, nấu thức ăn trong lò quá lâu, bật lò vi sóng khi không có thức ăn bên trong, đặt nơi chật hẹp, đặt gần bếp gas, sử dụng chung ổ điện với những thiết bị khác, sấy quần áo trong lò vi sóng, mở cửa khi sử dụng lò… đều có thể gây nên những vụ cháy nổ nghiêm trọng.
Giải pháp: Không sử dụng các đồ dùng bằng kim loại để đựng thức ăn khi cho vào quay trong lò vi sóng; Tránh không chạy lò vi sóng khi bên trong không có thức ăn, hoặc lò hoạt động ở công suất cao, trong thời gian khá lâu mà lượng thức ăn cho vào lại ít; Tuyệt đối không mở cửa lò vi sóng khi cháy trong lò mà phải ngắt nguồn điện trước; Không vận hành khi lò vi sóng bị hỏng mối hàn, phích cắm; Không nướng trứng còn nguyên vỏ trong lò vì có thể gây phát nổ.
Sạc dự phòng
Trong thời đại công nghệ số hiện nay, điện thoại là vật dụng không thể thiếu bên bạn 24/24h. Đó chính là lý do khiến điện thoại luôn cạn pin và một chiếc sạc dự phòng là lựa chọn lý tưởng nhất. Tuy nhiên, với tình trạng sạc dự phòng lan tràn ngoài thị trường như hiện nay thì rất có thể bạn sẽ chọn phải một chiếc sạc dự phòng kém chất lượng.
Khi sử dụng sạc dự phòng, nhất là sạc dự phòng giá rẻ, không rõ nguồn gốc, xuất xứ, bạn có nguy cơ bị bỏng nặng.
Tâm lý chung của người tiêu dùng là thích mua hàng có dung lượng lớn mà giá lại rẻ. Do đó, một số loại pin sạc trôi nổi vẫn là lựa chọn số 1 mà không bận tâm đến những hậu quả mình có thể gánh phải.
Khi sử dụng sạc dự phòng, nhất là sạc dự phòng giá rẻ, không rõ nguồn gốc, xuất xứ, bạn có nguy cơ bị bỏng nặng do sạc dự phòng phát nổ. Nhiều người dùng đã đặt pin dự phòng tại những môi trường khắc nghiệt như nhiệt độ cao, độ ẩm lớn, gây ảnh hưởng chất lượng pin dự phòng và gây nổ.
Theo FDA, cấu tạo chung của những viên pin năng lượng, cụ thể ở đây, 1 cell Pin Lithium-ion được cấu tạo bởi rất nhiều tấm mang điện tích trái dấu xếp chồng lên nhau và phân tách nhau bởi những lớp cách điện. Nhưng do 2 điện cực trái dấu chỉ được phân tách bởi 1 tấm cách điện mỏng, nên trong trường hợp đặc biệt, những tấm này bị hỏng và điện tích được dẫn trực tiếp qua các bản cực trái dấu, toàn viên pin sẽ nóng lên nhanh chóng và gây cháy nổ.
Giải pháp: Lựa chọn sản phẩm của nhà sản xuất có uy tín, có tem mác bảo hành, có nguồn gốc xuất xứ. Người mua hàng trước khi mua cần tìm hiểu kỹ sản phẩm định mua , cách sạc, cách sử dụng thiết bị số để đảm bảo an toàn cho bản thân và thiết bị dùng.
Nước hoa
Nước hoa dường như là vật dụng không thể thiếu của đa số chị em phụ nữ. Nhưng việc bảo quản không đúng cách cũng có thể gây cháy nổ. Theo Sina, vào 5/8/2015, một chiếc xe hơi ở thành phố Diêm Thành, tỉnh Giang Tô, Trung Quốc đã đột nhiên bốc cháy. Nguyên nhân được xác định do chủ nhân thường xuyên để nước hoa trên xe.
Ở điều kiện thường trên 50 độ C, nước hoa dễ dàng phát nổ.
Trong nước hoa có chứa thành phần rượu cồn – một thành phần rất dễ bay hơi và cũng dễ cháy. Khi bình đựng nước hoa có dạng thấu kính lồi, đặt trong ô tô và bị mặt trời chiếu vào, sản sinh điểm hội tụ sẽ làm cháy cồn bên trong, gây nên những vụ nổ nghiêm trọng. Ở điều kiện thường trên 50 độ C, nước hoa cũng dễ dàng phát nổ.
Giải pháp: Tuyệt đối không để nước hoa trong xe ô tô. Bảo quản nước hoa trong môi trường khô ráo, tránh ánh nắng, có nhiệt độ thấp khoảng 30 độ C.
(Nguồn: Tổng hợp)